Vững việc nước, vẹn tình nhà

11/02/2015 18:07

(Baonghean) - Trước lúc lên đường mang mùa Xuân đến với Trường Sa, Đại tá Nguyễn Cao Sơn - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4, quê xã Diễn Bích (Diễn Châu) nói vui: Phóng viên Báo Nghệ An lên đảo nào cũng gặp đồng hương. Quả vậy, tại 12 điểm đảo mà chúng tôi đi qua, đến đâu chúng tôi cũng được sống trong tình đồng hương nồng nàn của những người con Nghệ An… Được biết, hiện nay cán bộ, chiến sỹ và nhân dân quê Nghệ An thường xuyên có mặt ở Trường Sa khoảng 200 người.

Ở đảo Phan Vinh, khi đặt vấn đề với Trung tá Vũ Xuân Quảng, trực chỉ huy của đảo về nguyện vọng muốn gặp các cán bộ, chiến sỹ người Nghệ An, anh Quảng cho biết, cả hai điểm đảo Phan Vinh và Phan Vinh B con em Nghệ An có đến hơn chục người. Vì nhiệm vụ và nguyên tắc bảo mật quân số, chúng tôi chỉ được gặp 7 đồng chí đang nghỉ giữa ca trực. Đảo phó Phan Đức Đoàn, quê xã Liên Thành (Yên Thành) thông báo cho cán bộ, chiến sỹ người Nghệ An ngắn gọn qua điện thoại: “Gặp nhau ngay ở bàn đá cạnh bia chủ quyền nhé, có quê ra!”. Ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên, ai nấy cũng mừng vui như người thân lâu ngày gặp lại với câu chào mang đậm chất lính: “Chào quê, quê có say sóng không? Quê đi biển lần thứ mấy?”... Thì ra, anh em đồng hương gặp nhau ở Trường Sa đều có kiểu chào hỏi và xưng hô đặc trưng quen thuộc như vậy. “Đến ca trực của quê chưa?”, “Quê được bao nhiêu tuổi quân rồi”, “Quê đi Trường Sa tăng (lần) thứ mấy?”... Quê được gọi với vị trí đại từ nhân xưng, thay cho tên người đối thoại trong giao tiếp, nghe thật gần gũi. Phải chăng, ở nơi người ta đến để lãnh nhận và thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, thì tên riêng tạm được quên đi, tạm lùi lại đằng sau để cho tình quê, tiếng quê được hiện diện.

Cán bộ, chiễn sỹ đồng hương Nghệ An ở đảo Phan Vinh.
Cán bộ, chiễn sỹ đồng hương Nghệ An ở đảo Phan Vinh.

Gặp nhau ở nơi cách xa đất liền, xa cách quê hương, không gì hơn vẫn là ríu ran kể chuyện quê nhà. Trung tá Phan Quốc Sỹ phấn chấn khi nói về người vợ và hai đứa con ở xã Vân Diên (Nam Đàn), về kết quả học tập tốt của con và sự ưu ái của chính quyền trong bố trí công việc cho thân nhân người ở đảo. Trung úy Tạ Trung Kiên quê ở xã Diễn Lợi (Diễn Châu) xúc động khi nói về 9 năm biền biệt xa nhà, vợ anh vẫn thu vén trọn vẹn chăm 2 con ngoan ngoãn để anh hăng hái phấn đấu và yên tâm công tác. Trung úy Nguyễn Thanh Nam nhà ở xã Thanh Thịnh (Thanh Chương) nhớ về những món ăn thân thuộc ở quê mà người vợ và các con yêu của anh cùng tổ chức mỗi lần anh về phép.

Thiếu úy Nguyễn Văn Thiện quê xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) nhắc lại lời người vợ kể về đứa con đầu mới một tuổi rưỡi, những tiếng nói bập bẹ đầu đời đã đánh vần rất yêu hai tiếng Trường Sa. Thiếu tá Phan Đức Đoàn kể về những tiết dạy Văn của vợ là cô giáo Nguyễn Thị Phượng ở Trường THPT Phan Thúc Trực (Yên Thành), luôn lắng đọng trong lòng học sinh vì những mẩu chuyện chân thực từ người chồng đang công tác ở hải đảo. Trung úy Đào Văn Long nhà ở xã Diễn Hải (Diễn Châu) cho biết đêm nào anh cũng gọi điện hỏi han và chúc các con ngủ ngon, sáng ra gọi điện dặn dò việc học hành trong ngày. Binh nhất Nguyễn Viết Kháng, quê xã Nghi Thuận (Nghi Lộc) cho biết anh luôn nhận được sự quan tâm động viên của anh em đồng hương Nghệ An để yên tâm hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

Trung tá Phan Đức Đoàn gửi gắm tâm sự: “Chúng tôi luôn vui vì biết rằng đem lại hòa bình, ổn định ở biển đảo là điều kiện để đất liền thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xin gửi lời chúc mừng đến đất liền, đến bà con quê hương Nghệ An năm mới thắng lợi mới”. Trung úy Tạ Trung Kiên rưng rưng nhắn gửi lời chúc Tết với vợ, hai con, ông bà nội ngoại và họ hàng láng giềng, và không quên nhắn gửi: “Em và các con nhớ thay anh thực hiện đạo hiếu với gia đình nội ngoại và họ hàng trong những ngày Tết. Anh và đồng đội ở Trường Sa luôn vững chắc tay súng để giữ bình yên cho biển, đảo Tổ quốc, cho đất liền được bình yên, trong đó có em và các con...”.

Tại đảo Trường Sa Đông, Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, Cụm trưởng cụm chiến đấu số 3, nhà ở phường Lê Lợi (TP. Vinh) cho biết ở Trường Sa Đông anh em Nghệ An cũng có gần mười người. Ở Trường Sa Đông anh em đồng hương Nghệ An mỗi lần về phép dù chỉ mấy ngày ngắn ngủi nhưng cũng thu xếp để đến thăm gia đình đồng đội động viên gia đình yên tâm. Vợ anh mới trải qua lần “vượt cạn” thứ hai trên bàn mổ nhưng vì nhiệm vụ anh chỉ về được 8 ngày. Lần về ngắn ngủi ấy anh vẫn kịp ghé nhà các anh em cán bộ, chiến sỹ trên đảo. “Anh em gắn bó với nhau như tình thân máu mủ ruột rà. Đi xa nhưng vẫn yên tâm vì có gia đình nội ngoại, và đặc biệt là có chị em vợ cán bộ, chiến sỹ cùng quê thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên và chia sẻ mọi vui buồn” – anh Minh tâm sự. Đại úy Hoàng Tiến Dũng – quê ở Thị xã Cửa Lò, Cụm trưởng cụm chiến đấu số 1, xúc động: Xa nhà, xa quê, có anh em đồng hương bên cạnh giúp mỗi người bù đắp được tình cảm rất nhiều. Gặp nhau để ríu ran tiếng Nghệ là đã sướng lắm rồi, như được “tiếp” thêm năng lượng!

Trong số các đảo chúng tôi đến, nơi ít người Nghệ An nhất là điểm đảo Tốc Tan B. Năm 2014, đảo Tốc Tan B chỉ có Trung úy Nguyễn Văn Dương, quê xã Lạc Sơn (Đô Lương) là người Nghệ An. Anh Dương sinh ra trong một “đại gia đình biển đảo”, với tổng cộng có 5 anh, chị em ruột thịt và dâu rể công tác trong Quân chủng Hải quân. Hiện vợ anh Dương là chị Nguyễn Thị Nguyệt, công tác tại UBND xã Quang Sơn, ngay từ khi quen nhau chị Nguyệt đã làm quen với “nền nếp riêng” của “đại gia đình biển đảo” là vợ chồng, bố con thường xuyên xa nhau vì nhiệm vụ. Tốc Tan B là một điểm đảo chìm, toàn đảo sinh hoạt và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trong một ngôi nhà gọi là “nhà lâu dài” - vừa là nơi sinh hoạt, làm việc, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trồng rau xanh, nuôi lợn, chó, vịt...

Anh Dương cho biết cán bộ, chiến sỹ luôn gắn bó một lòng, vui buồn của mỗi người là của chung. Xem ti vi ở tỉnh nào có tin vui, tin buồn, thì cả đảo tổ chức chia vui, chia buồn chung. Mấy ngày cuối năm ở Nghệ An và Hà Tĩnh có sự kiện Dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Dương suốt ngày luyện tập hát tặng cho anh em, mò mẫm tìm hiểu để giới thiệu cho anh em nghe thế nào là ví, là giặm... Rồi Dương trình diễn cho chúng tôi nghe một điệu hò: “Một lời thề không duyên thì nợ/ Hai lời thề không vợ thì chồng/ Ba lời thề xe núi ngăn sông/ Em quyết theo anh cho trọn đạo kẻo luống công anh đợi chờ...”. Thượng úy Nguyễn Cao Cường - Chỉ huy trưởng đảo Tốc Tan B cho rằng cả đảo rất lấy làm hãnh diện vì mấy ngày này ở xa đất liền vẫn được nghe ví, giặm xứ Nghệ bằng chính một giọng dân ca “thuần Nghệ”, không gì quý bằng. Thượng úy Cường chứng minh cho việc cả đảo đã quen nghe và hát Dân ca ví, giặm bằng một đoạn: “Hò ơ hò... Làm người đói sạch rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Chúng tôi cùng vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng và vô cùng xúc động khi biết anh Cường là người Thái Bình nhưng lại hát Dân ca ví, giặm hay như thế.

Chia tay mỗi điểm đảo, trong đoàn người nghiêm trang tiễn chào đoàn công tác, có những cánh tay vẫy cao hơn, lâu hơn, có những khuôn mặt rắn rỏi, rám nắng ngước cao hơn như để ngăn những dòng xúc động chực trào. Biển cả bao lao, nhiệm vụ các anh ngày càng nặng nề, địa điểm công tác mỗi năm một thay đổi, biết có bao giờ gặp lại nhau và có được một đêm dài rộng để hàn huyên bao chuyện... Chúng tôi cũng quay đi để kìm nén những tình cảm biệt ly dù chỉ mới hình thành sau những khoảnh khắc ngắn ngủi.

Chuyến công tác của chúng tôi chưa đến được tất cả 33 điểm đảo ở Trường Sa, nhưng đã cảm nhận được những điều vô cùng lớn lao về sức mạnh của quân và dân ta trong công cuộc gìn giữ và xây dựng biển đảo. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc là sức mạnh sâu rễ bền gốc tạo dựng nên tinh thần đoàn kết cả dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết vững chắc. Tinh thần đoàn kết đó không làm mất đi dáng vẻ, bản sắc riêng của mỗi vùng quê, mà mỗi vùng quê cũng có thể góp thêm vào nền văn hóa dân tộc thêm đậm đà, phong phú và giàu có về bản sắc, làm cho vẻ đẹp của cộng đồng người Việt ở Trường Sa thêm phong phú, độc đáo. Con em người Nghệ An đang công tác và sinh sống ở Trường Sa vẫn trọn tình nhà, thắm tình đồng hương, tình cảm đó cũng chính là sức mạnh để mỗi người phấn đấu vươn lên cống hiến nhiều hơn cho công cuộc giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngô Kiên