G20 cam kết xóa bỏ dịch Ebola, thúc đẩy phát triển kinh tế

16/11/2014 09:51

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Brisbane, Australia, ngày 15/11, các nhà lãnh đạo G20 đã ra tuyên bố đấu tranh chống dịch bệnh Ebola, trong đó cam kết huy động mọi nguồn lực để dập tắt dịch bệnh gây chết người này.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Brisbane, Australia, ngày 15/11, các nhà lãnh đạo G20 đã ra tuyên bố đấu tranh chống dịch bệnh Ebola, trong đó cam kết huy động mọi nguồn lực để dập tắt dịch bệnh gây chết người này.

Tuyên bố nêu rõ các nước G20 cam kết làm tất cả những gì cần thiết để các nỗ lực quốc tế hiện nay có thể xóa bỏ dịch bệnh Ebola và giải quyết những chi phí nhân đạo và kinh tế trong trung hạn.

TIN LIÊN QUAN

Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị G20. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị G20. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước G20 kêu gọi những nước chưa có đóng góp tham gia cùng cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tài chính, nhân viên y tế, bác sỹ lành nghề và có trình độ, các thiết bị y tế, thuốc men và phương pháp điều trị nhằm đấu tranh chống dịch bệnh Ebola.

Tuyên bố cũng kêu gọi sự nỗ lực hơn nữa của các nhà nghiên cứu, quản lý và các công ty dược phẩm phát triển các công cụ chẩn đoán an toàn, hiệu quả với giá cả hợp lý, vắcxin và phương pháp điều trị đối với dịch bệnh đã khiến hơn 5.000 người tử vong này.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới cũng kêu gọi Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cho các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola, đồng thời hoan nghênh sáng kiến của IMF viện trợ bổ sung 300 triệu USD, thông qua các khoản vay ưu đãi, giảm nợ và trợ cấp, để ngăn chặn sự lây lan của dịch Ebola và giảm bớt gánh nặng cho Guinea, Liberia và Sierra Leone, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh chết người này.

Theo thống kê chính thức của WHO, đến nay đã có 5.177 người tử vong trong tổng số 14.500 trường hợp nhiễm Ebola tại 3 nước Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Mặc dù cho đến nay, số người nhiễm và tử vong do dịch Ebola có phần giảm, song nỗ lực phòng chống dịch dưới nhiều hình thức đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu nhân viên y tế cũng như thiết bị, phương tiện và thuốc men điều trị chưa được giải quyết trong bối cảnh dịch bệnh Ebola vẫn có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Ngoài ra, vấn đề tăng trưởng kinh tế, đầu tư cơ sở hạ tầng và chấm dứt tình trạng trốn thuế của các công ty đa quốc gia cũng là chủ đề chính trong ngày làm việc đầu tiên của Hội nghị cấp cao G20 tại Brisbane.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Australia Tony Abbott cam kết đạt được mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới lên hơn 2% vào năm 2018 và tạo thêm việc làm. Ông Abbott cũng nhấn mạnh đến vấn đề tự do thương mại, cơ sở hạ tầng, cải cách cơ cấu và củng cố tài chính để tiếp tục theo đuổi các cam kết của G20.

Trong ngày làm việc đầu tiên này, Bộ trưởng Ngân khố Australia Joe Hockey đã có hai cuộc họp báo, trong đó cho biết trọng tâm của hội nghị G20 lần này là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ông Hockey cho biết tại hội nghị bộ trưởng tài chính G20 nhân dịp này, các nước thành viên đã quyết định rót tiền cho nhu cầu khổng lồ về cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới trong vài thập kỷ tới thông qua việc xây dựng đối tác tốt hơn với khu vực tư nhân.

Ông cho biết vấn đề cuối cùng trong chương trình nghị sự của hội nghị là ngăn chặn việc các công ty đa quốc gia lớn tránh trả thuế thông qua việc chuyển đổi lợi nhuận.

Ngoài ra, cuộc khủng hoảng Ukraine cũng là một chủ đề nóng được lãnh đạo các nước G20 bàn thảo trong ngày họp đầu tiên.

Phát biểu họp báo bên lề hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 tập trung giải quyết tình trạng thất nghiệp trong thanh niên, vấn đề biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Hội nghị cấp cao G20 sẽ tiếp tục ngày làm việc cuối cùng 16/11./.

Theo TTXVN