Khát vọng làm giàu trên đỉnh Phà Đành
(Baonghean) - Thò Bá Vừ ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ (Quế Phong) là người trẻ hiếm hoi của vùng cao được UBND tỉnh tặng Bằng khen “Nông dân thi đua sản xuất giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”. Trên đỉnh Phà Đành lộng gió, ngắm nhìn Thò Bá Vừ - chàng trai trẻ 26 tuổi người Mông ưỡn căng lồng ngực hú gọi đàn bò, tôi cứ mường tượng về Hồ Giáo - Anh hùng lao động trên núi Ba Vì, tỉnh Hà Tây cuối những năm 60 thế kỷ trước...
Tỷ phú “chân đất”
Được giới thiệu, tôi đến chân núi Phà Đành để gặp Thò Bá Vừ. Người dẫn đường là Vi Văn Hời - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Lễ, chỉ vào một thanh niên vận đồ đen đang nằm lim dim trên đám lá, bảo: “Thò Bá Vừ đó!”. Ô! Tỷ phú người Mông, người có trong tay hàng trăm con trâu, bò, ngựa như lời ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh tấm tắc ngợi khen là gã này ư! Khí hậu vùng biên Tri Lễ chẳng như miền xuôi. Nắng ửng vàng mà gió lạnh như cắt. Mỗi cơn gió thốc đến như ngàn mũi kim đâm buốt da, buốt thịt, vậy mà Vừ chân trần dép nhựa, vận quần áo giản dị. Lồm cồm bò dậy, nghe Vi Văn Hời trịnh trọng giới thiệu, Thò Bá Vừ nắm lấy tay tôi lắc lắc, khuôn mặt chất phác giãn cười: Khỏe chứ? Lên đây có lạnh không!... Tôi hỏi: Sao phong phanh thế? Vừ đáp: Chuẩn bị lên núi mà. Đi dốc nóng ngay thôi!...
![]() |
Ông chủ trẻ Thò Bá Vừ (đi trước) dẫn phóng viên lên thăm trang trại chăn nuôi của mình. |
Thò Bá Vừ có 4 trang trại chăn nuôi trâu, bò. Trang trại gần nhất ở lưng chừng núi Phà Đành. Kể quãng đường thì gần, nhưng cái dốc cao nên hóa xa. Lên đến bãi chăn thả, bở sức như tôi mệt bã! Vừ bảo: Các anh ngồi nghỉ, em ra bìa rừng gọi bò. Quẩn quanh ăn cỏ có gần 50 con bò, 4 con ngựa. Vừ rướn căng lồng ngực, hai bàn tay khép lại làm “loa” hú gọi bò. Chừng vài chục phút sau, đàn bò khoảng 40 con đủ sắc đỏ hung, vàng, đen, khoang... lũ lượt từ rừng kéo về bãi. “Một phần chúng quen tiếng chủ. Phần nữa chúng nhớ muối” - Vi Văn Hời giải thích. Đúng là đàn bò đang thèm muối. Khi Vừ lấy từng vốc muối nhỏ rải đều lên bề mặt tảng đá lớn, đàn bò đủ lớn, bé, ào đến chen chúc thưởng thức vị mặn của những hạt muối. Theo nghề chăn nuôi bao lâu mà có được đàn gia súc như thế này? - tôi hỏi. Ve vuốt con bò hơn năm tuổi, Vừ trải lòng: “Em cùng vợ là Lỳ Y Và với hai con ở bản mới Minh Châu, sát trung tâm xã. Pà Khốm bây giờ là quê hương, nơi bố mẹ cùng các anh chị ở và là nơi em tập trung chăn nuôi sản xuất...”.
“Nghiệp” chăn nuôi vận vào Vừ từ khi lọt lòng mẹ. Khi đó, bố Vừ là ông Thò Giống Nù đã dành cho cậu con trai của mình 1 con trâu cái, 1 con bò cái. May mắn cho Vừ, 2 con trâu, bò ấy cứ thế sinh sôi. Khi học THCS ở xã, THPT ở huyện, Vừ đã có một đàn trâu, bò riêng để bán lấy tiền trang trải sự học. Tốt nghiệp THPT, Vừ đánh đường xuống Thành phố Vinh học sửa chữa xe máy. Nhưng qua 6 tháng, Vừ thấy nghề ấy không thể phát huy tại quê hương nên dừng lại. Trở về Pà Khốm, Vừ suy nghĩ thấy 4 vùng đất rừng rộng hơn 10 ha được giao rất thuận tiện cho việc phát triển chăn nuôi, liền khoanh, rào lại để tổ chức thành 4 trại chăn nuôi trâu, bò, ngựa sinh sản. Cùng với những kinh nghiệm sẵn có của gia đình, Vừ tìm tòi, học hỏi thêm ở những người đi trước, mạnh dạn đầu tư tăng đàn gia súc. Từ chỗ dăm chục con, đến nay Vừ có hơn 80 con bò, 20 con trâu, 23 con ngựa, 50 con dê. "Từ nuôi gia súc sinh sản, mỗi năm em có để bán từ 20 - 25 con trâu, bò; 3 - 5 con ngựa, thu khoảng trên 500 triệu đồng. Riêng đàn dê, em vừa bán hết và thu được khoảng 250 triệu đồng” - Vừ cho biết.
Bên cạnh việc chăn nuôi, Vừ cùng gia đình khai hoang làm ruộng lúa, trồng các loại cây như mía, dứa, dưa rẫy, khoai sọ và đào Mông. Hàng năm, gia đình thu hoạch được trên 4 tấn lúa và khoảng 80 triệu đồng từ bán các sản phẩm cây trồng. Bên cạnh đó, gia đình Vừ còn thu thêm một khoản đáng kể từ những lâm sản phụ ngoài gỗ tại hơn 10 ha rừng khoanh nuôi...
Thò Bá Vừ chăm sóc đàn bò |
Giấc mơ đàn đại gia súc
Chúng tôi rời Phà Đành để đến trang trại thứ 2, nơi chăn nuôi trâu sinh sản của Vừ, nằm khá gần biên giới với nước bạn Lào. Vừa lúc ông Thò Giống Nù và các anh trai Vừ là Thò Chí Hờ, Thò Nỏ Dê đang có mặt gọi trâu về. Ngắm đàn trâu lực lưỡng, lại nhớ những quãng đường rừng xa xôi vất vả, tôi hỏi: Như thế này thì làm sao quản được hết? Thò Bá Vừ cười bảo: Em cũng tính cả rồi. Mở 4 vùng chăn nuôi là vừa để đảm bảo đủ cỏ cho gia súc, đồng thời tránh không để bùng phát dịch bệnh cho cả đàn. Năm 2005, dịch bệnh lan về làm em mất đến 30 con trâu, bò, buồn lắm! Đúng là một mình thì chẳng thể nào quản nổi, nên em phải thuê 2 người trông coi thường xuyên với mức lương 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Việc phát quang, làm hàng rào, trồng dưa rẫy, khoai sọ, thu hoạch bo bo, măng... em cũng phải nhờ 35 lao động làm thời vụ với tiền công từ 100 - 120 nghìn đồng/ngày".
Chúng tôi được ông Thò Giống Nù “chiêu đãi” bữa ăn đặc sản ấm cúng ở trang trại của Thò Bá Vừ: một hông xôi, một con gà đen luộc, ít rau cải nương và một chai rượu ngô do chính tay ông nấu. Đã 83 tuổi, nhưng ông Nù còn rất tinh nhanh. Nhấp chén rượu ngô cay nồng, ông Nù thong thả câu chuyện về đồng bào Mông gắn bó với rừng núi tự bao đời. Trước đây, sinh sống chủ yếu là nhờ vào hái lượm, săn bắt thú, phát nương làm rẫy nên sống du canh, du cư không ổn định, nhiều hộ đói kém triền miên. Từ khi Nhà nước giao cho quyền sử dụng đất, bên cạnh đó còn quan tâm đầu tư, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, cho bà con tiếp cận với khoa học kỹ thuật, thì đời sống dần đi vào ổn định, cải thiện rõ rệt. Với bản thân ông Nù, theo nghiệp chăn nuôi từ năm 16 - 17 tuổi, ông nghiệm ra rằng, chỉ có gắn bó với mảnh đất quê hương, đem hết sức lực bản thân ra lao động thì mới có cuộc sống no đủ bền vững. Vì vậy, ngay từ khi các con còn nhỏ, ông đã hướng dẫn cho con cách thức chăn nuôi, trồng trọt. Các con ông đều nghe lời bố, chí thú lao động, sản xuất nên có đủ cái ăn, cái mặc, tổng đàn gia súc của gia đình họ Thò ở Pà Khốm nay lên tới khoảng 400 con trâu, bò, ngựa. Ông Thò Giống Nù tự hào "Thò Bá Vừ trẻ nhất nhưng lắm gia súc nhất...”.
![]() |
Đàn trâu tại 1 trong 4 trang trại chăn nuôi của Thò Bá Vừ. |
Nói chuyện xã, chuyện bản, theo Vừ, đồng bào Mông ở Pà Khốm cũng đều đã gắn bó với nghề chăn nuôi, trồng trọt. Bản thân gia đình Vừ, khi có đủ cái ăn, cái mặc đã hướng đến việc hỗ trợ bà con trong bản... Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Lễ Vi Văn Hời nói rằng, ngoài làm ăn giỏi, Thò Bá Vừ đã giúp đỡ cho 11 hộ nghèo. Trong đó, cho 5 hộ vay với số tiền 15 triệu đồng/hộ không lấy lãi; với các hộ còn lại thì vay thóc, vay giống cây, giống con và hướng dẫn cho cách thức sản xuất, chăn nuôi. Kết quả, đã có 3 hộ thoát nghèo, 3 hộ xóa được đói, 2 hộ đã có thu nhập trung bình trong bản. “Tri Lễ giờ đã đổi thay nhiều. Có nhiều người làm ăn giỏi, nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả, nhưng Vừ được đánh giá cao nhất...” - Vi Văn Hời cho biết thêm.
Hỏi về tương lai, Thò Bá Vừ bày tỏ khát khao phát triển đàn gia súc của mình. "Em đã có một số kinh nghiệm. Tuy nhiên, để làm giàu cho mình, cho quê hương thì cần phải có những kế hoạch lớn hơn. Năm tới đây, ngoài duy trì, phát triển đàn gia súc đã có, em sẽ tập trung đầu tư chăn nuôi dê sinh sản. Mong muốn của em là được các bác lãnh đạo xã, huyện tổ chức cho đi tham quan học tập các mô hình sản xuất, chăn nuôi ở các tỉnh có đặc điểm khí hậu, địa hình giống với địa phương mình. Bên cạnh đó, do khí hậu có nhiều thay đổi phức tạp làm cho diễn biến dịch bệnh khó lường, nên các cấp, ngành cần quan tâm mở các lớp tập huấn chuyên sâu về phòng trừ dịch bệnh để những gia đình làm nghề chăn nuôi, sản xuất như em có thêm hiểu biết, kịp thời ứng phó...”.
Trước khi trở ra Thị trấn Kim Sơn để về xuôi, Thò Bá Vừ mời chúng tôi ra thăm nhà ở bản mới Minh Châu. Rót thêm một ly nhỏ rượu ngô để chia tay và để “các anh đi đường đỡ lạnh”, Vừ bảo: Những gì đã làm của em còn ít lắm. Em mong ngày các anh trở lại, sẽ có được kết quả tốt hơn... Muốn nói với Vừ: Khát vọng vươn lên tầm cao là có thể hiểu. Nhưng với những gì Vừ đã làm, đã có, với chúng tôi, Vừ xứng đáng được xem là một đại diện tiêu biểu của thế hệ trẻ đồng bào Mông Nghệ An; là “một Hồ Giáo” nơi vùng biên này vậy!
Nhật Lân