Động lực từ phát triển làng nghề
(Baonghean) - Giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân là một trong những quan tâm xuyên suốt của huyện Nghi Lộc. Với định hướng phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ Nghi Lộc đã thành công trong việc lãnh đạo xây dựng và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
(Baonghean) - Giải quyết việc làm và thu nhập cho người dân là một trong những quan tâm xuyên suốt của huyện Nghi Lộc. Với định hướng phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ Nghi Lộc đã thành công trong việc lãnh đạo xây dựng và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Sôi động những làng nghề
Một trong những dấu ấn đậm nét nhiệm kỳ 2010 - 2015 của huyện Nghi Lộc là phát triển mạnh các làng nghề TTCN truyền thống cả về số lượng và chất lượng, đồng thời du nhập thêm nghề mới phù hợp với điều kiện địa phương.
Đóng tàu công suất trên 1.000 CV tại xưởng ông Nguyễn Gia Quang (Nghi Thiết, Nghi Lộc). Ảnh: T.l |
Cùng cán bộ xã Nghi Thiết, chúng tôi về làng nghề đóng tàu Trung Kiên. Tham quan làng nghề, ông Võ Thế Xâm - Phó Chủ nhiệm HTX cho hay: Làng nghề đóng tàu thuyền Nghi Thiết có trên 700 năm hình thành và phát triển. Sau một thời kỳ khó khăn do chuyển đổi cơ chế, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, làng nghề được phục hồi và phát triển mạnh mẽ. HTX đóng tàu Trung Kiên thành lập năm 2004 từ một số xưởng, đến nay đã có 33 xưởng với gần 40 xã viên thành viên, bình quân mỗi xưởng đóng từ 5 - 7 tàu, mỗi năm HTX đóng trên dưới 100 tàu, thuyền các loại. Khác với các nơi, làng nghề đóng tàu Trung Kiên có đội ngũ thợ có tay nghề kỹ thuật cao và kinh nghiệm bí truyền nhiều đời nên sản phẩm chất lượng và được khách hàng tin tưởng... Ông Nguyễn Gia Quang, chủ cơ sở đóng tàu cho biết: “Mặc dù phần lớn các công đoạn đóng tàu đã được cơ giới hóa nhưng vai trò những người thợ chưa thể thay thế. Để xử lý gỗ cho những con tàu lớn, dù máy móc hỗ trợ nhưng kinh nghiệm và kỹ thuật của người thợ mới quyết định sản phẩm”.
Chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân xã Nghi Xuân (Nghi Lộc) mới thành lập, đã phát huy vai trò lãnh đạo hoạt động SXKD. Ảnh: T.L |
Với bề dày và sự phát triển, năm 2014, làng nghề đóng tàu Trung Kiên vinh dự là đại diện duy nhất cho làng nghề Nghệ An được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu là 1 trong 10 làng nghề TTCN tiêu biểu của cả nước. Vinh dự cho những người thợ đóng tàu ở Trung Kiên, ông Nguyễn Trọng Nho ở xóm Đình được phong danh hiệu Nghệ nhân đóng tàu thuyền…
Ngoài làng nghề đóng tàu thuyền nổi tiếng, xã Nghi Thiết còn có nghề mộc dân dụng. Trong số trên 500 thợ mộc của làng Trung Kiên (trong đó có 3 xóm có nghề) thì có 150 lao động làm mộc dân dụng. Đây là nơi “tập sự” tạo nguồn thợ cho nghề đóng tàu vốn cần kỹ thuật cao hơn và mang lại thu nhập bình quân 5 - 6 triệu/người/tháng. Đồng chí Lê Đăng Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghi Thiết cho biết: “Nhờ có làng nghề TTCN phát triển nên kinh tế của xã có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiệm kỳ qua đạt 13%/năm. Để thúc đẩy làng nghề phát triển trong thời gian tới, xã đã xây dựng xong “Đề án phát triển Làng nghề đến năm 2020”, theo đó sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch và hạ tầng để phát triển bền vững hơn”.
Làng nghề mây tre đan xuất khẩu ở Nghi Thái. Ảnh: T.L |
Một điểm nổi bật của huyện Nghi Lộc là có nhiều nghề truyền thống không cần nhiều vốn nhưng hiệu quả cao, giải quyết việc làm và thu nhập cho bà con địa phương. Đó là làng nghề TTCN bún bánh ở Hậu Hòa và Trung Thành (Nghi Hoa), làng nghề bánh Cốm ở Đông Thuận (Nghi Trung) hay làng nghề giấy dó ở Nghi Phong, mây tre đan ở Nghi Thái….
Từ một xóm thuần nông, nhờ nghề bún bánh, làng Hậu Hòa (Nghi Hoa) đã thay da đổi thịt, trong tổng số 106 hộ thì đã có 70 hộ làm bún bánh; người dân có việc làm, thu nhập ổn định nên đời sống ngày càng được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững. Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Văn Toàn - Chủ cơ sở sản xuất bún, bánh xóm Hậu Hòa (Nghi Hoa) chia sẻ: “Trước đây sản xuất bằng phương thức thủ công rất vất vả mà hiệu quả không cao; cả xóm sản xuất nhưng chỉ khoảng mấy tạ gạo/tháng. Sau khi đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi về, tôi đầu tư 150 triệu đồng lắp đặt 2 dây chuyền sản xuất bún và bánh mướt, bình quân mỗi tháng cơ sở sử dụng 9 tấn gạo để sản xuất 30 tấn bún/tháng”. Với những kinh nghiệm trong nghề, anh Toàn còn làm dịch vụ chế biến bột gạo làm bún, bánh cho bà con trong xóm. Cơ sở thường xuyên sử dụng từ 7 đến 10 lao động, công lao động từ 180 - 200 nghìn đồng/ngày. Nhờ nghề bún bánh, từ một hộ nghèo, anh Toàn đã vươn lên trở thành hộ khá, mỗi tháng thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Bí thư Đảng ủy xã Nghi Hoa - Đặng Văn Tâm cho biết: “Để phát triển làng nghề TTCN, Đảng bộ xã có nghị quyết chuyên đề, UBND xã ban hành đề án thực hiện lãnh đạo nhân dân thực hiện. Từ kiên trì thực hiện, với sự năng động của người dân, năm 2014, xóm Hậu Hòa và Trung Thành được đón nhận danh hiệu Làng nghề”.
Để có được dấu ấn đó, kế thừa kết quả nhiệm kỳ trước, huyện Nghi Lộc chỉ đạo tập trung phát triển nâng cao chất lượng làng nghề TTCN. Được sự hỗ trợ của tỉnh, cùng với huy động sức dân, huyện đã đầu tư trên 31,5 tỷ đồng để làm 15,89 km đường nhựa tại 13 làng nghề; 2,5 tỷ đồng để nâng cấp trạm điện và đường bê tông phục vụ sản xuất làng nghề ở Nghi Trường, Nghi Thiết; chủ động trích trên 500 triệu đồng hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng nhà trưng bày sản phẩm kiêm nhà văn hóa; hỗ trợ 5 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng tại các làng nghề ở xã Nghi Thái, Nghi Xuân… Bên cạnh đó, huyện còn mời các chuyên gia về tập huấn đào tạo nghề; quy hoạch, nâng cấp hạ tầng cho nghề đóng tàu thuyền, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm… Với 22 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, Nghi Lộc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng số làng nghề và doanh thu; giá trị sản xuất tăng gấp 2,7 lần so với đầu nhiệm kỳ; thu hút và giải quyết việc làm cho 2.107 lao động chính và hàng trăm lao động phụ, thu nhập lao động trong các làng nghề đạt 21,64 triệu đồng/năm; hầu hết lao động các làng nghề đều qua đào tạo và hoạt động truyền nghề phát huy hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đánh giá: “Thành công của Nghi Lộc trong chỉ đạo phát triển làng nghề TTCN qua đã tạo việc làm cho bà con là một gợi mở cho hướng đi của huyện. Hơn nữa, quá trình lao động, làm nghề, các lao động không chỉ kế thừa, lưu giữ được kinh nghiệm của cha ông mà còn phát triển, sáng tạo để tạo ra thương hiệu, giá trị cao hơn. Thời gian tới, trên cơ sở rà soát và xây dựng đề án phát triển cho giai đoạn tiếp theo, huyện sẽ có đánh giá và bàn những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề trọng điểm. Bên cạnh đó, những ngành nghề mới phù hợp được người dân chấp nhận sẽ tiếp tục được huyện xem xét hỗ trợ để tạo thêm việc làm và thu nhập cho nhân dân”.
Chăm lo công tác phát triển đảng'
Trong những năm qua, công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới được cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở ở Nghi Lộc đặc biệt quan tâm. Đội ngũ đảng viên hàng năm được bổ sung, chất lượng đội ngũ đảng viên ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở. Điều đó được thể hiện qua nghị quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ này của BTV Huyện ủy là Nghị quyết 01 ngày 11/1/2011 về “Tăng cường công tác phát triển đảng viên ở các chi bộ nông thôn trong tình hình mới”. Tiếp đó, BTV Huyện ủy đã ban hành Đề án 05 ngày 1/10/2012 “Về xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn huyện Nghi Lộc, giai đoạn 2012 - 2017”.
Những năm gần đây, Nghi Xuân là xã có số lượng lao động xuất khẩu ở các nước cao, hiện xã có gần 100 lao động ở nước ngoài, trong đó, đa số là độ tuổi thanh niên. Việc kết nạp đảng viên của các chi bộ nông thôn luôn gặp khó khăn do lực lượng thanh niên chủ yếu đi xuất khẩu lao động, quần chúng có nguyện vọng vào Đảng ít, nguồn đối tượng ít, không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định, nhất là trong vùng giáo, vùng biển. Số đảng viên được kết nạp hàng năm có xu hướng giảm. Đảng bộ xã xác định, song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế là chăm lo công tác xây dựng Đảng. Để làm được điều đó, BTV Đảng ủy thường xuyên xuống sinh hoạt cùng chi bộ xóm để nắm bắt tình hình tư tưởng, làm tốt công tác dân vận, tạo sự đoàn kết, thống nhất lương - giáo. Đối với công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, Đảng bộ phân rõ chỉ tiêu trong từng năm, chỉ đạo các chi bộ nông thôn rà soát, phát hiện và bồi dưỡng những quần chúng ưu tú, phân công các đồng chí đảng viên có kinh nghiệm, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Trường - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc cho biết: “Đảng bộ xã thường xuyên chăm lo xây dựng khối đoàn kết lương - giáo, phát triển đảng ở các chi bộ nông thôn. Trong 4 năm qua, kết nạp được 60 đảng viên mới, trong đó có 4 đảng viên là giáo dân”.
Thực hiện Nghị quyết 01 của Đảng bộ huyện Nghi Lộc, các đảng bộ cơ sở có nhiều cách làm, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, có nhiều đảng bộ thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên mới như Đảng bộ Nghi Trung, Nghi Hoa, Nghi Thái, Phúc Thọ… Theo báo cáo của Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc, từ năm 2010 - 2014, Đảng bộ Nghi Lộc mở 27 lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng cho 2.029 đối tượng, kết nạp mới 1.424 đảng viên, trong đó có 15 đảng viên là giáo dân, đưa tổng số đảng viên của Đảng bộ năm 2014 là 9.813 đảng viên.
Bên cạnh chú trọng phát triển Đảng ở chi bộ nông thôn, Đảng bộ Nghi Lộc quan tâm công tác xây dựng và phát triển tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Trên địa bàn huyện có Khu kinh tế Đông Nam của tỉnh, với 125 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang hoạt động, thu hút trên 3.000 lao động. Trong đó, 82 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên; 38 doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên; 59 doanh nghiệp đã thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho 1.204 lao động. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 6 doanh nghiệp có tổ chức đảng, 29 DN có tổ chức công đoàn, 1 DN có tổ chức Đoàn Thanh niên và 1 DN có tổ chức Hội CCB.
Từ thực trạng trên, BTV Huyện ủy Nghi Lộc đã xây dựng và ban hành Đề án 05/ĐA-HU ngày 1/10/2012 về “Xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2017”. BTV Huyện ủy thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện do đồng chí Phó Bí thư thường trực làm trưởng ban, các đồng chí Trưởng ban Tổ chức, Dân vận, Phó Chủ tịch UBND huyện làm phó ban và đại diện các cơ quan, ban, ngành liên quan là thành viên để tham mưu, chỉ đạo việc xây dựng củng cố và phát triển tổ chức đảng, các đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp; bố trí cán bộ chuyên theo dõi, tham mưu về công tác xây dựng Đảng, đoàn thể ở các doanh nghiệp. Sau 2 năm thực hiện, đến nay Nghi Lộc thành lập được 5 chi bộ ngoài khu vực Nhà nước. Trong đó 1 chi bộ trực thuộc Huyện ủy, 4 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, thành lập 3 tổ chức công đoàn và 1 chi hội CCB.
Thành lập chi bộ được 5 tháng, chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân xã Nghi Xuân, được Đảng ủy xã và huyện Nghi Lộc đánh giá là việc tổ chức quản lý chặt chẽ hơn, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Đồng chí Nguyễn Văn Minh - Bí thư Chi bộ Quỹ tín dụng nhân dân Nghi Xuân chia sẻ: “Khác với thời gian trước, khi chi bộ được thành lập, hàng tháng chi bộ định hướng hoạt động của đơn vị, cán bộ, đảng viên nhân viên trong đơn vị được tăng cường giáo dục chính trị, đồng thời đề ra mục tiêu phát triển Đảng, góp phần tăng thêm năng lực lãnh đạo và điều hành của đơn vị”. Tổng Công ty CP xây dựng Nghệ An đóng trên địa bàn xã Nghi Thạch hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông và thủy lợi mới thành lập chi bộ vào ngày 6/1/2015. Đồng chí Võ Văn Giang - Phó Bí thư chi bộ, Trưởng phòng tổ chức hành chính công ty cho biết: “Ngay từ ngày đầu mới thành lập, chi bộ tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí đảng viên chịu trách nhiệm từng mũi công tác. Đảng viên trong công ty là những cá nhân gương mẫu, uy tín và được giao phụ trách những phần việc quan trọng trong công ty”. Hay như ở Công ty cổ phần Khoáng sản Á Châu đóng tại Khu công nghiệp Nam Cấm, nhờ tổ chức công đoàn và chi bộ đảng được quan tâm và hoạt động tốt, 97/97 lao động đều được đóng bảo hiểm xã hội, quyền lợi người lao động được đảm bảo. Ở Công ty TNHH TM - DV Bình Minh, vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng được Huyện ủy Nghi Lộc đánh giá là điển hình trong Khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Được thành lập năm 2006, lúc đầu chỉ có 5 đảng viên, nhưng đến nay, chi bộ đã có 19 đảng viên. Các đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm, gương mẫu trong sản xuất, kinh doanh. Hàng năm, phương án kinh doanh của công ty đều được chi ủy thảo luận và thông qua hội nghị toàn thể đảng viên lấy ý kiến thống nhất. Nhiều đảng viên đảm nhận vị trí quan trọng, trở thành gương sáng, tiên phong gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao.
Đồng chí Nguyễn Bá Châu - Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Nghi Lộc đánh giá: “Hoạt động của một số tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã có tác dụng tích cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó tăng cường giáo dục chính trị, vừa rèn luyện kỷ luật, ý thức trách nhiệm của người đảng viên. Các chi bộ trong doanh nghiệp thực hiện khá tốt việc tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp và người lao động thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.
Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, tuy một số chỉ tiêu kinh tế chưa đạt được, song công tác phát triển làng nghề và công tác phát triển Đảng của huyện Nghi Lộc đạt hiệu quả, có ý nghĩa tích cực trong xóa đói, giảm nghèo. Trao đổi về bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, điều hành, đồng chí Nguyễn Sỹ Dương - Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc chia sẻ: “Yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên thành công trên là tạo được sự đồng thuận trong đảng bộ và toàn xã hội. Đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Đặc biệt là bám sát thực tiễn để xây dựng, ban hành các chương trình, các chỉ thị, nghị quyết, các cơ chế, chính sách phù hợp, sát đúng để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trên cơ sở đó, nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Nghi Lộc xác định đúng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát huy, đồng thời khai thác tối đa nội lực trong nhân dân; tập trung thực hiện quyết liệt để đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ...”.
Thanh Lê - Nguyễn Hải