Lễ hội Đền Thượng Xuân này...

11/02/2015 15:57

(Baonghean) - Đền Thượng - Quỳnh Nghĩa là ngôi đền lớn, cổ kính và linh thiêng nổi tiếng ở vùng Bãi Ngang, huyện Quỳnh Lưu, chỉ đứng sau đền Cờn - Quỳnh Phương. Đền Thượng được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1996. Từ đó đến nay đã gần 20 năm, đền Thượng luôn được quan tâm tôn tạo và phục hồi lễ hội hàng năm để du khách gần xa và nhân dân về chiêm bái, dâng hương tưởng nhớ những người đã có công với đất nước; ghi dấu về một địa danh cách mạng những ngày đầu có Đảng của làng và cả vùng Bãi Ngang, huyện Quỳnh Lưu.

Toàn cảnh đền Thượng.
Toàn cảnh đền Thượng.

Về giá trị truyền thống cách mạng, đền Thượng còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931). Do địa bàn nằm xa dân cư, với cảnh quan u tịch, thâm nghiêm, nên đền Thượng được chọn làm nơi hoạt động bí mật của Đảng ở địa phương, làm chỗ dựa vững chắc cho phong trào cách mạng cả vùng Bãi Ngang, huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, ngày 1/4/1931, Chi bộ Đảng làng Phú Nghĩa Thượng được thành lập gồm 4 đảng viên do đồng chí Hồ Hạnh làm bí thư. Đền Thượng còn là nơi tổ chức hội họp, in ấn tài liệu, truyền đơn, treo cờ Đảng, tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, hưởng ứng cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Cụ thể có 2 cuộc mít tinh, biểu tình lớn liên tiếp nổ ra được tổ chức tại đền Thượng vào ngày 15/5/1931 và ngày 1/6/1931, thu hút dân làng Phú Nghĩa và cả Phú Thanh, Phú Lương, Phú Đa…(nay là các xã vùng bãi ngang Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng) tham gia và bị chính quyền thực dân phong kiến đàn áp dã man, nhiều chiến sỹ cách mạng đã hy sinh, bị thương và cầm tù trong giai đoạn này.

Đặc biệt, đền Thượng còn là nơi tổ chức nhiều cuộc hội nghị bí mật nhằm phục hồi chi bộ Đảng của làng và Huyện ủy Quỳnh Lưu trong những năm 1933 - 1945, nơi thành lập các tổ chức như: Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ và thành lập Mặt trận Việt Minh của làng nhằm chuẩn bị lực lượng tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chỉ tính riêng về hội nghị thành lập lại Huyện ủy Quỳnh Lưu bí mật, vào cuối năm 1935, 2 đồng chí Phan Hữu Khiêm, Phạm Diên sau khi nhận chỉ thị của Tỉnh ủy Nghệ An đã về làng Phú Nghĩa tổ chức hội nghị thành lập lại Đảng bộ Quỳnh Lưu tại đền Thượng, bầu đồng chí Phan Hữu Khiêm làm Bí thư. Thời điểm thứ hai là vào giữa năm 1945, hội nghị thành lập lại Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu cũng được tổ chức tại đền Thượng, làng Phú Nghĩa Thượng bầu BCH Đảng bộ huyện gồm các đồng chí Nguyễn Xuân Mai (Bí thư), Phan Hữu Khiêm, Nguyễn Văn Phương, Hồ Hữu Lợi, Hồ Thị Nhung, Dương Đình Thủy… Với những sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng đó, nên đền Thượng trở thành Di tích Lịch sử cách mạng từ cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931) của huyện Quỳnh Lưu.

Vừa là Di tích Lịch sử cách mạng, đền Thượng còn là ngôi đền linh thiêng, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh từ bao đời nay. Đền Thượng còn lưu giữ đậm nét truyền thống văn hóa của làng Phú Nghĩa xưa (nay là xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy), là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh lớn nhất, cổ xưa nhất của làng, tính từ khi làng có tên Trang Nghĩa Lộ (thế kỷ X-XI) đến nay đã hàng ngàn năm. Xưa kia Lễ hội Đền Thượng diễn ra quanh năm vào các ngày lễ, Tết, sôi nổi nhất là vào mùa Xuân. Lễ đại tế trước kia tổ chức vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu (3 năm một lần) từ 12-17 tháng Giêng, làng tổ chức lễ rước thần từ đền Thượng về đình Trung tế lễ trong 3 ngày, đoàn rước có kiệu bát cống, tân long, gươm giáo, cờ quạt, trống chiêng…với đội hát trống quân, đội múa xinh tiền, các đội đại diện các tầng lớp sĩ, nông, công, thương. Trong 3 ngày tế lễ ở đình Trung, làng tổ chức nhiều đêm diễn tuồng, ca hát như: ca tế, ca trù, chầu văn, hát đúm…và tổ chức các trò vui như đánh cờ người, tổ tôm điếm, đu tiên, hát ví giao duyên.

Lễ hội Đền Thượng có nhiều nét đặc sắc vừa mang màu sắc cư dân nông nghiệp, cầu mưa thuận gió hòa, pha lẫn màu sắc văn hóa vùng sông nước, trong đó có Lễ hội Cầu Ngư. Nét văn hóa trong Lễ hội Đền Thượng thể hiện sự dung hợp, hài hòa các đặc điểm tín ngưỡng “Tam giáo đồng nguyên” rất gắn quyện, đan xen nhau. Chỉ nói riêng về các vị thần được thờ đại đền Thượng, 2 vị thần chính là Đế Thiên, Đế Thích thần thông và Cao Sơn Cao Các, ban đầu đều là những vị thiên thần, nhiên thần, về sau đều được nhân cách hóa thành nhân thần, riêng vị thần Đế Thiên, Đế Thích khi được nhân cách hóa thành vị tiên giáng thế được tôn thờ ở đền còn hóa thân thành phật được phối thờ chung ở ngôi chùa sau đến, gọi là chùa Đế Thích. Tiên, thần và phật đều hòa đồng và trở thành phúc thần của làng, đều phù hộ độ trì cho dân làng có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Từ thời Lê Trung Hưng, đền Thượng còn phối thờ 3 vị Quận công của làng và vào kỳ tế lễ lớn, đền còn phối thờ các vị thần biển như: Sát Hải Đại tướng quân Hoàng Tá Thốn, Tứ vị Thánh nương… là những vị thần bảo hộ về nghề biển được dân làng tín ngưỡng.

Sau ngày phục hồi Lễ hội Đền Thượng, năm 2015 là lần thứ tư làng tổ chức lễ hội (Lễ Đại Tế) với mong muốn phục hồi ở mức quy mô hơn gần với lễ hội xưa, năm nay, vào ngày 12 tháng Giêng, Lễ đại tế Lễ hội Đền Thượng sẽ lần đầu tiên phục hồi một phần lễ hội Trò Lề cũng vào mùa Xuân. Đây là nét văn hóa đặc sắc, độc đáo trong lễ hội của làng Phú Nghĩa xưa, thể hiện cuộc sống sinh hoạt giàu bản sắc của vùng quê ven biển xứ Nghệ. Ra Giêng, mời bạn về với vùng quê biển, về với Lễ hội Đền Thượng để đắm hồn trong lễ hội mùa Xuân.

Mai Hồ Minh