Lao động người Nghệ trong phim ngắn "Tôi đi bán tôi"

28/11/2014 08:53

(Baonghean) - Phim ngắn với tựa đề “Tôi đi bán tôi” của đạo diễn trẻ Mạc Phạm Ngọc Hà là một trong những phim ngắn được chọn lựa để tham gia LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III. Điều đặc biệt là bộ phim được xây dựng từ một khu chợ tự phát nằm trên khu vực dốc Bưởi (Thủ đô Hà Nội) nơi vẫn được người dân Hà Thành gọi là “Chợ lao động dân Nghệ”.

Tác giả kịch bản, kiêm đạo diễn, kiêm quay phim, xử lý hậu kỳ… thuộc thế hệ 9X bật mí: “Để làm bộ phim này em phải mất hai tháng, trong đó chiếm nhiều thời gian nhất là để làm quen với các cư dân của chợ. Một tuần em ra đó vài buổi, bám theo họ để quay. Ngày đầu tới quay họ dè chừng mình lắm. Có lần bị chửi mắng tới mức về nhà nghĩ lại là ngồi khóc. Rồi bị che máy quay, không hợp tác. Do đó, phải trò chuyện nhiều hơn để họ hiểu mình, chia sẻ về mình nữa để tạo sự tin tưởng. Cuối cùng thì cũng quay xong phim”.

Bộ phim được hoàn thành vào năm 2013, trong phần giới thiệu bộ phim của mình, Hà viết rất ngắn gọn: “Trên đời này có muôn vàn kiểu chợ: chợ cóc, chợ xe máy, chợ đầu mối, chợ rau củ quả, chợ hoa… nhưng độc đáo hơn cả là chợ người – nơi người không bằng cấp, chuyên môn buộc phải bán sức lao động một cách rẻ mạt”.

Một cảnh trong phim.
Một cảnh trong phim.

Phim phản ánh cuộc sống của những người phải tha hương xa xứ, đơn độc giữa cuộc mưu sinh, trơ trọi trong cơn bão giá, đời sống của họ vốn đã vất vả nay lại càng thêm chật vật. Bằng cách gia nhập đội ngũ nhân công tại chợ người, đạo diễn của “Tôi đi bán tôi” đã “bắt” được những tương tác đời thường chân thực và xúc cảm, ghi lại được phần nào tiếng nói từ bên trong cộng đồng người lao động bị đẩy vào khu chợ khắc nghiệt này.

Ở đó, người xem sẽ bắt gặp những cảnh bán sức hết sức cơ cực, những cuộc mặc cả lên xuống từng đồng với những người thuê sức. Thấy được những đôi mắt căng ra nhìn về phía phố phường tấp nập, rồi cả những hồ hởi rào đón khi có một chiếc xe máy trờ tới buông lời thuê mướn...

Phim còn có những cảnh quay xúc động, chân xác. Đó là cảnh những chàng trai co ro trong giá lạnh Hà Thành gom nhặt bất cứ thứ gì có thể đốt thành lửa, họ quần tụ với nhau bên đống lửa đỏ ấy… kể cho nhau chuyện gia đình, chuyện cuộc đời và buôn cả chuyện thiên hạ nữa. Đó là cảnh nhiều người chen chúc trong một phòng trọ thuê được. Cuộc sống của những người Nghệ bán sức ở nơi đây cũng được tuần hoàn theo những nguyên tắc chung. Họ thay phiên nhau đợi bán sức, ai không đi thì ở nhà lo cơm nước giặt giũ, đợi người kia về thì thay phiên cho nhau… Phim có nhiều góc nhìn, mảng màu nhưng nổi bật lên là nghĩa tình chòm xóm, đồng hương nơi đất khách.

Đạo diễn bộ phim cho biết, những cư dân của chợ lao động này không ai có thể biết rành rõ chợ hình thành từ bao giờ, lớp này đến, lớp kia đi… tuy nhiên, hầu hết những người bán sức lao động ở chợ đều là dân Nghệ An. “Anh Sỹ, một thành viên của chợ giải thích, sỡ dĩ toàn dân Nghệ vì đồng hương tụ lại với nhau mà làm ăn, bảo vệ nhau chơ răng nựa”, Hà kể lại.

Dù là chợ tự phát nhưng vẫn có những quy luật riêng, chợ có một người đứng ra quản lý chung, người này sẽ đảm nhận việc tiếp nhận các hợp đồng của khách hàng, sau đó chỉ định người được đi thực hiện hợp đồng đó. Số tiền được chia đều cho từng cá nhân. Thu nhập của một người có ngày lên tới hàng trăm ngàn đồng, nhưng cũng có những ngày ròng rã, tất cả kéo nhau ra đợi mà không có bất cứ một ai thuê, đó cũng là những ngày họ phải chắt bóp chi tiêu của mình.

Phim “Tôi đi bán tôi" từng chiếu giới thiệu trong chương trình “Cận cảnh” (In Focus) của tiệc phim trực tuyến Yxine, được đề cử giải Búp Sen Vàng năm 2013 và dự án làm phim được Quỹ Phát triển và Trao đổi văn hóa Đan Mạch - Việt Nam tài trợ. Trong LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III, phim “Tôi đi bán tôi” được đề cử ở hạng mục phim ngắn dự thi.

Viết Thịnh