"3 khát" ở Xốp Kha

25/12/2014 18:50

(Baonghean) - Bản Xốp Kha nằm cách trung tâm xã Yên Hòa (huyện Tương Dương) 4 km, cuộc sống của 79 hộ dân với 380 nhân khẩu ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn về điện, đường và nước sinh hoạt.

Xã Yên Hòa có 12 bản thì bản Xốp Kha là bản khó khăn nhất, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 82% trong năm 2014. Cuộc sống của đồng bào dân tộc Khơ mú nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy, chăn nuôi theo hình thức “tự cung tự cấp”. Nguyên nhân một phần là do đường đi vào bản quá khó khăn, gây cản trở hoạt động giao thương, trao đổi hàng hóa với bên ngoài. Tìm hiểu được biết, cách đây 8 năm từ nguồn vốn dự án 135, huyện Tương Dương đã đầu tư 700 triệu đồng để cải tạo, hạ độ dốc đường dẫn vào Xốp Kha nên rất thuận lợi, dễ dàng cho cả người và ô tô đi lại. Nhưng do mưa lũ cuốn trôi, đường bị xói mòn nên rất khó khăn trong đi lại.

Học sinh phải lội qua khe Cà  để đến trường.
Học sinh phải lội qua khe Cà để đến trường.

Người dân ở đây cho biết, mùa cạn tuy hơi vất vả vẫn còn đi lại được, nhưng vào mùa mưa lũ hằng năm nước suối dâng cao, cuồn cuộn chảy xiết chỉ còn cách chờ nước rút. Lúc này, Xốp Kha bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài có khi đến cả tuần hoặc lâu hơn nữa. Đường lầy lội bùn đất, trơn trượt, phía bên kia là vực thẳm rất nguy hiểm cho cả người và phương tiện, để an toàn chỉ còn cách đi bộ.

Một khó khăn nữa là từ khi có bản đến nay người dân vẫn chưa có điện để thắp sáng. Dân bản vẫn dùng đèn dầu và giã gạo bằng chày. Những chiếc quạt ở điểm Trường Tiểu học Xốp Kha dù được đầu tư lắp đặt cách đây 5 năm về trước nhưng chưa một lần sử dụng vì không có điện. Mấy năm trở lại đây, một vài hộ khá ở bản đã mua được máy phát điện mini chạy bằng sức nước khe Cà, nhưng do dòng nước lúc cạn lúc đầy thất thường nên cũng không dùng được. Hiện cả bản chỉ có duy nhất 1 chiếc máy xát gạo của hộ ông Moong Văn Trung và vài chiếc tivi để xem. Không chỉ “khát” điện, đường mà dân bản ở đây còn khát cả nước sạch. Được biết, trong năm 2000 và 2004, 2 công trình nước tự chảy đã được nhà nước đầu tư xây dựng ở bản Xốp Kha cũng bị nước lũ cuốn trôi sau khi đem vào sử dụng một thời gian ngắn. Không còn cách nào khác cả người dân, giáo viên và các em học sinh phải làm máng dẫn nước khe Cà về để sinh hoạt dù vẫn biết nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Điều mong mỏi lớn nhất của những người dân bản Xốp Kha lúc này là được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cho bà con một con đường để đi lại thuận tiện hơn, điện sớm về với bản làng và có nguồn nước sạch để dùng!

Văn Đăng