Chí Linh - vùng quê văn vật

19/12/2014 17:38

(Baonghean) - Nằm ở hữu ngạn sông Lam, gần trung tâm Rộ, làng Chí Linh (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương) là vùng quê văn vật, giàu truyền thống hiếu học và cách mạng. Nơi đây vẫn còn hiện hữu cây đa, bến nước, sân đình - những hình ảnh đặc trưng của làng quê xưa…

Làng Chí Linh là quê hương của Phan Đà, một dũng tướng tuổi trẻ tài cao, giàu lòng yêu nước ở thế kỷ XV. Lớn lên khi quân Minh đang xâm lược nước ta, Phan Đà gia nhập nghĩa quân của Lê Lợi. Được cử làm tướng chỉ huy, ra trận “tả xung, hữu đột”, sát cánh cùng nghĩa quân lập nên những chiến công vang dội ở Bồ Đằng, Trà Lân, Tiên Hoa, Bình Ngô… Trong một lần giao chiến với giặc bên tả ngạn sông Lam, ông bị trọng thương, ngựa chiến đã đưa ông chạy về Võ Liệt và trút hơi thở cuối cùng khi tròn 18 tuổi. Với những công lao to lớn của Phan Đà trong công cuộc đánh đuổi giặc Minh, giải phóng đất nước, nhà Lê đã ban chiếu lập đền Bạch Mã thờ ông tại quê hương, người dân địa phương gọi là Phủ Nội - 1 trong 4 ngôi đền đẹp nhất Nghệ An.

Đình Võ Liệt.
Đình Võ Liệt.

Giữa làng có quán Chí Linh, hay còn gọi là Phủ Ngoại, thờ cha mẹ Phan Đà và thờ Tướng quân với tư cách là Thành hoàng làng. Theo các cụ cao niên, xưa kia phủ Chí Linh có quy mô bề thế, tọa lạc trên mấy mẫu đất. Từ ngoài đi vào, qua 2 trụ biểu voi chầu, cổng vòm có quan văn, quan võ, ngựa hồng, ngựa bạch đứng canh, mới đến chính điện. Hạ điện, thượng điện, mỗi nhà 3 gian. Qua bức tường lửng bên tay phải là nhà chồng diêm, phía trước có ngôi đình 5 gian, là nơi sinh hoạt cộng đồng mỗi lần tế lễ. Ngày nay, trong khuôn viên Phủ xưa, nhà dân đã ở kín, công trình cổ duy nhất còn lại là cổng vòm xây dựng từ thời Tự Đức. Sau nhiều năm chỉ còn dấu tích, điện thờ cha mẹ Phan Đà đã được chính quyền, nhân dân địa phương khôi phục năm 2012.

Trước mặt Phủ Ngoại, sát bên đường lớn là cây đa hàng trăm năm tuổi. Dẫu không còn sum suê vì sự tàn phá của những trận bão lịch sử, cây đa cổ thụ vẫn là chứng tích của bao thay đổi trên vùng quê này. Cạnh đó là bến Phủ, là cửa ngõ của làng, thông ra sông Lam. Với người dân Chí Linh, cây đa, bến nước, sân đình, là những hình ảnh thân thuộc đã đi vào tâm khảm và trở thành ký ức của mỗi người.

Từ cửa Phủ, theo đường ra cánh đồng làng, là nơi toạ lạc của đình Võ Liệt. Đình được cử nhân Hoàng Chính Trực khởi công xây dựng năm 1859, để thờ Thành hoàng làng (Phan Đà), Khổng Tử và các vị tiên hiền. Đình có kiến trúc bề thế, qua cổng lớn, là 4 toà nhà: tiền, hậu, tả, hữu, khép kín hình chữ “khẩu”. Hậu đình 7 gian kiểu chồng diêm, 8 mái uy nghi. Trước sân đình có 2 dãy nhà bia, dựng 6 bia đá lớn, khắc chữ Hán, ghi danh 455 người con đỗ đạt (tú tài, cử nhân, tiến sỹ, phó bảng) của tổng Võ Liệt, từ thời Lê đến thời Nguyễn. 155 năm qua, đình Võ Liệt không chỉ là nơi cúng tế, sinh hoạt của cộng đồng làng, xã, mà đình còn là chứng tích của nhiều sự kiện lịch sử: nơi gặp gỡ của các sỹ phu yêu nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Đặng Nguyên Cẩn…; trụ sở của cách mạng trong phong trào 1930 – 1931; nơi tổ chức lại Chi bộ Đảng xã Võ Liệt; trụ sở của chính quyền huyện sau Cách mạng tháng Tám; Đại hội đại biểu Đảng bộ liên khu IV (1947) với sự có mặt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thiếu tướng Nguyễn Sơn; là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm năm 1986… Đình Võ Liệt đã được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia năm từ 1988 và được trùng tu, tôn tạo, khang trang, xứng danh là văn chỉ của huyện, lưu dấu truyền thống hiếu học, cách mạng của nhân dân Thanh Chương.

Trong làng có nhà thờ họ Tôn xây dựng từ thời Nguyễn, nổi tiếng với những người con có công lớn với quê hương, đất nước, như cụ Lỗ Xuyên - Tôn Đức Tiến, các nhà cách mạng Tôn Quang Phiệt, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Chung… Hiện nay, tại nhà thờ còn lưu giữ 2 sắc phong của triều Nguyễn; 2 bia đá cổ, được học trò của các vị tiền bối khởi tạc vào năm Tự Đức thứ 28 (1875), ghi công đức của những người thầy họ Tôn trong công việc trồng người. Nhà thờ họ Tôn đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh năm 2012.

Về Võ Liệt, thăm vùng đất Chí Linh, mỗi bước chân đi, như hoà mình vào không gian lịch sử. Ngắm cổng Phủ rêu phong cổ kính, nghe bồi hồi cảnh cũ, người xưa của mấy trăm năm. Trong nét mới đang lên, vẫn còn đây “cây đa, bến nước, sân đình” âm vang tiếng “trống ba mươi” một thuở, mãi nhắc cháu con niềm tự hào, tiếp bước truyền thống quê hương Xô viết anh hùng.

Huy Thư