Cảnh báo tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động

10/12/2014 18:37

(Baonghean.vn)- Mỗi năm Nghệ An có khoảng 12000 người đi xuất khẩu lao động, lượng ngoại tệ gửi về trên địa bàn tỉnh hơn 250 triệu USD, nhưng tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động còn nhiều. Vấn đề quản lý nhà nước về XKLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

TIN LIÊN QUAN

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có trên 40 doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Trung ương và các tỉnh khác tham gia tuyển chọn, đưa người lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có 9 đơn vị đặt Chi nhánh, Văn phòng đại diện tại Nghệ An. Trong 4 năm, từ 2011 -2014; toàn tỉnh đã có 51.042 lượt người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, riêng năm 2014 dự kiến đạt khoảng 12.300 người.
Xuất khẩu lao động là con đường thoát nghèo cho đồng bào miền núi, nhưng đang xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi 30A để trục lợi từ xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là con đường thoát nghèo cho đồng bào miền núi, nhưng đang xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi 30a để trục lợi từ xuất khẩu lao động

Bình quân mỗi năm cả tỉnh có 12.760 người đi xuất khẩu lao động, chiếm hơn 1/3 số lao động giải quyết việc làm hàng năm và Nghệ An luôn dẫn đầu cả nước về số lượng người đi xuất khẩu lao động. Số ngoại tệ do người lao động đi xuất khẩu lao động chuyển về hàng năm đạt khoảng 250 triệu USD/năm. Mặc dù vậy, thời gian gần đây, có một vài cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo người lao động lấy tiền. Tháng 3/2014, có 3 đối tượng giả danh cán bộ Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao lừa đảo 43 người lao động tại huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ đi làm việc tại Hàn Quốc, Canada.

Một công ty khác lừa người lao động đi làm việc tại Na uy đã được Công an huyện Yên Thành và Công an tỉnh điều tra, làm rõ. Các đối tượng lừa đảo hiện đã bị cơ quan Công an bắt giam và Công an tỉnh đang trong quá trình điều tra, xử lý vi phạm hình sự…

Tại huyện Tương Dương, lợi dụng chính sách ưu đãi 30a, có 111 thanh niên không có hộ khẩu tại địa phương nhưng vẫn có tên trong sổ hộ khẩu để đi xuất khẩu lao động. Đồng chí Lương Thanh Hải, Bí thư huyện ủy Tương Dương thừa nhận, để xảy ra tình trạng trên là do cán bộ quản lý cấp xã yếu kém mà cụ thể là chủ tịch chủ tịch UBND xã và trưởng, phó công an xã. Sắp tới, huyện Tương Dương sẽ kỷ luật một loạt cán bộ liên quan.Tuy nhiên, cơ quan quản lý trực tiếp là ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cần phải xem lại trách nhiệm quản lý của mình.

Video clip phát biểu của đồng chí Lương Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương:

Đồng chí Lương Thanh Hải khẳng định, nếu không có sự tư vấn hay tiếp tay của những người hiểu biết và có trách nhiệm thì sự việc trên không thể trót lọt bởi vẫn có hơn 60 học viên người Tương Dương đã hoàn thành lớp tiếng Hàn nhưng không thể đi được. “Chúng tôi mong muốn, các chính sách liên quan đến việc đưa người đi xuất khẩu lao động cần phải minh bạch, thông thoáng hơn, tạo điều kiện thực sự cho con em khó khăn, đồng bào dân tộc có cơ hội. Ngành lao động cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ngành như công an, chính quyền địa phương để làm tốt việc quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động”, đồng chí Lương Thanh Hải nói.

Nguyên Khoa