Lòng nhiệt tình "hóa giải" khó khăn

16/10/2014 22:04

(Baonghean) - Người dân bản Tiến Thành (xã Châu Thành, Quỳ Hợp) hầu hết là người Thái với nghề nghiệp chính là làm nông nghiệp. Bản nghèo, không chỉ vì địa hình cách trở, phương thức sản xuất còn lạc hậu, mà còn vì nỗi các gia đình đều... đông con. Cái nghèo, vì thế như càng đeo bám mãi. Có một người đã góp phần vào những đổi thay, tiến bộ hôm nay của Tiến Thành, bằng sự kiên trì, nhẫn nại và lòng nhiệt tình, ấy là cộng tác viên dân số Vi Thị Thống...

Chị Vi Thị Thống đi vận động chị em trong bản.
Chị Vi Thị Thống đi vận động chị em trong bản.

Sinh năm 1964, đã từng tham gia Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ trong nhiều năm, điều làm chị Vi Thị Thống băn khoăn nhất là làm sao để bà con bản mình có cuộc sống khá hơn. Rõ ràng, đã có những chính sách thiết thực của Nhà nước “chung tay” với bà con, bà con cũng được hưởng nhiều ưu đãi của tỉnh, của huyện dành cho bản khó, xã khó. Ấy vậy mà cái vòng luẩn quẩn của cái nghèo vẫn không buông tha. Không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn ấy nếu nhận thức của người dân “giẫm chân tại chỗ”. Đói nghèo lại đông con thì chắc chắn không thể có thời gian để làm lụng mà thoát nghèo. Những trăn trở ấy đã thôi thúc chị Thống nhận tiếp nhiệm vụ làm CTV dân số. Có chị Thống làm CTV dân số, lãnh đạo xã Châu Thành như tìm được lời giải cho bài toán khó bấy lâu...

Cái công việc “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” trên thực tế thật vô cùng khó khăn. Gặp được người dân đã khó, để họ lắng nghe mình còn khó khăn hơn và để họ làm theo những điều khuyên nhủ càng khó bội phần. Những con đường bản trơn trượt ngày mưa, gập ghềnh ngày nắng đã in dấu chân cần mẫn của chị Thống cả đêm lẫn ngày. Ngày không gặp, thì chị tìm đến buổi đêm. Không gặp được ở nhà, chị Thống tìm lên rẫy. Ở đâu có bất hòa, ở đâu người phụ nữ đang gặp buồn tủi, ở đâu đang cần sự sẻ chia, nâng đỡ, ở đó có chị Thống. Dân bản, từ khó chịu đến ngạc nhiên rồi xúc động, trải lòng với người cộng tác viên giàu nhiệt tình ấy. Chị, tự khi nào đã trở thành người bạn, người chị, người mẹ của chị em bản mình…

Chị cũng lấy được niềm tin của người già trong bản: “Cái bụng của mẹ Thống là vì người bản mình thôi”- người ta nói với nhau như vậy. Mà không chỉ tuyên truyền, chị còn phải kịp thời cung cấp các phương tiện tránh thai phù hợp cho từng đối tượng.137 phụ nữ trong bản đang ở độ tuổi sinh đẻ được chị Thống lên danh sách, sắp lịch ghé thăm thường xuyên. Nhà ông Ngân Văn Thắng hiện có 4 thế hệ cùng chung sống, trong đó có 1 cặp vợ chồng trẻ. Chị Thống không chỉ gặp đôi trẻ mà còn thường tới gặp gỡ người cao tuổi trong nhà, nhờ chính ông bà nhắc nhở con cháu thực hiện KHHGĐ, không ham “con đàn cháu đống” như trước nữa. Hoặc như gia đình chị Lương Thị Dương, sinh năm 1979, đã có 2 con gái, được sự tư vấn, vận động kịp thời, vợ chồng chị Dương quyết định không sinh thêm con. Quan niệm con trai, con gái đối với vợ chồng chị không còn nặng nề. Nhờ thế, vợ chồng chị Dương có điều kiện buôn bán, nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn...

4 năm chị Thống nhận nhiệm vụ làm CTV dân số cũng là 4 năm bản Tiến Thành không có người sinh con thứ 3. “Chị Thống là một cộng tác viên tiêu biểu của xã. Nhờ lòng nhiệt tình của chị ấy mà mọi khó khăn về công tác dân số đã được hóa giải”- chị Lương Thị Vân- Phó ban Dân số xã Châu Thành nói về người CTV của mình như vậy. Chị cũng cho biết, nhờ chị Thống và những cộng tác viên khác nữa mà Châu Thành đã có những thành công khó ngờ: 9/9 xóm, bản của xã từ 3 năm nay không có người sinh con thứ 3. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng giảm dần, 100% trẻ đến tuổi đi học được cắp sách đến trường. Châu Thành đã trở thành đơn vị điển hình về dân số, KHHGĐ ở huyện Quỳ Hợp!

Xuân Hoàng