Nữ bí thư ở thượng nguồn Pu Xúng
(Baonghean) - Được sự giới thiệu của Đảng ủy xã Bắc Sơn (Quỳ Hợp), chúng tôi tìm về bản Manh, nơi đồng bào dân tộc Thái quần tụ ven dãy núi Pu Xúng vời vợi để gặp một người “đặc biệt”. Đó là chị Lô Thị Thiện - nữ bí thư chi bộ đầu tiên và duy nhất của xã Bắc Sơn hiện nay.
Tạm gác lại những bận rộn việc nhà, việc bản trong những ngày cuối năm, chị Lô Thị Thiện tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn cổ kính, nép mình giữa ngút ngàn xanh cây trái. Cả bản Manh dịp này đang rộn mùa thu hoạch mía, keo. Từ một bản thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo còn rất cao, những năm gần đây, bản Manh đã “lột xác” trở thành một trong những bản giàu của xã Bắc Sơn, tổng thu nhập hàng năm đã vượt ngưỡng 5 tỷ đồng. Hẳn cái sự đi lên ấy là công sức của toàn thể bà con, nhưng không thiếu vai trò của người đứng mũi - bí thư chi bộ (?).
Tò mò là vậy, nhưng trong câu chuyện cùng chúng tôi, chị Thiện cứ nhắc đi nhắc lại rằng mình làm chưa được chi nhiều, đó là có sự giúp đỡ của toàn thể đảng viên trong chi bộ cùng sự tin tưởng ủng hộ của hết thảy bà con dân bản. Đi nhiều và tiếp xúc cũng nhiều với đội ngũ xóm bản nên chúng tôi phần nào thấu hiểu cái vất vả của những người “vác tù và hàng tổng” ở xóm bản như chị. Chức vụ chính và có ít phụ cấp là bí thư chi bộ nhưng kiêm nhiệm nhiều việc không hề có phụ cấp như trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng tổ dân vận... mà công việc nào cũng quan trọng, cũng cần chăm lo không thể lơ là.
Chị kể rằng, còn nhớ mãi cái đận được bầu làm bí thư chi bộ, ấy là vào năm 2006. Khi đó, chị được dân bản ngợi khen đảm đang, giỏi việc nhà, vẹn việc rẫy nương, nhưng để làm bí thư chi bộ thì chưa hề có tiền lệ. Chi bộ thông qua kết quả bầu cử rồi mà suốt mấy ngày chị vẫn còn run, đã bao năm làm chi hội trưởng phụ nữ của bản nhưng làm bí thư chi bộ lại là chuyện khác. Nhưng rồi, được sự động viên của toàn chi bộ, anh em, gia đình, chị bắt tay vào việc mới với quyết tâm học hỏi, cố gắng không phụ lòng tin của mọi người.
Bản Manh nằm xa trung tâm xã đi lại khó khăn nên càng vất vả bội phần. Giữa trăm mối lo việc nhà, việc bản, chị chọn mũi ưu tiên đó là lo xóa đói giảm nghèo. Ruộng nước của bản thì đã đóng khung ở mức 7,5 ha, trong đó chỉ 4 ha chủ động nước tưới; 3,5 ha còn lại canh tác theo kiểu nhờ trời. Muốn đủ cái ăn, muốn đi lên chỉ còn cách nhìn vào đất rừng, phát triển chăn nuôi. Chi bộ họp bàn, hạ quyết tâm khai phá đất Thung Manh, đưa cây mía về làm cây trồng chủ lực. Những hộ như Lô Văn Vinh, Lô Văn Khánh... tiên phong vào khai phá đất Thung Manh được chi bộ, ban cán sự xóm hết sức ủng hộ, lấy làm mô hình để bà con nhân rộng.
Thung Manh là thung lũng rộng lọt thỏm giữa bốn bề đại ngàn Pu Xúng, nằm cách xa bản cữ 10 cây số, trước đây bà con chủ yếu cuốc đất trồng ngô, trồng sắn thu nhập phập phù. Có thể nói đem cây mía vào Thung Manh là cả một sự liều, bởi đường sá vào thung quá gian nan, hai nữa Thung Manh rất hiếm nước, vào Thung Manh muốn có nước sinh hoạt, nước cho trâu, bò uống phải cuốc bộ leo núi lên tận mó nước Pu Pục, tiếp giáp với đất Thọ Sơn (Anh Sơn) mà cõng nước về. Nhưng rồi các hộ dân ngăn đập giữ nước, đất Thung Manh dần phủ kín những mía nguyên liệu cho nhà máy đường trong niềm vui âm thầm của Bí thư chi bộ Lương Thị Thiện. Cả bản có 95 hộ thì đến nay có trên 75 hộ tham gia trồng mía ở Thung Manh. Vui lắm chứ khi tổng diện tích mía hiện tại là 95 ha, đất tốt, người chăm nên vụ vừa qua đã đạt 48 triệu đồng/ha, vị chi riêng Thung Manh đã mang về cho bản trên 4,5 tỷ đồng. Những hộ như Lô Văn Vinh, Lô Văn Khánh, Lô Văn Khôi... đã trở thành hộ giàu của xã.
Để có được ngần ấy thu nhập xem ra cũng lắm công lao. Tốn kém là mở đường, xây cầu vào thung. Cùng sự hỗ trợ của nhà máy đường, những năm qua bà con trong bản đã đóng góp 100 triệu đồng, hàng ngàn ngày công để san ủi nâng cấp 10 km đường, xây dựng 3 cây cầu bê tông kiên cố. Trong vai trò tổ trưởng dân vận, chị bộc bạch bí quyết là chăm lo “vận động, vận động và vận động” để người dân góp ít thành nhiều, mà hóa giải khó khăn. Ngoài nguồn thu từ mía, bà con còn bắt đầu có nguồn thu từ khai thác keo nguyên liệu, bình quân đạt mức 8 ha rừng mỗi hộ. Trồng mía, trồng keo nên diện tích đồng cỏ giảm kéo theo đó là sự phát triển của đàn trâu, bò có phần chững lại, nhưng hiện tại, bản cũng có đến 370 con trâu, bò với nhiều hộ trồng cỏ chăn nuôi. Đời sống của người dân được nâng lên, việc đóng góp xây dựng các công trình của bản cũng thêm phần thuận lợi.
8 năm qua “đứng mũi chịu sào” với vai trò bí thư chi bộ, chị Lương Thị Thiện luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chi bộ từ chỗ chỉ có 7 đảng viên vào năm 2006, đến nay đã có 15 đảng viên, luôn xứng là nòng cốt mọi phong trào. Cái vui của chị cứ thế đan hòa trong đổi thay của mường, của bản. Vui vì bà con đã có thêm “bát ăn, bát để”, vui vì đời sống văn hóa cũng được nâng lên khi mà hiện tại bản không có con em bỏ học giữa chừng, có 9 người con em của bản đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước... Tận tâm vì công việc, hết mực lo cho dân và không ngừng học hỏi, tìm tòi, nữ Bí thư Lương Thị Thiện đang góp sức mình viết nên những trang mới tươi sắc màu cho bản làng nơi thượng nguồn Pu Xúng.
Cao Duy Thái