Cờ tướng, thú chơi tao nhã
(Baonghean) - Cờ tướng là môn thể thao trí tuệ, có truyền thống ở nước ta. Hiện nay, sức hút của cờ tướng vẫn không hề giảm, thậm chí, còn được bình dân hóa dưới hình thức cờ tướng vỉa hè, góp phần làm sôi động thêm phong trào chơi cờ tướng ở Thành phố Vinh…
Không biết từ bao giờ, cờ tướng đã có mặt trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân Thành phố Vinh. Nếu so với các môn thể thao khác có những thăng trầm thì cờ tướng vỉa hè lại mang trong mình những gam màu hoàn toàn khác biệt, ngay cả trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh loạn lạc, hay bao vất vả mưu sinh thời hậu chiến, vẫn có rất nhiều bàn cờ được bày ra... Người dân Thành Vinh chơi cờ tướng không chỉ như thú giải trí đơn thuần, mà hơn hết, đó là văn hóa truyền thống của dân tộc, là thú vui tao nhã, gần gũi giúp rèn luyện trí tuệ và lòng kiên trì, nhẫn nại. Người chơi cờ tướng đủ mọi thành phần, lứa tuổi, tất cả đều say mê với những nước đi, những tiếng đập “ăn” quân chan chát, cuốn hút lạ kỳ! Cờ tướng trí tuệ mà giản dị, dường như, hiếm có môn thể thao nào mà cách tiếp cận mộc mạc, chất phác như cờ tướng?
Một “sới” cờ tướng trong quán cà phê ở TP. Vinh. |
Người mê cờ tướng bây giờ hay tập trung trên đường Nguyễn Cảnh Chân, đường Ngư Hải, Hồng Bàng, đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tầm 9h sáng hay 15h chiều trở đi lại ồn ã bởi hàng chục bàn cờ được bày ra. Những kỳ thủ thâm trầm nhâm nhi tách cà phê nhân nhẩn nóng, hoặc dấp môi chén trà sen thơm dịu và chụm đầu vào bàn cờ thi đấu. Dù chỉ có hai người chơi trong im lặng, nhưng xung quanh luôn có vài ba người ngồi bên cạnh chỉ trỏ, bày trò cho người đánh. Họ tiếc nuối hộ cho người chơi nếu lỡ đi nhầm nước hay xuýt xoa thán phục những nước đi lạ, cao cờ của người chơi. Cái không khí căng thẳng và hồi hộp, pha lẫn bao ồn ã đã làm nên sự thú vị khác biệt của cờ tướng vỉa hè. Ông Đặng Văn Tâm (phường Quang Trung, TP. Vinh), người đã gắn bó với cờ tướng vỉa hè gần 30 năm nay, chân thành: “Mấy chục năm chơi cờ tướng, là mấy chục năm đều đặn, sáng và chiều nào cứ đúng giờ là tui ngồi ở gốc cây này chờ bạn chơi. Không hẹn nhưng lần nào cũng có người ghé vào chơi vài ván. Có người quen, cũng có cả người lạ. Nhưng cứ bày bàn cờ ra là như dấu hiệu mời chào, lạ quen gì cũng tươi cười ngồi xuống cả”.
Những người quen thuộc với hình thức chơi này, họ gọi là các sới “cờ vỉa”- cách gọi ngắn gọn của cờ tướng vỉa hè. Các sới cờ vỉa ở Thành Vinh giờ không chỉ là lãnh địa riêng của các bậc cao niên, mà còn thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Chơi cờ vỉa cũng lắm nguyên tắc, luật lệ, chứ không xuề xòa, qua chuyện như suy nghĩ của nhiều người. Anh Phạm Anh Tuấn, một kiến trúc sư đồng thời cũng là tay “cờ vỉa” lâu năm trên đường Hồng Bàng, nói: “Cờ vỉa hoàn toàn khác với cờ chuyên nghiệp, thứ nhất là không khống chế thời gian đi nước, thứ hai là không áp dụng các luật chơi nguyên tắc trong bộ luật. Nó khá tự do trong nước đi, nhưng nếu người chơi không tỉnh táo, lại dễ sa vào những nước đi quá phóng khoáng, khó kiểm soát được. Cờ vỉa vừa dễ, vừa khó và dễ “nghiện” là vì thế”.
Không ai phủ nhận sức sống mãnh liệt của môn thể thao trí tuệ này, nhưng đã một thời gian dài, cờ tướng tồn tại và phát triển như một nhu cầu tự phát, mà tự phát, thì ai dám chắc rằng, những giá trị tinh túy của cờ tướng được bảo tồn đúng đắn? Bằng chứng là đã xuất hiện nhiều luật chơi phá cách, và những người chơi mới tiếp cận với cờ tướng, cứ hồn nhiên chơi theo “luật mới” không hề mảy may bận tâm đến luật chơi truyền thống của nó. Từ đây, hình thành những cách hiểu sai lệch về cờ, thậm chí, nhiều biến tướng như “cờ độ”, “cờ quay” - cách gọi ám chỉ hình thức chơi cờ có cá độ với nhiều mánh khóe, mục đích kiếm tiền là chính. Bên cạnh đó, người chơi cờ tướng vỉa hè cũng đang phải đối mặt với nhiều tệ nạn như nạn móc túi, trộm cắp, cờ bạc… trà trộn vào mưu lợi, gây ảnh hưởng đến thú chơi tao nhã này. Mong mỏi của những người chơi cờ tướng vỉa hè, là nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, xử lý, răn đe các đối tượng xấu, nhằm trả lại cho cờ tướng vẻ đẹp vốn có của nó, giữ gìn cho lớp trẻ mai sau nét tinh hoa trong truyền thống văn hóa dân tộc.
Hoàng Vũ
TP. Vinh