Tập trung xây dựng huyện nông thôn mới

02/02/2015 09:36

(Baonghean) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXV (nhiệm kỳ 2010 – 2015), Nam Đàn đặt ra mục tiêu: “Khai thác và phát huy mọi nguồn lực; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân, phấn đấu đưa Nam Đàn phát triển toàn diện, xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Với định hướng đó, Nam Đàn đã và đang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội xây dựng huyện nông thôn mới trong nhiệm kỳ tới.

Nhà máy Hanosimex đi vào hoạt động ở Nam Giang giải quyết việc làm cho làm cho nhiều lao động. Ảnh: Thanh Lê
Nhà máy Hanosimex đi vào hoạt động ở Nam Giang giải quyết việc làm cho làm cho nhiều lao động. Ảnh: Thanh Lê

Hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa

Những ngày này, về xã Nam Xuân (Nam Đàn), bà con nông dân đang tập trung chăm sóc rau màu hàng hóa phục vụ thị trường Tết. Đang chăm sóc ruộng rau, chị Nguyễn Thị Nguyệt vui vẻ cho biết: “Nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của huyện và xã, chúng tôi tận dụng diện tích, xây dựng cánh đồng thu nhập cao trên đất màu. Hiện tại, bà con luân canh, gối vụ, đa dạng các loại rau, củ, quả như dưa chuột, cà chua, su hào, hoa lý, hẹ, rau gia vị…”.

Đi cùng chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Nam Xuân, đồng chí Nguyễn Hữu Thủy, cho biết: “Từ thành công ở một số mô hình trước đây và trên cơ sở Nghị quyết số 09 ngày 26/7/2011 của BCH Huyện ủy Nam Đàn về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng ủy Nam Xuân tiếp tục tập trung chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, luân canh, gối vụ, đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập từ 60 đến 100 triệu đồng/ha”.

Tùy vào điều kiện tự nhiên, các xã của Nam Đàn đã xây dựng đề án, kế hoạch sản xuất phù hợp, sát đúng với tình hình địa phương. Hiện Nam Đàn đã có một số loại rau màu đã được “định danh” như rau ngót Nam Thái, hoa lý Nam Anh, Nam Xuân; ớt xuất khẩu ở Hùng Tiến, Nam Cường, Khánh Sơn... Các xã vùng 5 Nam tập trung nuôi bò vỗ béo và trồng chanh hàng hóa. Nhanh nhạy trong cơ chế, nông dân Nam Đàn năng động gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường tiêu thụ sản phẩm, đưa nền nông nghiệp chuyển dịch nhanh và đúng hướng.

Ngoài ra, các mô hình trang trại chăn nuôi lợn tiếp tục được đầu tư sản xuất, đạt hiệu quả cao, như trang trại Đại Thành Lộc tại Nam Hưng, DNTN Hân Hiệu tại Nam Lộc, Công ty TNHH Phương Huy tại Nam Xuân. Tổng doanh thu của các trang trại đạt 9.360 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 181 lao động thường xuyên và 70 lao động thời vụ. Định hướng phát triển kinh tế của huyện đến năm 2020, Nam Đàn xác định chia thành 3 tiểu vùng: vùng bán sơn địa và dọc chân núi Đại Huệ gồm 8 xã có lợi thế đất đồi, đất ruộng tập trung phát triển sản xuất lương thực và các loại rau màu, các loại cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, trang trại, du lịch sinh thái… Vùng trung tâm gồm 7 xã, có điều kiện thuận lợi, tổ chức sản xuất lúa, cây công nghiệp ngắn ngày, rau quả cao cấp, chăn nuôi trâu bò, gia cầm, nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch, thương mại. Vùng hữu ngạn sông Lam gồm 8 xã, địa hình đa dạng, có đồi núi, đất bằng, đất bãi ven sông nên định hướng tập trung phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, chủ yếu là ớt, lạc, dâu tằm, cây chanh, chăn nuôi bò vỗ béo.

Phát triển trang trại trên đất bãi ở Nam Tân - Nam Đàn. Ảnh: T.L
Phát triển trang trại trên đất bãi ở Nam Tân - Nam Đàn. Ảnh: T.L

Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp

Nhiệm kỳ qua, Nam Đàn là địa phương thu hút được nhiều nhà máy về nông thôn, tạo ra bước chuyển dịch lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện. Nam Giang là xã bán sơn địa, trước đây kinh tế thuần nông. Được sự lãnh đạo định hướng của đảng ủy cấp trên, Đảng ủy, UBND xã Nam Giang xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động là nhiệm vụ then chốt, hàng đầu. Xã quy hoạch sử dụng đất dành cho phát triển công nghiệp. Sau khi quy hoạch được phê duyệt công khai, tuyên truyền cho nhân dân nắm rõ. Với sự nỗ lực tích cực của huyện, xã và sự ủng hộ của người dân, đến nay Cụm công nghiệp Nam Giang đã có 3 dự án khá lớn, trong đó có 2 dự án đi vào hoạt động ổn định là Nhà máy Haivina Kim Liên và Hanosimex chi nhánh Nghệ An, thuộc Tổng Công ty Dệt may Hà Nội. Đi vào hoạt động từ tháng 5/2013, mặc dù mới thành lập trong thời gian ngắn, nhưng Chi nhánh Hanosimex Nghệ An hoạt động có hiệu quả, tạo việc làm cho trên 800 lao động, thu nhập bình quân của người lao động từ 3,8 - 4 triệu đồng/tháng. Chị Bành Thị Nam, công nhân nhà máy chia sẻ: “Nhà máy đi vào hoạt động, chúng em vừa có việc làm gần nhà, không phải đi làm thuê ở các địa phương khác, vừa có thu nhập ổn định”. Cũng tại Nam Giang, dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại Nam Giang do Công ty TNHHH Việt Nam - Nam Đàn Vạn An đầu tư với tổng số vốn đăng ký 2.100 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 25 ha, chế tác đá, kim loại quý. Hiện công ty đang bắt đầu đi vào sản xuất giai đoạn 1 và đang triển khai đồng bộ các hạng mục của dự án.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, xã có mối quan hệ chặt chẽ với nhà đầu tư. Giữa xã và các doanh nghiệp đều có bản cam kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường. Từ kết quả thu hút đầu tư đã tạo bước chuyển khá rõ nét về cơ cấu lao động tại chỗ phù hợp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Có thể thấy rõ hiệu quả tích cực của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ làm nông nghiệp sang công nghiệp ở xã Nam Giang. Cụm công nghiệp Nam Giang có gần 5.000 lao động, trong đó con em địa phương trên 900 người. Ngoài ra, các doanh nghiệp đi vào hoạt động, còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ vệ tinh như dịch vụ phòng trọ; sản xuất, cung cấp hàng hóa, lương thực thực phẩm...

Nhờ phát triển công nghiệp, từ một địa phương có tổng giá trị sản xuất năm 2010 là 450 triệu đồng đã nâng lên 968 tỷ đồng năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% năm 2010, đến nay còn 2,8%; thu nhập bình quân đầu người từ 13 triệu đồng/người/tháng lên 27,5 triệu đồng/người/ tháng. Công nghiệp phát triển kéo theo hạ tầng được đầu tư xây dựng, đó là tiền đề để Nam Giang ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Nam Giang là 1 trong 4 xã về đích đầu tiên trong xây dựng nông thôn mới của huyện Nam Đàn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Hữu Vạn, Phó Bí Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Giang chia sẻ: “Địa phương xác định rất rõ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giải phóng mặt bằng, thực hiện đền bù cho người dân được xã tập trung thực hiện tốt”.

Huyện Nam Đàn còn có thêm cụm công nghiệp xã Nam Thái và Cầu Đòn (Vân Diên) đã được UBND tỉnh phê duyệt. Hiện trên địa bàn có 3 nhà máy gạch tuynel lớn, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Song song với thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Nam Đàn chú trọng phát triển hệ thống làng nghề, có nghề. Trong đó có nhiều làng nghề có thương hiệu như: bánh bún Quy Chính, làng nghề mộc dân dụng khối Tây Hồ, làng nghề tương truyền thống thị trấn…

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để cụ thể hóa kế hoạch phát triển kinh tế, sau Đại hội Đảng bộ khóa XXV, Nam Đàn có nhiều nghị quyết chuyên đề nhằm phát triển kinh tế toàn diện, trong đó có 4 nghị quyết liên quan đến lĩnh vực phát triển kinh tế bước đầu có hiệu quả. Huyện tiếp tục tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là các khu công nghiệp đã quy hoạch và các nơi có điều kiện khác. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mở rộng quy mô, tăng sản lượng và sản xuất sản phẩm mới”.

Phát huy giá trị to lớn của văn hóa

Trên vùng “địa linh nhân kiệt” của Nam Đàn, xã Kim Liên được xếp hạng là 1 trong 23 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát huy truyền thống văn hóa, xây dựng con người Nam Đàn có lối sống, ứng xử văn hóa, văn minh luôn là yêu cầu để Đảng bộ và nhân dân xây dựng thành huyện điểm văn hóa và là 1 trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Học sinh Trường THPT Kim Liên đọc sách tại thư viện của trường.  Ảnh: T.L
Học sinh Trường THPT Kim Liên đọc sách tại thư viện của trường. Ảnh: T.L

Trên cơ sở yêu cầu đặt ra, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Huyện ủy Nam Đàn tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) ”về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, hàng loạt nghị quyết, chương trình, đề án cụ thể được huyện tiếp tục thực hiện như xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo; chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Đặc biệt, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 25/NQ-HU, ngày 10/7/2012 về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến năm 2020. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch, đề án để triển khai sát với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Đơn cử, xã Kim Liên đã xây dựng đề án phát triển phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng gương "Người tốt, việc tốt”, các điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, xây dựng gia đình văn hóa, xóm văn hóa....

Theo đồng chí Lê Thị Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kim Liên, kết quả xây dựng đời sống văn hóa đã tác động tích cực đến toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần đưa xã trở thành đơn vị đầu tiên của huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Bây giờ ở xã Kim Liên, các hoạt động văn hóa, văn nghệ là nhu cầu tự thân của mỗi người dân. Cứ vào mỗi dịp lễ, Tết hay như Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày thành lập Đảng 3/2, Ngày hội ”Đại đoàn kết”; hoặc các ngày truyền thống của các Hội Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao rất sôi nổi trong từng khu dân cư. Sinh hoạt thường xuyên của CLB hát ví phường vải với nhiều hạt nhân văn nghệ ở mọi lứa tuổi cũng góp phần kích thích đời sống văn hóa tinh thần ở làng quê vui tươi... Để tạo hình ảnh đẹp về quê Bác trong lòng du khách, Đảng ủy, chính quyền và hệ thống chính trị ở Kim Liên luôn chú trọng tuyên truyền, nâng cao văn hóa ứng xử văn minh cho người dân, nhất các hộ kinh doanh dịch vụ, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa quê hương.

Xã Nam Cát trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 này cũng tập trung đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên tất cả các nội dung xây dựng gia đình, dòng họ, xóm đạt danh hiệu văn hóa; thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Để đáp ứng yêu cầu thực hiện tất cả các nội dung đó, Đảng ủy, UBND xã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa – thể thao đồng bộ. Đến thời điểm này, toàn xã có 12/12 xóm có nhà văn hóa và các thiết chế văn hóa thể thao đồng bộ, trong đó có 10 xóm được công nhận Xóm Văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 84,5% và 35% gia đình đạt gia đình thể thao. Hai trường mầm non và tiểu học đạt chuẩn quốc gia và trường THCS xếp tốp 5 toàn huyện về chất lượng giáo dục cũng góp phần khẳng định chất lượng văn hóa ở Nam Cát đã, đang được đầu tư có chiều rộng và chiều sâu. Ông Nguyễn Danh Nam - cán bộ văn hóa xã khẳng định: "Thông qua phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, ý thức, trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội được "bám rễ” trong mỗi người dân. Ngay từ việc treo cờ Tổ quốc vào các ngày lễ, ở các xóm không phải nhắc nhở mà người dân tự giác thực hiện; hay việc giữ gìn vệ sinh đường làng, thôn xóm được chăm lo”.

Thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-HU của Huyện ủy về xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, Nam Đàn tập trung giữ gìn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng con người đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân, với tính tự nguyện cao. Từ đó, các cơ sở thiết chế văn hóa – thể thao được xây dựng đồng bộ và tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ - thông tin, thể dục, thể thao sôi động. Đến nay, 100% xóm, khối trong toàn huyện có nhà văn hóa gắn với xây dựng thiết chế văn hoá thể thao đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ làng bản, khối xóm, cơ quan văn hoá đạt 63%.

Liên hoan Tiếng hát Làng Sen gắn với Liên hoan Dân ca ví, giặm được tổ chức hàng năm từ cấp xóm đến cấp huyện, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa trong nhân dân. Các chính sách xã hội đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với nước và các đối tượng chính sách được thực hiện tốt. Chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,9%. Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; xây dựng văn hóa ứng xử trong cộng đồng và tại các điểm du lịch như Khu di tích Kim Liên, mộ Bà Hoàng Thị Loan, đền và mộ Mai Hắc Đế... được huyện đặc biệt chăm lo. Từ đó, thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Nam Đàn, riêng Khu di tích Kim Liên, bình quân mỗi năm đón 1,5 đến 2 triệu lượt khách du lịch.

Đồng chí Phạm Văn Quang - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn, khẳng định: Phát huy vị thế, tiềm năng của đất và người Nam Đàn, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều cố gắng phấn đấu xây dựng huyện quê Bác trở thành huyện nông thôn mới, trong đó xã Kim Liên trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu này cần nhiều yếu tố, trong đó phải tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; Tập trung mọi nguồn lực để đưa Nam Đàn phát triển giàu mạnh về kinh tế và đậm đà bản sắc văn hóa, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thanh Lê - Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN