Chiến sự Ukraina leo thang: Châu Âu do dự, Nga dửng dưng

31/01/2015 08:20

(Baonghean) - Thứ Năm ngày 29/1, ngoại trưởng các nước thuộc Liên minh châu Âu đã hội tụ tại Brussels trong phiên họp bất thường sau những diễn biến mới nhất theo chiều hướng xấu đi của tình hình chiến sự tại Đông Ukraina, đặc biệt là vụ đánh bom của cánh quân ly khai vào Thành phố cảng Mariupol.

Một lần nữa, cáo buộc vi phạm hiệp ước hoà bình ký kết tại Minsk nhắm vào Nga và các cánh quân đồng minh lại được đưa ra và hứa hẹn những đòn trừng phạt hà khắc. Được ký cách đây 5 tháng, chưa bao giờ sự hoài nghi đối với hiệu lực của Hiệp ước Minsk lại mạnh mẽ như lúc này. Nhóm 28 cũng khẳng định sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo cho Ukraina và đưa ra những tuyên bố mang tính tuyên truyền đối lập với Mátxcơva.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: cuộc họp mới nhất này của EU có thay đổi gì đáng kể đến cục diện tình hình khủng hoảng Ukraina và mối quan hệ EU - Nga? Một lần nữa, dự thảo trừng phạt mới lại được nêu ra để bàn luận, nhưng về cơ bản, EU vẫn đang lưỡng lự và giữ thái độ thận trọng như trước. Bởi mục tiêu chính của châu Âu vẫn là ước lượng các hệ luỵ có thể đến để tìm ra một vị trí cân bằng, hài hoà lợi ích của mỗi quốc gia thành viên. Một nhà ngoại giao châu Âu khẳng định: “Đây có thể là cơ hội cho ông Putin khuấy động sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu”.

Tổng thống Nga Putin (trái) trong Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Auschwitz, tổ chức tại Mátxcơva, Nga.
Tổng thống Nga Putin (trái) trong Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Auschwitz, tổ chức tại Mátxcơva, Nga.

Cơ hội này đang ngày càng rõ ràng, khi mà các cường quốc chủ chốt của châu Âu vẫn đang bất đồng quan điểm mạnh mẽ về vấn đề trừng phạt Nga. Anh - quốc gia khởi xướng cuộc họp bất thường thứ 5 vừa qua - cùng với Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic giữ nguyên quan điểm đối đầu trực tiếp với Nga, thông qua các lệnh cấm vận tăng cường. Ngay lập tức, Pháp hưởng ứng và đề xuất áp dụng các biện pháp mới nhằm vào các cá nhân (từ chối cấp thị thực và đóng băng thanh khoản) với đối tượng là các lãnh đạo của phong trào ly khai Ukraina và Nga. Ở phía đối diện, Đức phản đối đưa ra các lệnh cấm vận mới, điều mà Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế Sigmar Gabriel khẳng định vào tối thứ Tư, ngày 29/1 - ngay trước thềm cuộc họp. Chính phủ mới của Hy Lạp cũng không đồng tình với chủ trương của Chủ tịch Hội đồng châu Âu - ông Donald Tusk. Thứ Ba ngày 28/1, thay mặt khối 28 nước, ông này đã công bố bản thông cáo với một loạt các biện pháp cấm vận mới được đề xuất.

Nhưng cho dù có được thông qua tại cuộc họp, thì các lệnh cấm vận mới chỉ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 12/2, tại cuộc họp thường kỳ các quốc gia châu Âu. Tính đến thời điểm hiện tại, châu Âu vẫn chỉ giới hạn quan điểm đối lập của mình trên phương diện chính trị, chứ chưa tính đến việc mở rộng cấm vận kinh tế, và điều mới mẻ duy nhất là các cấm vận cũ sẽ được gia hạn thêm 6 tháng, tức đến tháng 9/2015. Bởi 2 lý do: thứ nhất, áp dụng các biện pháp cấm vận mới không phải là một điều hiển nhiên và dễ thực hiện. Thêm nữa, trong tình hình diễn tiến hiện tại ở Ukraina nói riêng và trong bối cảnh kinh tế - an ninh chính trị khu vực và thế giới nói chung, châu Âu đang chủ trương hạn chế tối đa “gây thù chuốc oán” mới. Thomas Gomart - chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Pháp nhận định: “Nga nhận thức cực kỳ rõ về sự bất ổn chiến lược đang chia cắt phương Tây”. Có lẽ đó cũng chính là lý do khiến người Pháp mất kiên nhẫn trong cải thiện mối quan hệ dùng dằng với Nga, khi mà từ nhiều tháng nay, Pháp cùng với Đức cố gắng làm tốt vai trò cầu nối giữa Nga và châu Âu nhưng không đạt được kết quả đáng kể.

Đỉnh điểm là việc Nga tuyên bố nhân cuộc gặp giữa các nhà đàm phán Pháp, Đức, Nga và Ukraina tại Berlin vào ngày 21/1 rằng Nga kêu gọi “chấm dứt bạo lực tại miền Đông Ukraina”. Để rồi ngay ngày hôm sau, chiến sự tại Sân bay Donetsk tái diễn và sau đó là cuộc tấn công vào Mariupol. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius vì lẽ đó đã lên tiếng cáo buộc Nga là “kẻ hai lời”, đồng thời nhận định cần phải gửi một thông điệp rõ ràng đến nước Nga. “Cấm vận đã có tác động thực sự đến nền kinh tế Nga, nhưng vẫn chưa đủ để khiến Putin thay đổi thái độ. Nhưng vấn đề là cấm vận cũng như một chiếc thang: số bậc thì có hạn, mà chúng ta đã ở một mức độ khá cao rồi…”, một quan chức cấp cao Pháp nhận định.

Một tay súng của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Nguồn: RIA Novosti
Một tay súng của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine. Nguồn: RIA Novosti

Đó là lý lẽ mà Đức đã viện đến để phản đối gia tăng cấm vận từ nhiều tuần qua, theo đó, nếu châu Âu lạm dụng biện pháp này, sẽ đến một lúc mà họ chẳng còn vũ khí gì để chiến đấu trong cuộc đối đầu này, bởi vũ lực là giải pháp bị loại trừ ngay từ đầu. Bằng chứng là Nga đang “leo thang” trong một cuộc “chiến tranh có giới hạn” cho phép tác động đến Ukraina theo mức độ tăng tiến trong thời điểm mà châu Âu đang bị “bão hoà” bởi các vấn đề khủng hoảng khác. Nếu nhìn nhận theo quan điểm này, thì sự kiện Mariupol có thể xem như một bước tịnh tiến tất yếu, nối dài sự can thiệp của Nga vào Ukraina kể từ khi Crimea sát nhập Nga hồi tháng 3 năm ngoái đến nay. Mặc dù nền kinh tế Nga tụt dốc thảm hại, nhưng trên chính trường, có vẻ như Nga vẫn đang giữ vững vị trí của mình, trong khi chính châu Âu mới rơi vào thế yếu. Hai tuần trước, một cuộc đàm thảo đề xuất giảm ước cấm vận đổi lại một sự tuân thủ nghiêm túc hơn đối với Hiệp ước Minsk đã bị Nga từ chối. Trước thái độ dửng dưng đó, châu Âu vẫn bế tắc trong tình trạng mâu thuẫn nội bộ và không đưa ra được giải pháp nào tối ưu hơn việc trông chờ vào sự hợp tác của Nga, nhất là khi vai trò của Nga cực kỳ quan trọng trong các vấn đề ngoại giao chính trị khác, ngoài cuộc khủng hoảng tại Ukraina.

Một sự kiện bên lề mang tính lịch sử nhiều hơn là chính trị, nhưng cũng phần nào thể hiện thái độ “lạnh giá” của Nga đối với châu Âu: sự vắng mặt của Tổng thống Nga Putin tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm trại tập trung Auschwitz (Ba Lan) được giải phóng khỏi quân phát xít. Thay vì đến họp mặt cùng với hơn 30 lãnh đạo của các quốc gia, “người đàn ông thép” của điện Kremlin đã quyết định nước Nga độc lập tổ chức tưởng niệm trong nước - cái nôi của những người chiến sỹ Hồng quân, lực lượng quan trọng làm nên chiến thắng tiêu diệt chế độ phát xít. Đồng thời, từ Mátxcơva phát đi một thông điệp không thể rõ ràng hơn về thái độ, tư thế sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh lạnh mới: “Thông thường, đằng sau những hành động này (“hành động cố tình viết lại lịch sử” - trích lời ông Putin) là ý đồ che giấu một sự hổ thẹn, hổ thẹn vì chính sự vô trách nhiệm, đạo đức giả và phản bội. Cũng là che giấu một sự đồng loã ngấm ngầm - chủ động hoặc bị động - với chủ nghĩa phát xít”.

Thục Anh

Theo Le monde

TIN LIÊN QUAN