Cần xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực của Nghệ An

25/11/2014 18:10

(Baonghean.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp thường kỳ tháng 11, chiều 25/11, UBND tỉnh tiếp tục thảo luận và cho ý kiến về một số chính sách thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và chính sách cho cán bộ thôn, xóm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường kết luận tại phiên họp
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường phát biểu tại phiên họp

TIN LIÊN QUAN

Tại cuộc họp, các thành viên UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành đã thảo luận đồng tình cao với dự thảo tờ trình về một số chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An xây dựng và phát triển thương hiệu để trình HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp tới. Theo đó, đối tượng áp dụng được ưu tiên là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm chủ lực hoặc sản phẩm chiến lược của tỉnh; các doanh nghiệp có sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp; áp dụng tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Phó Chủ tịch Lê Xuân Đại phát biểu ý kiến
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại phát biểu ý kiến

Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm hỗ trợ tập huấn đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp; tư vấn đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng logo, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đấu tranh bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp khi có tranh chấp hoặc các dấu hiệu vi phạm đến nhãn hiệu hàng hóa. Tổng kinh phí hỗ trợ cho một doanh nghiệp không quá 300 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở KH và CN trình bày dự thảo hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Giám đốc Sở KH và CN trình bày dự thảo hỗ trợ doanh nghiệp

Tiếp đó, các thành viên UBND tỉnh và đại diện các ngành đã cho ý kiến về Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc hàng hóa cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo di dân, định canh, định cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 – 2020. Các đại biểu đồng tình cao với dự thảo đề án do Ban Dân tộc tỉnh soạn thảo. Thực tiễn, các hộ di dân thực hiện tái định canh, định cư vùng đồng bào dân tộc miền núi đang gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất. Trên cơ sở điều kiện thực tế miền núi thuận lợi để phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, việc xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi đại gia súc hàng hóa nhằm giúp đỡ người dân vùng tái định cư ổn định cuộc sống, tạo sản phẩm hàng hóa, tạo tập quán sản xuất bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững cho đồng bào dân tộc nghèo, góp phần giữ vững an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới là hết sức cần thiết. Mức hỗ trợ ban đầu được thống nhất là 2 con bò cho mỗi hộ dân tộc nghèo di dân, định canh, định cư.

Giám đốc Sở Y tế trình bày đề án đảm bảo tài chính hoạt động HIV/AIDS
Giám đốc Sở Y tế trình bày đề án đảm bảo tài chính hoạt động phòng chống HIV/AIDS

Thời gian còn lại của phiên họp chiều nay, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về đề án thí điểm xây dựng làng văn hóa dân tộc gắn với phát triển văn hóa cộng đồng; đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015 – 2020; dự thảo tờ trình về việc điều chỉnh mức hỗ trợ đối với Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng các đoàn thể và Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ở khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Đường yêu cầu các đơn vị chủ trì soạn thảo các đề án, tờ trình cần làm rõ các căn cứ pháp lý, nguồn lực đảm bảo thực hiện các chính sách. Đi kèm với các chính sách hỗ trợ được ban hành cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để chính sách thực sự đi vào cuộc sống nhằm thúc đẩy sự phát triển kinhh tế - xã hội, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh.

MAI HOA