Giáp quán: Trăm năm nếp nghề

20/11/2014 18:51

(Baonghean) - Cũng là làng quê, nhưng xóm 12 - Giáp Quán, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành ngoài làm nông nghiệp, còn mang một hồn cốt riêng, đó là gìn giữ được nghề mộc truyền thống “cha truyền con nối”. Nhắc đến Giáp Quán, người ta nghĩ ngay đến những sản phẩm mộc gia dụng đơn giản, thiết thực với đời sống người dân vùng nông thôn...

Hàng trăm năm gắn bó với nghề mộc, chừng đó thời gian đủ cho các thế hệ người con xóm Giáp Quán, xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành làm nên một thương hiệu nghề mộc gia dụng không lẫn vào đâu. Người dân các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương... đã rất đỗi thân quen với những sản phẩm mộc gia dụng đơn giản, rẻ tiền, của người dân Giáp Quán này.

Sản phẩm ghế thang tại xưởng mộc của cha con anh Hồ Sỹ Hoàng.
Sản phẩm ghế thang tại xưởng mộc của cha con anh Hồ Sỹ Hoàng.

Xóm Giáp Quán bám trục Quốc lộ 7 độ 3 km. Vừa chạm đến đầu xóm đã hiện rõ cảnh nhộn nhịp kinh doanh buôn bán hàng quán, và những xưởng mộc, xưởng cưa. Ông Nguyễn Công Dụ - Bí thư Chi bộ và ông Nguyễn Công Thìn - Xóm trưởng, tiếp chúng tôi bên bộ bàn ghế đơn sơ đặt dưới bóng cây vú sữa tỏa bóng mát bên góc sân nhà ông Dụ. Bí thư Chi bộ tự hào: Giáp Quán, trước đây gọi là làng Trụ Pháp, chính là làng gốc của xã Mỹ Thành, cũng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Yên Thành. Nhà thờ họ Nguyễn Công bây giờ là một công trình kiến trúc cổ trong làng Giáp Quán, ở đây còn lưu giữ tấm bia ghi nhận nơi thành lập Đảng bộ huyện Yên Thành. Từ những năm giữa thế kỷ trước, địa phương đổi tên thành xóm Giáp Quán.

Theo người dân, Giáp Quán có nghĩa làng là nơi có người kinh doanh buôn bán sớm nhất ở xã Mỹ Thành. Còn cái nghề thợ mộc ở làng, cả hai ông hồ hởi cho biết: Nghề mộc du nhập vào xóm Giáp Quán này từ khi nào, ai là “ông tổ” đưa nghề về làng thì không ai biết rõ. Nhưng theo các cụ, nghề mộc có ở xóm này ít nhất 150 năm. Còn “ông tổ” của làng nghề, không dám chắc, nhưng các cụ nhắc nhiều đến cố phó Huynh, người trực tiếp chỉ đạo người dân làng Trụ Pháp xưa, sửa chữa ngôi đình Trung của làng cách đây gần trăm năm. Dựa vào tính thực tiễn về nhu cầu đời sống sinh hoạt của người dân từng giai đoạn, người dân Giáp Quán làm ra những sản phẩm đơn giản, giá thành thấp, đáp ứng nhu cầu người sử dụng, đặc biệt là đối với vùng nông thôn.

Ví như giai đoạn trước năm 1995, sản phẩm chủ yếu là giường rẽ quạt, bàn ghế nhỏ, đơn giản, như ghế thang dùng thắp hương, giường đơn, cửa, đồ thờ cúng... Xóm Giáp Quán hiện có 125 hộ, trong đó chỉ có 15 gia đình thoát ly, còn lại là làm nông nghiệp, đồng thời “bám” luôn nghề mộc. Thực ra, mộc là nghề phụ, nhưng là thu nhập chính của người nông dân nơi đây. Thời còn sử dụng đèn dầu, quạt mo, nghề mộc chủ yếu làm bằng thủ công, người thợ phải vất vả xẻ gỗ, bào, đục... bằng sức người. Từ ngày có điện lưới Quốc gia đến nay, đặc biệt là từ khi xóm được Nhà nước đầu tư trạm biến áp riêng, chất lượng điện được cải thiện, nhiều gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng mua các loại máy phục vụ nghề mộc, nên người thợ nhàn hơn nhiều. Nhà ông Bí thư chi bộ cách đây 3 năm đầu tư 50 triệu đồng, mua các loại máy đục, máy bào, máy cưa, máy phun sơn.

Ông Dụ cho biết, làm nghề thợ mộc đóng đồ gia dụng, khó tính toán được thu nhập theo ngày, mà phải ước tính theo tháng, vì có những sản phẩm người ta đến đặt hàng, phải mất ngót tháng trời mới hoàn thành. Dù sao, mỗi tháng cha con ông thu lãi từ 10 - 12 triệu đồng mới xứng với công và chi phí đầu tư. Ông theo nghề thợ mộc từ lúc mới lên 7 tuổi. Thời đó, cha và anh đều làm nghề mộc, lên 7 tuổi, ông vừa học chữ, vừa học nghề, 18 tuổi, đã thành thợ chính trong nhà. Ông Dụ cho biết: Ở xóm Giáp Quán này, đàn ông có nghề thợ mộc, chủ yếu là “cha truyền con nối” và hiện nay phần lớn những gia đình làm nghề thợ mộc cha con, hoặc anh em trong nhà.

Nghề mộc ở xóm Giáp Quán phần nhiều đóng hàng gia dụng, với những đồ dùng thông thường, đơn giản, nhưng cũng có một số hộ nâng cấp lên đóng đồ mộc cao cấp. Với nghề mộc gia dụng, chủ yếu sử dụng các loại gỗ thông thường, trong đó phần lớn là gỗ keo tràm, vừa dễ tìm gỗ, giá bán vừa phải. Với nghề mộc cao cấp, chủ yếu sử dụng gỗ rừng có tên có tuổi như lim, đinh hương, dổi... ngày càng hiếm, đắt tiền, dành cho những khách hàng giàu có. Ông Dụ giải thích, gỗ keo, tràm từ 10 năm tuổi trở lên, đường kính ròng rộng trên 30 cm, dùng để đóng hàng mộc gia dụng rất tốt. Gỗ mua về cả cây, xẻ theo ý của mình, đem phơi nắng đến khi khô hẳn mới đóng ra sản phẩm. Đặc điểm của loại gỗ này là không bị bắt nắng, không mọt, nếu kiêng được nước có thể sử dụng hàng chục năm. Bây giờ keo, tràm người ta trồng nhiều, nên dễ tìm mua, giá thành thấp, nên sản phẩm làm ra phù hợp với số đông người tiêu dùng.

Xưởng mộc của lão Hoàng (Hồ Sỹ Hoàng), cách mặt Quốc lộ 7 chừng 200m. 2 cha con lão đang khẩn trương hoàn thiện hàng chục chiếc ghế thang. Lão vui vẻ tiếp chuyện: Nghề thợ mộc vất vả, hàng ngày phải tiếp xúc với bụi bặm, tiếng ồn của máy móc, được cái vui vì có việc làm thường xuyên và có thu nhập ổn định. Trước đây, cha con thường đóng bàn, ghế loại nhỏ, hình thức đơn giản, dùng để con em nông thôn ngồi học bài, hoặc gia đình dùng để đặt bếp ga. Khi thị trường không chấp nhận mặt hàng đó nữa thì chuyển sang mặt hàng ghế, thang thắp hương và giường đơn. Lão Hoàng giải thích: Ngày nay, người ta xây nhà theo kiểu mới, nhà cao, cửa rộng, nên nhà nào cũng phải có chiếc ghế thang để bước lên bàn thờ thắp hương, do vậy anh chuyên sản xuất mặt hàng này để nhập cho các cửa hàng bán đồ mộc trên các huyện lận cận.

Theo đơn đặt hàng của một số đại lý hàng mộc ở khu vực Diễn Châu, chiều hôm nay cha con lão phải hoàn thiện 30 chiếc ghế, sáng mai dậy lúc mờ sáng, đi giao hàng cho người ta bán. Ngoài ra, cha con lão còn đóng giường đơn, hình thức khá đơn giản, dùng cho học sinh, sinh viên, hoặc trong nhà có người già yếu. Gỗ dùng để đóng các sản phẩm này chủ yếu là gỗ cây tràm, được bào trơn, đóng bén, không lèo lá, không phun sơn. Lão, không dấu diếm: Mỗi ngày cha con đóng được 10 chiếc ghế thang, bán cho người ta với giá 130 nghìn đồng/chiếc, trừ chi phí, lãi 50%. Như vậy, với những sản phẩm đơn giản này, mỗi ngày cha con lão thu lãi từ 600 - 700 nghìn đồng.

Ông bí thư chi bộ còn tự hào, không những hàng mộc gia dụng, mà trong làng còn có một số cơ sở hàng mộc cao cấp. Nói rồi, ông đưa chúng tôi đến xưởng mộc của Trương Đức Hoàng. Trò chuyện, anh Hoàng thổ lộ: Sinh ra từ làng, trong một gia đình có cha là Trương Đức Quý, nổi tiếng giỏi nghề thợ mộc. Lớn lên anh sớm được cha truyền cho cái nghề thợ mộc. 19 tuổi, anh đi nghĩa vụ quân sự. Vào quân ngũ, anh thuộc đơn vị vật tư. Có sẵn tay nghề, mọi việc trong đơn vị hàng ngày đối với anh không khó khăn. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tay nghề thêm vững, anh tiếp tục “bám” nghề thợ mộc cho đến bây giờ. Hiện tại, anh sử dụng 4 thợ mộc có tay nghề giỏi, chuyên sản xuất hàng mộc cao cấp theo đơn đặt hàng của khách. Sản phẩm của anh luôn đảm bảo chất lượng, đẹp về mẫu mã, nên đơn đặt hàng ngày càng nhiều, giải quyết việc làm quanh năm cho tổ thợ.

Sau một vòng loanh quanh trong các xóm ngỏ của 125 nóc nhà, Bí thư chi bộ nhớ lại: Thời kinh tế thị trường còn chưa phát triển, mỗi khi đến phiên chợ Giát, hoặc chợ Si, chợ Dinh, người dân Giáp Quán từ mờ sáng đã rồng rắn chở hàng đến chợ bán. Người dân thôn quê mỗi lần muốn sắm sửa cái giường, cái bàn, cứ mang tiền đến chợ là có. Bởi thế, cụ Nguyễn Công Vị là người dân trong làng đặt bài vè, trong đó có mấy câu: “... Kẻ lặn lội ruộng đồng/ Người vượt núi trèo non/ Hễ lấy vợ cho con/ Lại mua giường Giáp Quán...”. Còn bây giờ, hàng quán người ta mọc nhiều tại các trung tâm xã, huyện, người Giáp Quán nhập cho người ta bán hàng ngày, chứ không cần phải mang đến chợ nữa.

Nghề phụ nhưng thu nhập chính, ông Nguyễn Công Thìn - Xóm trưởng cho biết, người dân làm ruộng chỉ mong đủ gạo ăn và phụ thêm cho chăn nuôi, còn nghề mộc và kinh doanh khác là khoản thu nhập chính cho hàng chục gia đình. Khó tính toán chính xác mỗi năm xóm Giáp Quán doanh thu đạt bao nhiêu tiền từ nghề thợ mộc, nhưng có thể chiếm tới 70%, còn 30% là nghề sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, số hộ nghèo của xóm hiện chỉ còn 9 hộ. Có thu nhập ổn định từ nghề phụ, người dân Giáp Quán nuôi con ăn học chu đáo, phần lớn những hộ làm nghề mộc đã xây dựng được nhà ở kiên cố. Cả Bí thư chi bộ và Xóm trưởng, tự hào khoe là làng gốc của xã Mỹ Thành, ngoài làm nghề mộc giỏi, còn có nhiều dòng họ nổi tiếng học hành đỗ đạt cao. Có thời điểm xóm Giám Quán có tới 50 sinh viên theo học các trường đại học. Đếm đầu ngón tay, đến nay trong xóm đã có 35 người có trình độ kỹ sư trong các lĩnh vực, có nhiều con em có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ...

Gắn bó với nghề từ hàng trăm năm, trải qua biết bao thế hệ, người dân Giáp Quán vẫn gìn giữ được nghề, đủ sức để cạnh tranh với các làng nghề khác. Xóm vừa được UBND huyện công nhận “làng có nghề”, niềm vui ấy đã thôi thúc người dân Giáp Quán phấn đấu hơn nữa để nghề mộc ngày càng phát triển mạnh hơn, để một ngày nào đó làng vinh dự được tỉnh công nhận làng nghề. Những người thợ mộc ở đây bộc bạch, nghề mộc là nghề khó, không phải chỉ chăm chỉ mới được, còn phải sáng ý nữa, người càng cao tuổi, càng có nhiều kinh nghiệm về nghề, còn lớp trẻ cần trau dồi nghề và cách tiếp cận thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Xuân Hoàng