EVN được tự tăng giá điện khi chi phí tăng 3-5%

30/01/2015 09:54

Nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá; các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm.

Đây là một trong những nội dung kết luận tại cuộc họp về các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì.

Nếu chi phí đầu vào giá điện tăng 3-5%, EVN sẽ được quyền tự quyết tăng giá điện. Ảnh minh họa
Nếu chi phí đầu vào giá điện tăng 3-5%, EVN sẽ được quyền tự quyết tăng giá điện. Ảnh minh họa

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, chỉ đạo EVN xây dựng phương án để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 12/2014/TT-BCT ngày 1/6/2014 quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng: nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá; các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm.

Để cải thiện tình hình tài chính của EVN, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương đẩy nhanh quy trình đàm phán các hợp đồng xây dựng- vận hành – chuyển giao (BOT), đảm bảo quyền lợi của các chủ đầu tư và bên mua điện, dự án vận hành đúng tiến độ.

Về phía EVN, xây dựng kế hoạch thực hiện các đề xuất mà Tư vấn Mercados xây dựng về Các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên, trình Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt trước ngày 28/2/2015; phối hợp với WB nghiên cứu phương án quản trị rủi ro tỷ giá (hedging) báo cáo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đồng thời, EVN cần khẩn trương thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Tổng Công ty phát điện 3 (Genco 3), đồng thời lập kế hoạch cổ phần hóa 2 Tổng Công ty phát điện còn lại.

Hiện tại tổng số lỗ mà EVN đang “gánh” lên tới gần 17.000 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng đã từng “đánh tiếng” muốn hạch toán phần lỗ khoảng 8.000 tỷ đồng từ chi phí mới phát sinh như tăng giá bán than cho điện, chi phí môi trường tăng… vào giá điện năm 2015.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí hồi tuần trước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tình hình tài chính của EVN rất gay go. Tính toán của WB, nếu không điều chỉnh tăng giá điện thời gian tới EVN sẽ lâm vào tình trạng bị phá sản.

Mới đây, Thủ tướng đã yêu cầu EVN phải rà soát, có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để giảm mạnh chi phí sản xuất, kinh doanh điện, nhất là phải giảm tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN