Ước mơ của Lê
(Baonghean) - 9 năm liền là học sinh xuất sắc, đạt giải nhì kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử (2013 - 2014), giải nhì môn Văn của huyện - Nguyễn Thị Lê (sinh năm 1999), học sinh trường THPT Quỳnh Lưu 1 trở thành tấm gương sáng trong phong trào thi đua học tốt của huyện. Ham học, học giỏi nhưng em luôn canh cánh nỗi lo phải nghỉ học giữa chừng, bởi cuộc sống gia đình em gặp nhiều khó khăn...
Ông Nguyễn Văn Hưng - Bí thư Đảng uỷ xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu), cho biết: Hoàn cảnh gia đình cháu Lê rất khó khăn, không có tiền đóng học phí, các chị của Lê chỉ được học đến lớp 5, lớp 6. Gia đình đông con, bố mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ ốm đau triền miên, phải chạy ăn từng bữa...
Ngôi nhà 3 gian cấp 4, thấp nhỏ, cũ kỹ, đã xuống cấp, trong nhà không có tài sản gì đáng giá. Góc học tập của Lê giăng mấy tấm ni lông rách, phòng khi trời mưa dột, bàn học là mấy tấm ván giàn giáo bố xin được khi đi làm phụ hồ. Sách giáo khoa được thư viện nhà trường cho mượn. Thấy con gái út ham học, bố mẹ hứa sẽ cố gắng cho em học hết lớp 12. Nghe bố mẹ hứa vậy, Lê mừng lắm, em nỗ lực học tập thật tốt để đáp đền bố mẹ.
Em Nguyễn Thị Lê bên góc học tập. |
Bố Lê ốm đau luôn, thường xuyên phải nằm viện điều trị, để có tiền chạy chữa cho bố, mẹ em phải vay mượn khắp nơi. Sức khỏe bố ổn định dần nhưng số tiền nợ ngày mỗi tăng, chưa biết khi nào trả hết… Thời gian bố nằm viện, nhà quá túng bấn, đã mấy lần Lê định nghỉ học phụ giúp mẹ, bớt đi gánh nặng học phí, sách vở…. Nhưng mỗi lần, nhìn con gái út khóc thầm khi con mân mê từng cuốn sách, lật giở từng trang vở, mẹ em lại không đành lòng… 3 người chị lần lượt lấy chồng nhưng cuộc sống cũng vất vả. Thương bố mẹ, thương em, các chị gom góp, vay mượn, mở ki ốt, mua máy xát gạo và đỡ đần mẹ mấy sào ruộng khoán để có tiền lo cho em ăn học.
Được các chị tiếp sức, Lê càng quyết tâm chăm chỉ học thật giỏi. Mỗi ngày được đến trường với Lê là một ngày vui, là sự háo hức khi được tiếp thu những kiến thức mới. Lê tập trung để hiểu bài và làm bài tập về nhà ngay tại lớp. Lê học giỏi đều tất cả các môn, tổng kết đạt 8 điểm trở lên; là học sinh giỏi huyện, giỏi tỉnh môn Lịch sử.
Cho chúng tôi xem thành tích học tập 9 năm học xuất sắc, khoe về những tấm giáy khen của trường, của huyện, của tỉnh, mắt em sáng lên niềm vui. Khi nói về ước mơ của mình, Lê háo hức: “Em muốn trở thành sinh viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; trở thành nhà nghiên cứu lịch sử hoặc giáo viên dạy sử...”. Nhưng rồi, sự háo hức, niềm hy vọng ấy nhanh chóng chùng xuống khi Lê nghĩ về hoàn cảnh của mình, “đậu đại học, ra Hà Nội học, tiền học phí, tiền ăn, tiền ở, sinh hoạt đắt đỏ. Bố bệnh, mẹ ngày càng già yếu, liệu có xoay xở nổi? Liệu em có đủ điều kiện để thực hiện ước mơ?”...
Đạm Phương