Thủ lĩnh trẻ ở vùng cao Kỳ Sơn

29/11/2014 12:53

(Baonghean) - Tại huyện vùng cao biên giới Kỳ Sơn, anh Hà Văn Nho ở bản Na Lượng, xã Hữu Kiệm được ví như một thủ lĩnh trẻ trong phát triển kinh tế và luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, dẫn dắt các đoàn viên, thanh niên lập nghiệp, làm giàu trên vùng đất khó.

Học hết trung học phổ thông, anh Hà Văn Nho (SN 1984) lên đường nhập ngũ, thực hiện nghĩa vụ quân sự. Môi trường quân ngũ đã rèn luyện cho anh sự rắn rỏi, mạnh mẽ và luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương anh tham gia phong trào “thanh niên tình nguyện phát triển kinh tế” của Đoàn Kinh tế Quốc phòng trực thuộc Quân khu 4. Từ đây anh đã học hỏi được kinh nghiệm làm ăn, cách phát huy hiệu quả của đồng vốn, hiểu thêm về các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương mình.

Anh Hà Văn Nho cùng mẹ chăm sóc đàn bò.
Anh Hà Văn Nho cùng mẹ chăm sóc đàn bò.

Những năm đầu, khi đồng vốn còn ít, anh khai hoang gần 3 ha trên dãy Pu-phà-lạch để trồng ngô. Tìm tòi qua sách, báo, rồi chịu khó học hỏi cán bộ trạm khuyến nông, anh từng bước nắm được những giống ngô cho năng suất cao, phù hợp với địa hình đồi dốc cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Thử nghiệm giống ngô lai VN10 và phương thức bón phân dúi, vụ ngô đầu tiên thắng lợi khi thu về gần 15 tấn ngô bông, bán cho tư thương tại rẫy thu về 35 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, bà con trong bản thường chặt gốc ngô phủ lên mặt ruộng để đốt vì nghĩ rằng làm như vậy sẽ diệt sâu bệnh cho mùa sau. Nhưng qua thực tế những lần trước theo mẹ lên rẫy, anh nhận ra đó là nguyên nhân khiến cho đất khô cằn thoái hóa, đồng thời với việc không bón phân đầy đủ nên chỉ sau hai, ba vụ ngô là bà con phải chuyển sang thửa đất khác. Học hỏi thêm cán bộ khuyến nông, anh quyết định phủ gốc cho ngô hoai, biến thành chất mùn để bảo vệ đất. Đồng thời bón phân dúi đầy đủ. Từ đó ngô năm nào cũng được mùa, năm 2013 anh thu về được 18 tấn ngô bông, thu về 54 triệu đồng. Bà con trong bản thấy cái hay, cái tốt đã học làm theo.

Nhận thấy diện tích 0,7 ha ao lâu nay vẫn nuôi cá chỉ phục vụ cho nhu cầu thực phẩm tươi của gia đình mà chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế, anh quyết tâm tìm phương pháp để tận dụng diện tích ao này. Lân la học hỏi các hộ phát triển trang trại thành công, anh anh học được nghề nuôi ếch lồng cho thu nhập cao. Không ngần ngai, anh tìm đường xuống Đô Lương – nơi cung cấp ếch giống để tìm hiểu về đặc tính và kỹ thuật chăm sóc. Năm 2010, anh bắt đầu phát triển mô hình kết hợp nuôi ếch lồng và cá trong diện tích ao. Anh tạo 3 lồng nuôi ếch với mỗi lồng gần 800 con, kích thước lồng dài 3m, rộng 2,5m, chiều sâu 1m. Trên là ếch, dưới là cá, đây là cách thức nuôi kết hợp độc đáo mang lại nhiều nguồn lợi. Thức ăn rơi vãi của ếch sẽ là nguồn thức ăn cho cá. Điều này giảm được số lượng thức ăn cung cấp cho cá, đồng thời hạn chế khả năng ao nuôi bị ô nhiễm.

Trong quá trình nuôi, anh nhận thấy ếch thường chia thành đàn, con lớn cắn con nhỏ, gây hao hụt về số lượng và chậm lớn nên anh khắc phục bằng cách tách riêng những con có kích thước tương đồng sang cùng 1 ô lồng để dễ chăm sóc. Về nguồn thức ăn cho ếch, anh tận dụng cám ngô xay cùng với cá con, giun đất băm nhỏ. Nguồn thức ăn này anh có thể tận dụng được trong trang trại mà không phải mua ngoài, đó là yếu tố tiết kiệm chi phí, hạ giá thành cho chăn nuôi. Khi đã nắm chắc khâu kỹ thuật và hiểu rõ đặc tính của ếch thì việc nuôi rất nhàn, chi phí thấp mà giá bán lại cao. Ếch là loài dễ mắc bệnh ngoài da nên cứ 15 ngày, anh lại tắm cho chúng bằng thuốc tím hoặc nước muối nồng độ 3%, việc làm này có tác dụng tiêu diệt các vi khuẩn có hại. Vì giống nuôi này chỉ phát triển tốt vào mùa nóng nên anh tận dụng khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9 để nuôi, mỗi vụ kéo dài 3 tháng là có thể xuất bán với số tiền thu về trên dưới 20 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, với số vốn tích góp được từ trồng ngô và nuôi ếch, anh phát huy nguồn vốn để nhân giống lợn đen và gà đen. Đây là hai đặc sản của vùng núi rừng miền Tây vốn được nhiều người ưa chuộng nên khi bán rất được giá. Sau một thời gian tích vốn và nhân giống, đến nay trang trại của anh đã có 200 con gà đen và gần 20 con lợn đen, khách hàng có nhu cầu đã đánh xe đến tận trang trại để chọn mua, với giá 130.000 đồng/kg lợn hơi, còn gà đen có giá 160.000 đồng/kg. Số lượng mua tăng lên những ngày lễ, tết, bán chạy nhất là vào Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy. Con nhỏ bán được 3 - 4 triệu đồng, con lớn có thể lên tới 6 triệu đồng, gấp 5 lần so với 1 con lợn thường. Mỗi năm xuất hai lứa lợn, mỗi lứa 5 con thu về lãi ròng khoảng 20 triệu đồng. Còn gà, ngoài việc cung cấp nguồn thức ăn cải thiện cho gia đình thì mỗi năm anh xuất khoảng 9 yến đến 1 tạ thu về trên dưới 6 triệu đồng.

Nhận thấy thế mạnh ở vùng núi là thức ăn tự nhiên phong phú, thích hợp cho chăn nuôi trâu bò. Mặt khác, thị trường luôn có nhu cầu cao đối với mặt hàng này, năm 2013, anh mạnh dạn đầu tư 50 triệu đồng để phát triển đàn bò, đến nay đã có 20 con. Tập quán từ xưa nay ở vùng cao nuôi bò thả rông để tận dụng nguồn thức ăn thiên nhiên, nhưng anh nhận thấy như vậy rất khó để kiểm soát được dịch bệnh cũng như số lượng đàn. Do đó, anh khoanh diện tích gần trang trại nuôi bò, cuối mỗi ngày kiểm tra và chăm sóc, đồng thời bổ sung nguồn thức ăn từ ngô. Do được chăm sóc tốt, hiện nay đàn bò tăng trưởng tốt và không bị bệnh dịch. Đến đầu năm 2015 là có thể xuất bán. Đánh giá về anh Nho, chị Xã Thị Xý, Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn khẳng định: “Hà Văn Nho là một đoàn viên trẻ và sáng tạo trong lao động sản xuất, chăn nuôi. Không chỉ gương mẫu, miệng nói tay làm trong các phong trào của địa phương, anh còn sẵn sang và luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, dìu dắt các đoàn viên thanh niên trên địa bàn cách lập nghiệp, làm giàu trên vùng đất khó”.

Bài, ảnh: Thanh Quỳnh