Dùng hàng Việt để hạn chế hàng Trung Quốc trôi nổi

26/10/2014 15:41

Ngày 25-10, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Đầu tư phát triển Công thương Miền Trung (Công ty CPĐTPT Công thương Miền Trung) đã tổ chức chương trình kết nối “Đưa hàng Việt về Hà Tĩnh và tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại Hà Tĩnh”.

Chương trình này nằm trong Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc giao Công ty CPĐTPT Công thương Miền Trung đẩy mạnh việc sử dụng, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm sản xuất trong tỉnh, góp phần hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CPĐTPT Công thương Miền Trung cho biết, công ty đang tiến hành xây dựng hệ thống buôn bán hiện đại.


Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CPĐTPT Công thương Miền Trung, thực hiện Kế hoạch của tỉnh Hà Tĩnh, công ty đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác mô hình kết hợp giữa chợ truyền thống, chợ bán buôn và trung tâm thương mại. Hiện nay, chợ truyền thống và chợ bán buôn đã thu hút hàng nghìn tiểu thương vào kinh doanh và mỗi ngày thu hút hàng chục ngàn khách hàng đến mua sắm. Cùng với sự phát triển đó, công ty đang tiến hành xây dựng hệ thống bán buôn hiện đại nhất nhằm cung cấp hàng hóa cho 173 chợ trên địa bàn Hà Tĩnh và toàn khu vực Bắc miền Trung.


Ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh phát biểu tại chương trình kết nối.


Ông Trần Nhật Tân, Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh, cho biết, hiện nay tại các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Tĩnh, tràn ngập hàng Trung Quốc trôi nổi, không có nhãn mác, hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ, đang làm méo mó thị trường. Để hạn chế tình trạng hàng hóa kém chất lượng, ngoài vấn đề kiểm soát chặt nguồn gốc vào các chợ thì Hà Tĩnh còn buộc 100% số chợ phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Việc kết nối đưa hàng Việt về Hà Tĩnh sẽ hạn chế hàng Trung Quốc trôi nổi và kém chất lượng. Để làm được việc này, Hà Tĩnh sẵn sàng bỏ chi phí để mời doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn về tìm hiểu, kết nối giao thương và đưa hàng Việt về Hà Tĩnh.

“Hà Tĩnh có 1,3 triệu dân, dân số cơ học những năm gần đây tăng nhanh với mức từ 300.000-500.000 người/năm. Đặc biệt, 40.000 lao động nước ngoài hoạt động tại dự án nhiệt điện Formosa đang tiêu thụ một lượng hàng tiêu dùng rất lớn. Những yếu tố này đang mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất hàng Việt”, ông Tân nói.




Các doanh nghiệp ký hợp đồng đưa hàng về Hà Tĩnh.


Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cho rằng, Hà Tĩnh là vùng đất mới đối với các doanh nghiệp sản xuất và phân phối phía Nam. TP. Hồ Chí Minh cũng đang hướng tới xây dựng một đầu mối trung tâm hàng hóa tại khu vực Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi tham gia đưa hàng vào hệ thống phân phối cần có thực lực về vốn, mẫu mã và chất lượng hàng hóa.

Kết thúc chương trình kết nối, 5 doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh đã ký hợp đồng với Công ty CPĐTPT Công thương Miền Trung để đưa hàng Việt về Hà Tĩnh./.

Theo kinh tế nông thôn