Thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraina: Hiệp giải lao vô thời hạn

13/12/2014 08:13

(Baonghean) - Thứ Ba, ngày 9/12, một hiệp ước ngừng bắn được ký kết giữa chính quyền Kiev và phe phiến quân ly khai thân Nga. Đến nay, hiệp ước này vẫn đang được hai bên tuân thủ, tuy nhiên, đây dường như chưa phải là cái kết cuối cùng cho cuộc giao tranh kéo dài 8 tháng nay tại miền Đông quốc gia này.

Miền Đông Ukraine trong ngày không tiếng súng.
Miền Đông Ukraine trong ngày không tiếng súng.

TIN LIÊN QUAN

Đây chỉ là một trong số rất nhiều hiệp ước ngừng bắn mà chính quyền Kiev và phe đối lập ký kết trong suốt cuộc nội chiến làm rung chuyển miền Đông Ukraina nói riêng và cả châu Âu nói chung. Điều mà cộng đồng quốc tế ghi nhận và hoan nghênh là thái độ tuân thủ của hai bên, trái ngược với những lần đơn phương hoặc song phương phá vỡ thỏa thuận trước đây. "Một ngày bình yên" - đó là cách mà người ta gọi hiệp ước mới nhất này - tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc đây chỉ là một dấu lặng ngắn ngủi trong bản nhạc chưa biết hồi kết. Trên thực tế, bàn đàm phán đáng lẽ sẽ diễn ra tại Minsk, Belarus dưới sự bảo hộ của Nga và Tổ chức vì An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) đã bị hoãn vô thời hạn. Người ta đã hy vọng đây sẽ là bước tiến đến việc giải giáp và một thỏa thuận chính trị khép lại 8 tháng nội chiến ở miền Đông Ukraina.

Nhìn lại tiến trình đàm phán chính trị giữa hai bên trực tiếp tham gia giao chiến, khởi động bằng một thỏa thuận ký ngày 5/9 ở Minsk, có thể nhận thấy tình trạng lấp lửng đã kéo dài mà không đi đến một bước chuyển nào đáng kể. Phe phiến quân nắm quyền kiểm soát vùng lãnh thổ ở phía Đông đất nước, trải dài từ Thành phố Donetsk đến biên giới Ukraina - Nga, thuộc tỉnh Lougansk. Bộ máy hành chính ở đây được tổ chức dưới hình thức "Cộng hòa dân chủ" tự xưng Donetsk và Lougansk. Ngày 2/11, lãnh đạo phe ly khai đã được dân chúng tại đây bầu chọn làm đại diện chính trị. Các nhân vật địa phương thay thế vị trí của các đại diện chính trị người Nga - đứng đầu các vùng này trong giai đoạn đầu của cuộc nội chiến (từ mùa Xuân đến tháng 8 năm 2014).

Giai đoạn này khép lại bằng thất bại của Quân đội Ukraina, sau khi lực lượng phiến quân nhận được viện trợ của Nga. Các luồng vũ khí và khí tài quân sự được Chính quyền Mátxcơva chuyển đến miền Đông Ukraina thông qua dải biên giới liên tục thuộc kiểm soát của phiến quân. Đáng lưu ý, trên tuyến biên giới này có hai điểm chốt nơi có sự hiện diện 142 quan sát viên của OSCE - chịu trách nhiệm giám sát, đảm bảo lệnh ngừng bắn được tuân thủ. Tuy nhiên, các cuộc giao chiến vẫn diễn ra giữa Quân đội Ukraina và lực lượng đối lập. Điểm nóng chiến trường là Sân bay Donetsk và khu vực lân cận - thuộc quyền kiểm soát của Kiev. Ngoài ra, còn có Debaltsevo ở phía Đông sân bay và Chastye ở phía Nam Thành phố Lougansk. Kể từ ngày 5/9, khoảng 1.000 dân thường và binh sỹ đã thiệt mạng. Thống kê tổng quát của Liên Hợp quốc đưa ra con số thương vong là 4.300 người kể từ đầu cuộc nội chiến đến nay.

Hiệp định ngừng bắn Minsk hồi tháng 9 là nền móng đàm phán chung của tất cả các bên liên quan. Trong 12 điều ước, có thỏa thuận trao đổi tù binh, và Nga rút quân và khí tài quân sự ra khỏi lãnh thổ Ukraina, bàn giao quyền kiểm soát biên giới hai nước cho chính quyền Kiev. Tuy nhiên trên thực tế, những thỏa thuận này chỉ được tuân thủ ở mức độ tương đối. Gần như ngay lập tức, thỏa thuận ngừng giao chiến đã bị phá vỡ. Để rồi nhiều lệnh ngừng bắn khác được ký kết sau đó trong sự hy vọng rồi thất vọng của cộng đồng quốc tế. Những thời điểm mà tình hình dịu đi dường như chỉ xảy ra trước thềm các cuộc tọa đàm ngoại giao quan trọng đối với Nga (Hội nghị Âu - Á và tháng 10, G20 vào tháng 11).

Nhiều cuộc gặp giữa các bên tiếp tục diễn ra tại Minsk nhưng không đi đến kết quả đáng kể nào. Đặc biệt, cuộc bầu cử do phiến quân tổ chức dường như đã dập tắt mọi hy vọng đàm phán chính trị khi kiên quyết giữ vững quyền tự chủ trên vùng lãnh thổ mà họ chiếm đóng. Đáp lại, Kiev cắt đứt mọi nguồn cung cấp cho vùng này - một tuyên bố đáp trả cho kết quả bầu cử mà Kiev chưa bao giờ công nhận. Con đường duy nhất để quay trở lại hiệp ước Minsk là phe đối lập thân Nga phải hủy kết quả bầu cử, công nhận quyền kiểm soát của chính quyền Kiev và đàm phán một dạng tự trị, tự chủ ở mức độ nào đó trong lòng quốc gia Ukraina. Ngoài ra, hai bên cũng chưa từng tuân thủ triệt để thỏa thuận trao đổi tù binh hay thiết lập vùng đệm 30 km ngăn cách hai lực lượng tham chiến.

Nối tiếp tiến trình đàm phán không mấy sáng sủa này, liệu người ta đang hy vọng điều gì ở một bàn đàm phán mởi tại Minsk? Một sự đồng thuận của hai bên về vấn đề thu và điều chuyển quân để tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn được tôn trọng. Ngoài ra, phe ly khai cũng yêu cầu đàm phán về vấn đề "dỡ bỏ cấm vận kinh tế" đối với vùng thuộc quyền kiểm soát của phe này. Tuy nhiên, với tình hình bàn đàm phán bị trì hoãn như hiện tại, những hy vọng về một bước tiến mới có lẽ cần phải gác lại, thay vào đó là hy vọng về một yếu tố có thể thúc đẩy các bên suy nghĩ, xem xét tích cực về việc ngồi lại với nhau và giải quyết triệt để tranh chấp. Nga là cái tên được nghĩ đến trước tiên, khi mà quốc gia này được nhân định chịu trách nhiệm lớn nhất cho tình trạng khủng hoảng tại Ukraina. Một loạt các lệnh cấm vận Nga đã được liên minh châu Âu và Mỹ ban hành. Mới đây, giá dầu giảm chắc chắn tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn đã bị cô lập của quốc gia này.

Ngày 7/12, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố: "Tổng thống Nga Putin đã cam kết sẽ nỗ lực để hiệp ước ngừng bắn này được tuân thủ hoàn toàn và triệt để". Để đổi lại, Pháp lặp lại quan điểm phản đối Ukraina gia nhập NATO - nguyên vọng mà chính quyền Kiev bày tỏ. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế có vẻ không mấy tin tưởng vào tuyên bố này - nhận định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhân vật khó lường. Trước khi đón tiếp Tổng thống Pháp, người đàn ông thép của Điện Kremlin đã đưa ra một tuyên bố không mấy thiện cảm với phương Tây. Trong đó, ông cáo buộc liên minh châu Âu và Mỹ đã tận dụng cuộc cách mạng Ukraina để chống lại Nga. Như vậy, cuộc khủng hoảng tại quốc gia nhỏ bé này không đơn thuần chỉ là một cuộc nội chiến, mà là cuộc đối đầu giữa hai cực của thế giới. Vậy nên, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Kiev và phe ly khai không ngồi vào bàn đàm phán một khi phương Tây và Nga vẫn chưa bắt tay hòa giải.

Thục Anh

Theo Le monde