Liệu có hình thành trục chiến lược Nga - Trung - Ấn?
(Baonghean) - Hội nghị ngoại trưởng 3 nước Nga - Trung - Ấn vừa diễn ra tuy không phải là sự kiện bề nổi, song nó lại thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi sự ảnh hưởng có tính chất chiến lược của sự kiện này. Từ kết quả của hội nghị, trong đó có việc Nga và Trung Quốc ủng hộ Ấn Độ gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), dư luận đang suy đoán về khả năng hình thành trục chiến lược Nga - Trung - Ấn dựa trên tam giác chiến lược đã được hình thành từ cách đây 10 năm. Liệu tính toán này có thành hiện thực?
Từ trái qua: Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj tại Bắc Kinh hôm 2/2. Ảnh: Reuters |
Nga - Trung Quốc - Ấn Độ muốn gia tăng tiếng nói tại khu vực và thế giới
Nhìn vào tổng thể tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp của 3 Ngoại trưởng Nga - Trung - Ấn thì có thể thấy ngay việc ba nước mong muốn phát triển quan hệ sâu rộng trong nhiều mặt. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đa phần nội dung của tuyên bố chung đề cập cam kết hợp tác giữa 3 nước trong các vấn đề khu vực và quốc tế như cam kết tăng cường và phối hợp, hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương hay việc kêu gọi “phát triển cơ chế an ninh mở, toàn diện, minh bạch và cơ chế hợp tác trong khu vực”. Tuyên bố chung cũng đánh giá “tầm quan trọng đặc biệt của sự hợp tác giữa 3 nước trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), coi đây là một trong những công cụ chủ chốt để thúc đẩy sự hợp tác đa phương về chính trị, kinh tế, an ninh và hoạt động nhân đạo trong khu vực”. Qua những nội dung này có thể thấy là thông qua cơ chế hợp tác chung, Nga - Trung Quốc và Ấn Độ không chỉ muốn thúc đẩy sự phát triển của 3 quốc gia, mà còn sử dụng cơ chế này để gia tăng tiếng nói của 3 quốc gia trong các vấn đề chung của khu vực và thế giới.
Trông đợi về mối quan hệ gắn bó hơn
Từ năm 2005, Nga - Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng chung, song cho đến nay, cơ chế hợp tác này vẫn chưa thực sự có nhiều ảnh hưởng. Nga - Trung Quốc và Ấn Độ cũng hợp tác trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRIC), tuy nhiên, trong cơ chế này, các nước chú trọng nhiều tới sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, còn chính trị thì dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Chính vì vậy, dư luận thế giới cho rằng, Hội nghị vừa qua cho thấy, Nga - Trung Quốc và Ấn Độ muốn cộng đồng quốc tế thừa nhận hiện thực địa chính trị của tam giác chiến lược Nga - Trung - Ấn và muốn đẩy cơ chế hợp tác này phát triển lên một mức mới, thậm chí có thể thành trục Nga - Trung - Ấn như một số báo quốc tế đề cập. Là 3 quốc gia có diện tích lớn nhất và có tiềm lực nhất tại châu Á và thuộc loại hàng đầu của thế giới, sự liên kết chặt chẽ hơn giữa 3 quốc gia này chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi lớn trong bầu không khí chính trị không chỉ tại khu vực mà còn ảnh hưởng trên toàn cầu. Nếu được hình thành, trục này có thể sẽ làm đối trọng đáng ngại đối với Mỹ và Liên minh châu Âu.
Liệu có hình thành trục chiến lượcNga - Trung - Ấn
Không khó để thấy rằng Nga và Trung Quốc có nhiều lý do để thúc đẩy điều này. Trong bối cảnh bị phương Tây cô lập, cấm vận, Nga đang nỗ lực mở rộng hợp tác hướng về phía Đông, để mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, vừa củng cố vị thế chính trị và tiếng nói tại khu vực và trên thế giới. Về phía Trung Quốc, rõ ràng hợp tác với Nga và Ấn Độ sẽ làm cho uy tín của Trung Quốc tăng lên, theo đó, ảnh hưởng của nước này cũng gia tăng. Tuy nhiên, với Ấn Độ thì lại không như như vậy. Khác với Nga và Trung Quốc, Ấn Độ đang có mối quan hệ rất tốt đẹp với Mỹ. Giữa Ấn Độ và Mỹ cũng không có sự mâu thuẫn lớn như giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc. Vì thế, có thể nói, trục Nga - Trung - Ấn có được hình thành hay không đang phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ. Ấn Độ biết rằng, nếu thắt chặt quan hệ với Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ của nước này với Mỹ và ngược lại. Như vậy có thể thấy ngay rằng, trục Nga - Trung - Ấn đang đặt Ấn Độ vào vị thế khó, khi phải cân bằng quan hệ giữa một bên là Mỹ và một bên là Nga và Trung Quốc. Đây có thể là một trở ngại lớn khiến Ấn Độ khó có thể hăng hái tham gia vào việc xây dựng quan hệ khăng khít hơn với Nga và Trung Quốc trong một trục quan hệ mới.
Lý do thứ hai, đó là xét về mặt chiến lược, trục Nga - Trung - Ấn cũng khó có thể được hình thành bởi ngoài mục tiêu ngắn hạn trước mắt là để giúp Nga và Trung Quốc đối trọng với Mỹ và tăng cường tiếng nói của 3 nước trên trường quốc tế, thì cả 3 nước này đều có những nghi kỵ lớn về nhau. Nga và Trung Quốc tuy khẳng định là đối tác tự nhiên, đối tác quan trọng nhất của nhau, nhưng thực tế Nga luôn e dè sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc có thể sẽ đe dọa vị thế của Nga, đặc biệt ở khu vực Viễn Đông. Nga và Trung Quốc cũng còn đang âm thầm tranh giành ảnh hưởng tại Trung Á - nơi từng được coi là địa bàn của Nga, nhưng nước này đang mất dần ảnh hưởng. Trung Quốc và Ấn Độ thì lại có tranh chấp biên giới kéo dài nhiều năm nay mà gần đây lại nổi lên căng thẳng. Vì những rào cản này, có thể thấy rằng, quan hệ Nga - Trung - Ấn khó có thể trở nên khăng khít. Bất kỳ hình thức quan hệ nào giữa 3 nước này sẽ mang tính hình thức và ngắn hạn nhiều hơn là thực chất.
Việt Nga