NSƯT Song Thao: Người đàn bà hát
(Baonghean) - Bà ngồi đó, trong cái khoảng tranh tối, tranh sáng của căn phòng khách, bên lọ hoa giả nhiều màu bụi phủ và cất tiếng hát: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi/ Gió lộng buồm mây ướm chân trời/ Biển lặng sóng thuyền em dong khơi/ Khoan giọng hò thương anh cách vời…”. Bà khiến tôi bàng hoàng bởi cái thanh âm trong văn vắt ấy, như không hề bị thời gian, tuổi tác bào mòn. Và bỗng nhiên, tôi cũng có cảm giác như bà, không phải mình đang ở trong căn phòng tranh tối tranh sáng, bên cạnh chiếc lọ hoa phủ bụi, mà là đang đứng trước biển với ngàn trùng sóng xô…
NSƯT Song Thao nói rằng, khi bà cất lên tiếng hát, bà không phải là mình nữa. Bà là cô gái đang “xa khơi” với nỗi nhớ thương khôn cùng, nỗi nhớ của người vợ ngóng chồng, của người yêu ngóng người yêu ở bờ bên kia những ngày đất nước mình chia cắt. Bà là cô gái “quê hương Lam Hồng” thoăn thoắt bước chân lên chợ tỉnh cất lời tình tứ với người con trai đang nắm vạt áo mình: “Người ơi, buông áo em ra…”. Bà là người đàn bà cô đơn những đêm đông lạnh, là người chị đang dặn dò em trước khi đi lấy chồng… Hóa thân vào từng giai điệu để nói lên tiếng lòng, bà là con tằm rút ruột gửi cho người những sợi tơ vàng óng ánh của niềm vui, nỗi buồn.
NSƯT Song Thao |
Tôi đã nhìn thấy “người đàn bà hát” ấy, lặng lẽ trong ngôi nhà của mình, như bao nhiêu người đàn bà khác, bận mải với thiên chức làm vợ, làm mẹ, làm bà. Bà giặt một chậu quần áo lớn, bà sửa lại cái đồng hồ vừa ngừng chạy, bà tất tả chợ búa, bà náo nức đón cháu ngoại đi học trở về. “Cô cứ chắc mẩm, khi về hưu, thôi mình đừng vương vấn với nghiệp diễn nữa. Nói vậy, mà mình không hề biết rằng, cái nghiệp ấy nó đã ăn vào máu thịt. Chẳng thể bỏ nổi, con à”- NSƯT Song Thao trầm ngâm nói với tôi. Bà nhớ sân khấu, và bao nhiêu ký ức, bao nhiêu niềm tiếc nhớ bỗng nhiên ùa về khi được khơi gợi…
Bà nhớ cái ngày bà là cô bé con vắt vẻo sau lưng cha đi xem tuồng ở miền quê Trung Thành, Yên Thành. Quê bà ngày ấy có nhiều gánh tuồng. Bà lại là đứa con gái độc nhất trong nhà, cha mẹ phải cầu mãi mới sinh được, nên bà được chiều chuộng lắm. Chị dâu bà “có chân” trong đội tuồng nên cũng dìu dắt em theo. 10 tuổi đã hát tuồng thạo, 12, 13 tuổi đã theo gánh tuồng của xã đi các hội diễn ở Vinh. Vì thế, bà đã “lọt mắt xanh” những nhà làm văn hóa tỉnh nhà.
Năm 1957, đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị về biểu diễn ở Yên Thành, thấy cô bé con hát hay mang tên Song Thao, đoàn có ý muốn tuyển. Thế nhưng, gia đình Song Thao không đồng ý. Với mẹ và các anh của bà (lúc này, cha bà đã mất), thì cô con gái này là báu vật của gia đình, không dễ để tuột khỏi tầm mắt. Cho đến năm 1959, khi ấy Song Thao vừa 17 tuổi, đoàn Văn công Nghệ An thành lập, nghệ sỹ Thanh Tùng lặn lội tìm về Yên Thành “xin cô bé Song Thao về gây dựng đoàn văn công”. Thương và nhớ con, mẹ và các anh bà vẫn không đồng ý. Thế là NS Thanh Tùng phải ở lại thuyết phục tới 3 ngày. Rồi chính ông lóc cóc chở Song Thao vào Vinh. Yêu nghề diễn cháy lòng, vào đoàn văn công rồi, vậy mà cô bé Song Thao ngày ấy không nguôi được nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ. Khóc, chưa đủ, cô bé còn tìm cách trốn về. “Cũng may ngày ấy, mỗi lần định bỏ về, ra tới cổng lại nhìn thấy ông đạo diễn Trung Phong, có hàm râu quai nón, nhìn dữ tướng nên lại… sợ. Rồi có chị Kim Xuân (NS Kim Xuân) luôn động viên, hàng đêm ôm chị, chị cho rúc vào nách để tìm hơi ấm như một người mẹ dù chị hơn có 2 tuổi. Còn mẹ lại cứ 2 tuần vô thăm một lần nên dần dà cũng quen”- Song Thao kể.
Ở đoàn, Song Thao vừa hát ca khúc, hát chèo, vừa diễn kịch. Đến cuối năm 1960, Song Thao được cử đi học lớp bổ túc thanh nhạc ở Hà Nội, đến năm 1961 về lại đoàn. Vai diễn đầu tiên gây dấu ấn với khán giả, cũng là vai diễn mà bà tính là “đầu tiên của nghiệp diễn xuất” chính là vai Tấm trong vở chèo “Tấm Cám” (Đoàn dựng năm 1962). Những ngày đoàn biểu diễn vở chèo tại Rạp Lam Hồng kín người xem. Song Thao đã vô cùng cảm động khi nhận ra phía dưới khán giả có một phụ nữ đã lớn tuổi ngày nào cũng đến xem bà diễn và… lặng lẽ khóc. Cuối buổi diễn, vị khán giả đặc biệt ấy tìm gặp Song Thao sau cánh gà và nghẹn ngào: “Tấm ơi, con xinh đẹp nhường kia, sao đời con chịu nhiều đau khổ vậy?”. Song Thao - cô Tấm lúc bấy giờ cũng nghẹn ngào cảm ơn và thấy trong mình dâng lên một niềm vui, mà bà tin là bất cứ diễn viên nào cũng mong muốn được trải qua: sự nhập vai rất đạt. Sau này, Song Thao có vai diễn để đời, “đóng đinh” tên tuổi của mình là vai diễn chị Nghệ trong vở kịch lừng danh “Cô gái sông Lam” của đạo diễn Nguyễn Trung Phong. Từ vở chèo gây tiếng vang với 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu toàn miền Bắc, “Cô gái sông Lam” được chuyển thể sang kịch dân ca, theo với Đoàn Dân ca Nghệ An (sau này chia tách từ Đoàn Văn công) và Song Thao tới những đỉnh vinh quang mới. Sau này, cũng chính trích đoạn của “Cô gái sông Lam” đã mang lại cho Song Thao Huy chương Vàng tại cuộc thi tiếng hát hay toàn quốc tổ chức tại Quy Nhơn năm 1982.
Người ta còn nhắc đến Song Thao là cô Hạnh trong “Đốm lửa núi Hồng” (tác giả Lương Xuân Hảo), người chị trong “Đầu bến sông” (tác giả NguyễnTrung Phong), chị Liêm trong “Không phải tôi” (tác giả Nguyễn Trung Giáp). Ngoài ra, cái tên Song Thao còn vang lên cùng những ca khúc nổi tiếng một thời như “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Trông cây lại nhớ đến Người” (Đỗ Nhuận), “Buông áo em ra” (Hoàng Thành)… Song Thao hát ở đâu, đều được cổ vũ, bắt hát đi hát lại nhiều lần. Người ta đã ví bà như con chim sơn ca, hót lên tiếng hót trong và réo rắt nhất của mình.
Tôi hỏi Song Thao những kỷ niệm về nghiệp diễn, bà mỉm cười chậm rãi: Kể sao hết chứ? Đúng, kể làm sao hết nỗi đoạn trường những năm tháng vừa nuôi con nhỏ, vừa đi diễn (một năm 10 tháng lưu diễn, 2 tháng luyện vở). Kể làm sao hết những đận bó bụng khi có bầu để diễn trên sân khấu, những lần đi diễn trên những trận địa nóng bỏng vừa dứt tiếng bom… Bà nói, có lẽ hiếm có ai được như bà, để có thể theo đuổi nghiệp diễn, mẹ bà đã theo con gái 25 năm trời để trông 5 đứa con nhỏ những khi bà đi lưu diễn xa và theo học tại Hà Nội. Và cho tới giờ, mỗi lần mưa gió, bà lại không thể nguôi quên cái kỷ niệm năm 1968 ấy, khi con gái đầu của bà chưa đầy 4 tháng tuổi, bà được cử theo học lớp Lý luận sân khấu ở Hưng Yên. Gồng gánh cả mẹ già, con nhỏ cùng theo. Lần ấy, con gái bà bị lây bệnh ho gà. Tiếng ho như xé ruột người mẹ trẻ. Có người bày cho bà kiếm lá hồng bạch và bạch diệp để trị ho. Để tìm được lá, bà mượn xe đạp từ sớm tinh mơ đi từ Hưng Yên lên Hà Nội, qua Công viên Lê-nin… hái trộm lá bạch diệp, rồi đạp xe về kịp chiều đi học. Mãi mà con không khỏi, tranh thủ được nghỉ mấy ngày, bà đưa mẹ và con lên Hà Nội trị bệnh. Lúc trở về, khi xuống ô tô đã cuối giờ chiều, từ đoạn đường quốc lộ rẽ vô trường còn gần 10 cây số, gặp đúng lúc trời mưa to gió lớn. Chỉ có một tấm ni lông nhỏ, mẹ bà nhường cho con gái bế cháu. Mẹ bà gánh đôi quang, một bên bột mỳ và một bên quần áo, chịu mưa gió. Trên con đường vắng trơn trượt hôm ấy, chỉ có bóng 2 người đàn bà và một em gái bé bỏng, xiêu vẹo trong gió thổi. Trời tối mỗi lúc một nhanh, mưa mỗi lúc một to. Cứ chờ ánh chớp lóe lên mới nhìn thấy đường đi. Đến 1 giờ sáng, 3 người về tới trường. Mẹ bà nói với bà trong nước mắt: “Nếu biết con cực như ri, không bao giờ mẹ cho con đi theo nghiệp diễn”. Bà im lặng, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, bà nghĩ, dù có thế nào đi nữa, bà cũng không xa rời ánh đèn sân khấu.
Bà nói, gian khổ, đắng cay nhưng những vinh quang nghiệp diễn của bà cũng đáng để tự hào: 2 HCV toàn quốc, 1 HCB toàn quốc, được thưởng Huy hiệu Bác Hồ, được phong danh hiệu NSƯT năm 1984. Với bà, niềm tự hào lớn nhất là 3 lần được gặp Bác Hồ, được biểu diễn phục vụ Bác, được Bác thưởng kẹo. Lần đầu vào năm 1961, khi Bác về thăm quê năm 1961, Đoàn Văn công Nghệ An được biểu diễn cho Bác xem. 2 lần sau là vào năm 1965, bà đi hội diễn ca múa nhạc toàn miền Bắc, được vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác nghe, được đi xem triển lãm cùng Bác. Năm 1969, bà ra Hà Nội để luyện tập chương trình đi biểu diễn giao lưu ở nước ngoài với hy vọng được gặp Bác thì được tin Bác mất. Lúc đó, bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” được nhạc sỹ Đỗ Nhuận cải biên từ dân ca “Giận mà thương” của Nghệ Tĩnh hoàn thành đang tìm người hát. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã gặp Song Thao, và 2 người đã có 15 phút để luyện tập, sau đó thu âm phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ngày đau thương ấy, bài hát do Song Thao thể hiện đã vang lên cùng nước mắt của biết bao người viếng Bác… Bà nói, khi bà hát bài hát ấy, nước mắt cũng đã không ngừng rơi. “Bài hát có thể chưa chuẩn về mặt kỹ thuật, nhưng nó đã vang lên bằng tất cả nỗi đau thương, kính trọng của tôi với Bác”- Song Thao nhớ lại…
Năm 1989, Song Thao rời Đoàn Dân ca, về nghỉ hưu. Bà bận mải để làm vợ, làm mẹ, làm bà như thể bao năm qua bà đã chịu ơn mọi người thân trong gia đình để được đứng trên sân khấu. Vậy nhưng, đâu có dễ mà dứt được tiếng hát. Bà bảo, mình là con chim, không thể không cất lên tiếng hót. Bà lại hăng hái tham gia các phong trào văn nghệ của địa phương, tham gia đội tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình… Và có nhiều lúc, như lúc này đây, khi có ai đến và nói rằng muốn nghe bà hát, thì tiếng hát trong vút ấy lại cất lên, như chưa hề bị thời gian bào mòn, phủ bụi. Tôi ngắm nhìn bà, trước mắt tôi không phải là bà lão tuổi 73, mà là cô gái tuổi 20 đang đứng trước biển và muốn tiếng hát của mình vượt qua nghìn trùng con sóng đến với người thân yêu…
Bài, ảnh: Thùy Vinh