Tết ấm ở Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh

17/02/2015 14:11

( Baonghean.vn)- 29 tết, đất trời hân hoan vào xuân, nhà nhà đã kịp sắm sửa cho gia đình mình mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên, trang hoàng nhà cửa để đón một cái tết an khang, thịnh vượng.Tại Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh Nghệ An đóng tại xóm 22 xã Nghi Phong ( Nghi Lộc) cũng đang đón chào mùa xuân mới với những sự chuẩn bị chu đáo đầy đủ, cho hơn 70 thương binh ở lại được đón một cái tết cổ truyền ý nghĩa ấm cúng.

Cả cán bộ trung tâm và thương binh cùng tham gia gói bánh
Cả cán bộ trung tâm và thương binh cùng tham gia gói bánh
Bánh chưng dành cho các thương binh có đầy đủ hương vị cổ truyền
Bánh chưng dành cho các thương binh có đầy đủ hương vị cổ truyền

Chúng tôi đến Trung tâm điều dưỡng thương binh tâm thần kinh khi chỉ còn một ngày nữa là 30 tết, trong khuôn viên sạch đẹp tiếng cười nói rộn rã, xua tan không khí lặng lẽ thường ngày. Ở góc sân tổ hậu cần gồm anh em cán bộ trực tết và những bệnh nhân đang ổn định về sức khỏe cùng nhanh tay gói những chiếc bánh chưng xanh để kịp cúng giao thừa. Một tốp khác thì hối hả làm thịt lợn để nhà bếp chế biến kịp phục vụ cho bữa cơm tất niên. Trong hội trường, cán bộ và một số thương binh đang trang trí cành đào xuân để đón giao thừa. Tại các khu nhà ở, các thương binh đang chăm sóc lẫn nhau: cắt tóc, cắt móng tay, phơi phong quần áo…Những thương binh nặng đang được các bác sỹ chăm sóc sức khỏe để chuẩn bị đón tết. Không khí đầm ấm như một gia đình lớn.

Anh Tuấn- Tổ trưởng tổ hậu bên đàn lợn để phục vụ thương binh ăn tết
Anh Tuấn- Tổ trưởng tổ hậu bên đàn lợn để phục vụ thương binh ăn tết

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, đời sống của thương binh, bệnh binh nặng đã vơi bớt khó khăn. Trong tiếng nói cười của tổ gói bánh, anh Nguyễn Văn Tuấn- Tổ trưởng tổ hậu cần, người đã có 21 năm gắn bó với “ làng thương binh nặng” và cứ cách 1 năm lại trực tết tại trung tâm một lần cho biết: Năm nay trung tâm tổ chức cho anh em được đón một cái tết đầy đủ với hai con lợn thịt do anh em cán bộ tự tăng gia, cá đánh bắt ở ao, rau sạch đủ loại được tận dụng trồng khắp ở những khoảng sân, vườn. Bánh chưng cũng là do chúng tôi tự gói, tự nấu lấy, vui và ý nghĩa lắm…

Còn trong gian bếp nhỏ, chị Thái Thị Thu Hà đang hối hả cùng với các chị em chuẩn bị chế biến các món ăn cho bữa cơm tất niên cùng với thương bệnh binh. Thấy chúng tôi hỏi chuyện, chị dừng tay tâm sự: Thương binh ở đây có những người đã mấy chục năm phải đón tết tại trung tâm, tâm lý ngày tết ai cũng bồn chồn, thương lắm. Bởi vậy chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức để sẻ chia, mang lại không khí tết đầm ấm cho thương binh. Năm nay, chị Hà trực tết tại trung tâm từ ngày 26- 27 đến mồng 7 tết do vậy, đứa con nhỏ phải gửi cho ông bà ở quê. Cũng có những phút chạnh lòng nhớ con nhưng chị bảo tình thương đối với thương binh vượt lên trên tết cả.

Thương bệnh binh ở trung tâm thường xuyên được ăn rau sạch do cán bộ trung tâm tự trồng
Thương bệnh binh ở trung tâm thường xuyên được ăn rau sạch do cán bộ trung tâm tự trồng
Chuẩn bị bữa cơm tất niên cho thương binh
Chuẩn bị bữa cơm tất niên cho thương binh

Ở Khu điều dưỡng thương binh tâm thần kinh, chúng tôi cảm nhận hai từ hạnh phúc thật bình dị, đó sự hy sinh giữa con người cho nhau. Những số phận nơi đây đều là những người đã đóng góp một phần xương máu cho tổ quốc, có người giờ không thể chăm sóc được bản thân, có người trong ký ức chỉ còn tiếng hô xung phong, suốt ngày giơ tay chào nghiêm theo kiểu quân đội….Tuy nhiên họ vẫn yêu thương, đùm bọc nhau bằng nghĩa tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, động viên nhau tiếp tục sống và chiến đấu trong một “trận chiến mới”, đấu tranh vượt lên chính mình, chiến thắng bệnh tật.

Y sỹ Nguyễn Hữu Trung chăm sóc sức khỏe cho thương binh Nguyễn Văn Phú
Y sỹ Nguyễn Hữu Trung chăm sóc sức khỏe cho thương binh Nguyễn Văn Phú
Thương binh Lê Đình Bằng cắt tóc cho thương binh Phan Quỳ Châu
Thương binh Lê Đình Bằng cắt tóc cho thương binh Phan Quỳ Châu
Một thương binh được cán bộ trung tâm cắt móng tay
Một thương binh được cán bộ trung tâm cắt móng tay

Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng, điều trị phục hồi chức năng cho 93 thương binh nặng,chủ yếu tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên đến từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị , trong đó chỉ có 23 người được người thân đón về quê sum họp ngày tết với gia đình, còn 70 người ở lại ăn tết tại trung tâm, đa số đều không có gia đình con cái, nhiều người không còn ai thân thích. Đối với họ trung tâm chính là mái ấm, là nơi nương tựa cuối cùng để họ được sống một cuộc sống có ý nghĩa. Thế nhưng mỗi khi đến tết xuân về, trong những giờ phút tỉnh táo hiếm hoi, trong mùi khói bánh chưng quyện vào không gian ấm cúng, nhiều thương binh cũng có những tâm tư trĩu nặng…

Ông Phạm Thành Trụ- Giám đốc trung tâm cho biết: “ Có nhiều bệnh nhân năm trước tết đến có người nhà vào thăm năm nay lại cứ trông ngóng, mỗi chiều lại ra đầu ngõ phía sau chiếc cổng sắt nhìn ra xa..”. Thấy một thương binh nữ cứ đi sau chúng tôi cười ra dấu tạo dáng chụp ảnh, ông Trụ giới thiệu: đó là chị Nguyễn Thị Hiền quê ở Nam Đàn bị bệnh ở thể tâm thần phân liệt lại bị khiếm thính nên chỉ giao tiếp với người ngoài bằng ký hiệu. Ngoài chị Hiền, Ở trung tâm còn có 12 bệnh nhân nữ, đa số đã vào đây hơn chục năm, các chị không có gia đình, vì thế xem trung tâm là nhà.

Khách đến thăm trung tâm được các thương binh chào theo kiểu nhà binh
Khách đến thăm trung tâm được các thương binh chào theo kiểu nhà binh

Chúng tôi còn có dịp trò chuyện với bác Phan Quỳ Châu SN 1956 quê ở Đức Thọ - Hà Tĩnh đã hơn chục năm nay không về quê ăn tết. Bác Châu là bệnh nhân nhẹ ở thể tổn thương thực thể lên não, vì thế ngoài những khi trái gió trở trời còn lại thì bác vẫn rất tỉnh táo. Bác cho biết: “Từ mấy ngày nay thấy các y tá thông báo sắp đến tết rồi, tết sẽ có nhiều đoàn đến thăm, vui lắm ”. Ngoài bác Châu còn có cả bác Phan Văn Trụ , bác Trần Văn Quang cũng đã gắn bó với trung tâm, xem trung tâm là nhà từ hơn hai chục năm nay. Với họ tết là ngày được sum họp được xem văn nghệ được ăn bánh chưng, chỉ bấy nhiêu thôi nhưng họ háo hức trông chờ lắm.

Phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện với thương binh
Phóng viên Báo Nghệ An trò chuyện với thương binh

Thấu hiểu và sẻ chia với hoàn cảnh của thương binh, cán bộ, nhân viên tại trung tâm luôn cố gắng để họ được sống trong một không khí tết ấm cúng như một gia đình. Đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự tri ân đối với những người đã có công với đất nước, với nhân dân. Y sỹ trẻ Nguyễn Hữu Trung, sinh năm 1990 vào làm việc tại trung tâm được 4 năm chia sẻ: “ Chúng em coi thương bệnh binh ở đây như là ông, là bác, là chú của mình. Bởi vậy, ngoài việc chăm sóc sức khỏe, chúng em thường đến từng buồng để thăm hỏi, trò chuyện mong họ vơi bớt nỗi nhớ nhà…”

Cán bộ trung tâm và thương binh trang trí cành đào đón tết
Cán bộ trung tâm và thương binh trang trí cành đào đón tết

Lịch trực tết tại trung tâm được chia làm 2 kíp, một nửa trực từ 26 đến 7 tết, một nửa trực từ mồng 7 về rằm. Đêm giao thừa cán bộ, nhân viên, bác sỹ, y tá và 70 thương bệnh binh sẽ chung vui đón tết cổ truyền tại hội trường lớn, cùng nhau hát những bài ca mừng đảng mừng xuân, cùng tiễn một năm cũ, đón chào một năm mới với những hy vọng mới…

Khánh Ly- Thanh Nga