"Con ngựa thành Troyes" có về đích ở Hy Lạp?
(Baonghean) - Thứ Tư, ngày 4/2, Ngân hàng trung tâm châu Âu (ECB) quyết định cắt một trong số các nguồn thanh khoản của Hy Lạp. Hệ lụy của quyết định này là các đàm phán giữa chính phủ của ông Alexis Tsipras và “cỗ xe tam mã” Troika bao gồm ECB, Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và Ủy ban châu Âu sẽ diễn ra sớm hơn dự định.
![]() |
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và câu hỏi khó đặt ra cho vận mệnh kinh tế - chính trị Hy Lạp. |
Chủ đích của châu Âu là gia hạn chương trình viện trợ và dành thêm thời gian đàm phán với Hy Lạp về các điều khoản của một bản “hợp đồng” mới: cải cách, nợ công, tỷ lệ bồi hoàn…Thứ Năm, ngày 5/2, sau tuyên bố của ECB, dường như áp lực lên các nước châu Âu về việc nhanh chóng giải quyết “vấn đề Hy Lạp” càng trở nên nặng nề và cấp thiết hơn, dù không thể phủ nhận quyết định này có khả năng khiến tình hình chuyển biến tích cực.
Một nguồn tin từ Brussels cho biết: “Ông Tsipras sẽ nhanh chóng hiểu ra rằng mình không có quá nhiều sự lựa chọn và rằng tôn trọng các đối tác châu Âu là điều cực kỳ cần thiết. Họ sẵn sàng giúp đỡ Hy Lạp nhưng đổi lại, Hy Lạp phải nhận thức được rằng một số quốc gia, Đức chẳng hạn, đang giữ quan điểm lập trường rất cứng rắn và chính Hy Lạp phải chủ động xích lại gần”.
Từ nay đến ngày 28/2, tức 3 tuần nữa, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải đi đến thống nhất với các chủ nợ của mình để khép lại chương trình hỗ trợ tài chính thứ hai mà Hy Lạp được thụ hưởng, với nguồn vốn lên đến 130 tỷ euro và được kích hoạt từ năm 2012. Sau khi khép lại gói hỗ trợ này, Hy Lạp mới được nhận gói hỗ trợ thứ ba với tổng mức khoảng 3,6 tỷ euro, nhưng với điều kiện là phải áp dụng một loại các cải cách mà Troika đề ra.
Trong đó, có cả chủ trương tiếp tục cắt giảm biên chế bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, ít khả năng Hy Lạp “kích hoạt” được gói hỗ trợ thứ ba, bởi chính phủ trước đó của ông Antonis Samaras chưa bao giờ tìm được tiếng nói chung với Troika trong kết luận của gói hỗ trợ thứ hai. Thế nên, các quốc gia châu Âu nhìn nhận vấn đề cực kỳ thực tế khi nhận định hoàn thành đàm phán trong vòng 3 tuần là điều không tưởng. Nhất là với một chính phủ chỉ mới lên nắm quyền được vẻn vẹn 15 ngày. Trong trường hợp đó, Hy Lạp sẽ phải đối mặt với khó khăn tài chính lớn vì không nhận được gói viện trợ tiền tỷ nêu trên và chỉ còn có thể trông chờ vào một thay vì hai nguồn thanh khoản.
Trước dự đoán này, các chủ nợ của Hy Lạp đã mở ra giải pháp “gia hạn về mặt kỹ thuật” chương trình hỗ trợ, trong khoảng 4 đến 5 tháng để khép lại gói hỗ trợ thứ hai. Đó là thông điệp mà Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã phát đi hôm thứ Tư, ngày 4/2 nhân cuộc gặp với ông Alexis Tsipras tại Brussels.
Thứ Năm, ngày 5/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã khẳng định lại quan điểm tương tự với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nhân dịp ông này có chuyến thăm Berlin. Điều khiến cả châu Âu lo ngại là “Ông Tsipras và ông Varoufakis vẫn chưa nhận thức được rằng Hy Lạp đang trong tình thế “dao kề cổ”, nếu họ hiểu được điều đó thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nếu không, tất cả sẽ đi vào ngõ cụt”. Ngoài ra, ông Juncker cũng nhấn mạnh với ông Tsipras rằng cuối tuần này, trước Nghị viện Hy Lạp, ông Tsipras sẽ phải tuyên bố rằng quốc gia này tuân thủ các cam kết đã thoả thuận với các đối tác châu Âu.
Có thể nói, vấn đề Hy Lạp khá mâu thuẫn khi mà chính các chủ nợ đang hối thúc Hy Lạp tiếp tục thụ hưởng các gói hỗ trợ. Trên thực tế, Hy Lạp đóng vai trò chủ động quyết định liệu có kích hoạt gói hỗ trợ mới hay là không, bởi cần có đề nghị chính thức từ quốc gia xin vay thì mới có thể gia hạn chương trình hỗ trợ. Vậy thì, tại sao Hy Lạp lại từ chối một “ly rượu mừng” ngon lành đến như vậy? Là bởi không có cái gì là miễn phí: Tiếp tục nhận hỗ trợ từ châu Âu đồng nghĩa với việc chấp nhận “sự giám sát” của Troika trong vòng nhiều tháng nữa.
Như vậy, quyết định này không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính, kinh tế mà còn tác động đáng kể đến chính trị. Nhất là khi toàn bộ chiến dịch vận động tranh cử của ông Tsipras đều dựa trên chủ trương tố cáo sự hà khắc và “độc đoán chuyên quyền” của Troika. Thứ Hai, ngày 9/2 sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ trước Nghị viện Hy Lạp và đó sẽ là thời hạn cuối cùng để ông Tsipras đưa ra quyết định sau chót: đề nghị gia hạn viện trợ hay là không?
Nếu Hy Lạp phát đi tín hiệu cho thấy “hiểu được vấn đề và sự kỳ vọng” của các quốc gia châu Âu, Eurogroup - tập hợp các Bộ trưởng tài chính của khu vực đồng euro - sẽ được triệu tập bất thường, khả năng là vào ngày 11/2. Ngày này đã được Brussels lên lịch từ suốt tuần nay nhưng “Khi nào mà người Hy Lạp vẫn chưa phát đi tín hiệu tích cực, triệu tập họp cũng chẳng có ý nghĩa gì”.
Mục đích chính cuộc họp hướng đến sẽ là “dọn đường” cho các quốc gia khu vực euro trước khi đi đến những quyết định chính trị. Đồng thời, đây cũng là nền tảng cho cuộc họp Ủy ban châu Âu không chính thức triệu tập các lãnh đạo đến từ 28 quốc gia EU - dự định ban đầu là để bàn về Ukraina và cuộc chiến chống khủng bố - với cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk ở ghế chủ trì. Nên nhớ rằng Ba Lan không thuộc khu vực đồng euro, thế nên triệu tập Eurogroup chính là dịp để các quốc gia khu vực đồng euro ngồi lại với nhau, xác định phương hướng và lợi ích chung, liên đới trực tiếp đến mỗi thành viên cụ thể. Sau đó, ngày 16/2 sẽ diễn ra cuộc họp định trước của Eurogroup - sự kiện mang tính quyết định cho việc dừng gia hạn viện trợ đối với Hy Lạp.
Như vậy là trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ đó cho đến cuối tháng 2, nếu Hy Lạp yêu cầu gia hạn, quyết định chính thức sẽ phải được thông qua bởi Nghị viện của các quốc gia thành viên để được công nhận có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý là Đức và Phần Lan, hai quốc gia đang giữ lập trường quan điểm khá cứng rắn với vấn đề Hy Lạp.
Khó có thể hy vọng vào một bàn đàm phán thành công trong khoảng thời gian nước rút như thế này, nhất là khi mà Đức và Hy Lạp công khai không bằng mặt cũng chẳng bằng lòng với nhau. Tại chuyến thăm Berlin ngày 5/2, Đức thẳng thừng từ chối việc xoá nợ cho Hy Lạp và cũng không muốn lật lại vấn đề tiếp tục các chương trình hỗ trợ.
Rõ ràng Hy Lạp đang ở trong một tình thế khá “éo le” khi mà nước này tuyên bố tình trạng nợ nghiêm trọng của mình, nhưng không muốn viện trợ mà chỉ yêu cầu các quốc gia châu Âu xoá nợ. E ngại một sự phụ thuộc, can thiệp quá sâu của Troika - một “con ngựa thành Troyes” trong tài chính và chính trị? Nhưng “con ngựa” ấy đã đi hơn nửa chặng đường với hai gói hỗ trợ cực kỳ lớn, và bây giờ sẽ không hề dễ dàng nếu Hy Lạp muốn cắt đứt mối ràng buộc này. Một điều chắc chắn là, vấn đề Hy Lạp sẽ không thể giải quyết sớm được, khi mà châu Âu và Hy Lạp chỉ “có cùng quan điểm là chúng tôi không có cùng quan điểm với nhau”, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schauble tuyên bố gọn lỏn sau khi gặp mặt đối tác người Hy Lạp.
Thục Anh (Theo Le Monde)
TIN LIÊN QUAN |
---|