Chuyện người mở đường
(Baonghean) - Cả cuộc đời ông đã cống hiến trọn vẹn cho đất nước. Khi còn trong quân ngũ, ông cùng đồng đội làm nên huyền thoại đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn. trở về quê hương, ông lại là người tiên phong tự bỏ kinh phí làm đường bê tông, kéo đường điện cho xóm làng. Tôi mạo muội gọi ông là “người mở đường - Phạm Đức Lý”.
CCB Phạm Đức Lý (thứ 2 từ phải sang) giới thiệu với các CCB cuốn sách viết về truyền thống của đơn vị. |
Ký ức Trường Sơn
“Lâu rồi không nhắc tới chuyện chiến trường, giờ anh gợi lại thấy bồi hồi, xúc động quá!”- Cựu chiến binh (CCB) Phạm Đức Lý mở đầu câu chuyện hào hùng, bi tráng một thời bằng những xúc cảm chân thành. Ông nhìn ra khoảng sân bình dị với cây trái sum suê, trĩu quả, ánh mắt xa xăm nhớ về những cung đường lửa đạn năm xưa gắn bó với một thời tuổi trẻ oanh liệt. Sinh ngày 2/9/1950, ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương trong dòng họ Phạm Đức nổi tiếng. Năm 1968, trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 668, là tiểu đoàn đường ống đầu tiên được thành lập vào ngày 17/8/1968.
Trong thời gian làm đường ống, phục vụ chiến đấu vô cùng gian truân và khốc liệt. Những ngày tháng đó, ông nhiều lần bị thương, nặng nhất là lần ở Lào vào năm 1972. Hồi ức về chiến trường của CCB Phạm Đức Lý không chỉ có những gian khổ, hy sinh, mất mát mà còn có cả những kỷ niệm hạnh phúc mà giờ nhắc lại niềm vui vẫn còn ánh lên trong ánh mắt của người lính già. Đó chính là mối lương duyên với cô gái quê Thủy Nguyên (Hải Phòng) cùng đơn vị, để rồi cùng nên duyên vợ chồng. Niềm tự hào khác của ông, đó chính là với những chiến công xuất sắc, ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vào ngày 18/10/1970, ngay trên chiến trường khốc liệt. Đơn vị của ông, tức Tiểu đoàn 668 cũng là đơn vị được vinh dự phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1973.
Sau khi đất nước hòa bình, ông Đức tiếp tục học sỹ quan xăng dầu, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Lào cho đến năm 1988. Tiếp đó, làm Trung đoàn phó kiêm Chủ nhiệm hậu cần Trung đoàn 662, Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần, rồi sau đó về làm Trung đoàn phó kỹ thuật hậu cần, Trung đoàn 654, Cục Hậu cần Quân khu IV. Đến 2004, ông nghỉ hưu sau gần 40 năm theo nghiệp lính với bao huân, huy chương được Đảng, Nhà nước và nước bạn Lào trao tặng…
Trách nhiệm với xóm làng
Đó là câu nói của ông Lê Văn Tùng, hàng xóm của gia đình CCB Phạm Đức Lý chia sẻ khi dẫn tôi đi thăm con đường bê tông dài 300m, khang trang, rộng rãi nối từ đầu đến cuối làng với hàng cột điện bê tông vững chãi, kéo bằng dây bọc an toàn, gọn gàng. “Trước đây, con đường đi qua xóm 5 này chỉ rộng hơn 1m, đường xuống cấp, đi lại cực kỳ khó khăn. Nhất là vào mùa mưa, đi lại lấm lem hết bùn đất. Còn nguồn điện thì yếu, phập phù. Nhưng từ khi ông Lý bỏ kinh phí giúp làm đường bê tông; mua cột điện, kéo dây vào tận trong xóm nên tất cả những bất tiện ấy đều được khắc phục. Chúng tôi thực sự biết ơn ông Lý”, ông Tùng vui vẻ chia sẻ.
Sau khi nghỉ hưu, ông tham gia làm kinh tế ở TP. Vinh và Hà Nội một thời gian rồi về nghỉ tại nhà ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương vào năm 2013. Quê hương ông vẫn là một xã nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo trên 14,3%. Thấu hiểu được những khó khăn đó của quê hương, CCB Phạm Đức Lý đã tự nguyện bỏ ra gần 70 triệu đồng để làm đường bê tông cho xóm, chi phí thêm khoảng 6 triệu đồng để mua 3 cột điện bê tông thay cột điện bằng tre, gỗ, kéo dây, giúp gần 20 hộ sống dọc tuyến đường thoát khỏi cảnh lưới điện chập chờn. “Tôi cũng chỉ tâm niệm rằng, mình là người con của quê hương. Vào sinh ra tử hết chiến trường này đến chiến trường khác nhưng may mắn hơn nhiều đồng đội khác là sống sót trở về. Giờ nghỉ hưu làm con đường, kéo đường dây điện đâu phải riêng xóm làng được hưởng mô, cả gia đình mình cũng được hưởng lợi”, ông Lý khiêm tốn cho biết.
Nhật Lệ