Nga bất ngờ hạ lãi suất, Rúp lại mất giá mạnh

31/01/2015 09:57

Ngân hàng Trung ương Nga hôm qua (30/1) bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản đồng Rúp trong bối cảnh lo ngại về nguy cơ suy thoái ở nước này tăng cao do giá dầu giảm sâu và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trước khi diễn ra động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga, thị trường hầu như không lường trước được việc lãi suất đồng Rúp sớm được đưa về mức thấp hơn - Ảnh: Bloomberg.
Trước khi diễn ra động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga, thị trường hầu như không lường trước được việc lãi suất đồng Rúp sớm được đưa về mức thấp hơn - Ảnh: Bloomberg.

Đồng Rúp rớt giá chóng mặt sau động thái này.

Theo tin từ Reuters, Ngân hàng Trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất 2 điểm phần trăm, xuống còn 15%. Cách đây hơn 1 tháng, cơ quan này cũng gây bất ngờ khi tăng lãi suất từ 6,5% lên 17% để ngăn đà lao dốc của tỷ giá đồng Rúp.

Trước khi diễn ra động thái hạ lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga, thị trường hầu như không lường trước được việc lãi suất đồng Rúp sớm được đưa về mức thấp hơn.

Ngay sau khi tuyên bố hạ lãi suất được phát đi, tỷ giá đồng Rúp có lúc sụt hơn 4% so với đồng USD, còn gần 72 Rúp đổi 1 USD, thấp nhất trong 1 tháng rưỡi. Giữa tháng 12 năm ngoái, đồng Rúp từng rớt giá xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử là hơn 80 Rúp đổi 1 USD.

Giới quan sát nhận định, động thái của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy sự dịch chuyển ưu tiên từ chống lạm phát và bảo vệ tỷ giá sang hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Cơ quan này dự báo, các hoạt động kinh tế của Nga sẽ giảm mạnh trong những tháng sắp tới.

Động thái trên cũng làm dấy lên những đồn đoán cho rằng thay đổi gần đây về nhân sự cấp cao của Ngân hàng Trung ương Nga đã dẫn tới chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn. Không loại trừ khả năng Ngân hàng Trung ương Nga đã phải chịu sức ép từ điện Kremlin cũng như hoạt động vận động hành lang của các ngân hàng và doanh nghiệp.

“Quyết định giảm lãi suất 2 điểm cơ bản ngày hôm nay nhằm mục đích cân bằng mục tiêu chống lạm phát và phục hồi tăng trưởng”, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina phát biểu trong một tuyên bố. Bà Nabiullina cũng nói rằng, lãi suất đồng Rúp vẫn đang ở mức đủ cao để Nga đạt mục tiêu lạm phát trong trung hạn.

Tổng thống Vladimir Putin không đưa ra bình luận gì sau động thái này của Ngân hàng Trung ương Nga. Điện Kremlin phủ nhận đã gây ảnh hưởng lên quyết định của Ngân hàng Trung ương.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố ủng hộ việc cắt giảm lãi suất. Theo ông Siluanov, Ngân hàng Trung ương Nga có lý do hợp lý để cho rằng thị trường tiền tệ đã được kiểm soát.

“Quyết định hạ lãi suất có vẻ như bị chi phối bởi yếu tố chính trị, bởi đây là một động thái cho thấy Ngân hàng Trung ương Nga đang lo ngại về rủi ro trong ngành ngân hàng. Dường như Ngân hàng Trung ương Nga đã bị buộc phải làm vậy”, ông Nicholas Spiro, Giám đốc điều hành công ty Spiro Sovereign Strategy ở London, nhận xét.

Đầu tháng này, bà Ksenia Yudayeva, người đứng đầu bộ phận chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga, đã bị thay thế bởi ông Dmitry Tulin. Bà Yudayeva là một nhân vật mạnh tay trong chống lạm phát, trong khi ông Tulin là người kêu gọi hạ lãi suất.

Sự dịch chuyển chính sách đầy bất ngờ có thể cũng phản ánh rằng, Nga đang nhận ra nền kinh tế nước này đang có nguy cơ hạ cánh cứng khi giá dầu giữ ở mức thấp và tình hình Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp.

Dữ liệu công bố mới đây cho thấy, tiền lương thực tế ở Nga trong tháng 12 vừa qua giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi thu nhập khả dụng thực tế giảm 7,3%. Những con số này là “điềm xấu” cho kinh tế Nga trong những tháng sắp tới.

Ngân hàng Trung ương Nga dự báo GDP sẽ giảm 3,2% trong nửa đầu năm 2015, sau khi tăng 0,6% trong năm 2014.

Cơ quan này nhận định lạm phát của Nga có thể giảm trong trung hạn, nhưng ngầm thừa nhận rằng lạm phát sẽ giữ ở mức hai con số trong năm nay khi dự báo lạm phát sẽ xuống dưới mức 10% vào tháng 2/2014. Lạm phát của Nga hiện ở mức 13,2%, từ mức 11,4% trong tháng 12 năm ngoái.

Theo VnEconomy

TIN LIÊN QUAN