Những toan tính chiến lược trong quan hệ Nga - Ấn

11/12/2014 09:19

(Baonghean) - Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimia Putin đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, trong bối cảnh phương Tây đang bao vây trừng phạt Nga còn Ấn Độ thì nổi lên như một đối tác quan trọng của nhiều cường quốc thế giới. Sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ không chỉ nằm trong những toan tính chiến lược song phương, mà còn liên quan đến các trục quan hệ quốc tế khác..  

(Baonghean) - Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga Vladimia Putin đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, trong bối cảnh phương Tây đang bao vây trừng phạt Nga còn Ấn Độ thì nổi lên như một đối tác quan trọng của nhiều cường quốc thế giới. Sự hợp tác giữa Nga và Ấn Độ không chỉ nằm trong những toan tính chiến lược song phương, mà còn liên quan đến các trục quan hệ quốc tế khác..

Đối với Nga, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Putin diễn ra trong thời điểm tình hình địa chính trị nhạy cảm. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga với phương Tây căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga đang cân nhắc lại chính sách chiến lược trong tương lai và xu hướng tăng cường củng cố liên kết với châu Á là một trong những chính sách đối ngoại nổi bật mà chính quyền của Tổng thống Putin đang hướng tới. Ngoài việc “sát lại” gần hơn với Trung Quốc trong thời gian qua, thì Nga cũng không quên một nước lớn trong khu vực đó là Ấn Độ. Trong khi đó, nền tảng quan hệ hai nước Nga - Ấn lại khá bền chặt.

TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ấn Độ và Nga từng là những đồng minh gần gũi từ thời chiến tranh lạnh, cũng không xảy ra mâu thuẫn hay bất đồng lớn nào trong nhiều năm qua và hiện nay lại có quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt. Hiện Ấn Độ cũng là một quốc gia có vị thế trong không gian chiến lược châu Á, được nhìn nhận rộng rãi như một “cổ đông” có trách nhiệm và ôn hòa trong an ninh châu Á và toàn cầu. Do đó, thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ có thể xem là nằm trong chiến lược hướng tới châu Á của Nga. Tăng cường hợp tác với Ấn Độ sẽ giúp Nga đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế trước sức ép cô lập từ phương Tây. Trước mắt, Nga sẽ tận dụng những lợi thế và tiềm năng của Ấn Độ để thắt chặt hơn nữa hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại song phương.

Hiện Ấn Độ là bạn hàng lớn của Nga về năng lượng, vũ khí và nhiều mặt hàng khác. Tham vọng của Tổng thống Putin là trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Á. Và Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng, một quốc gia rất “khát năng lượng” phục vụ cho kế hoạch thúc đẩy kinh tế. Đó cũng là lý do trong chuyến thăm này Tổng thống Nga đề xuất muốn tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong các dự án về dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và xây dựng thêm các cơ sở điện hạt nhân tại quốc gia Nam Á này. Dự kiến hai bên có thể sẽ ký kết từ 15 - 20 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng hạt nhân, hải quan và ngân hàng, tài chính.

Trong khi đó, về phía Ấn Độ, mặc dù New Delhi hiện nay không còn coi Moscow là một đồng minh như trong thời chiến tranh lạnh, nhưng vẫn có nhiều lý do để Ấn Độ tăng cường hợp tác với Nga. Trước hết, Nga là một nước lớn và là quốc gia luôn ủng hộ lập trường của Ấn Độ về vấn đề Cashmia trong thời kỳ chiến tranh lạnh và hiện nay hai nước cũng có chung quan điểm trong cách giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu như Afghanistan, chương trình hạt nhân Iran hay cuộc chiến chống khủng bố. Hơn nữa Nga lại là một nhà cung cấp năng lượng, công nghệ hạt nhân và vũ khí quan trọng cho Ấn Độ. Lý do nữa là Ấn Độ đang quan tâm đến việc Nga và Trung Quốc tăng cường củng cố mối quan hệ trong thời gian gần đây. Chính vì thế Ấn Độ không muốn “đứng ngoài cuộc” trong “tam giác” chiến lược Nga -Trung - Ấn - vốn là một trục quan trọng trong mối quan hệ quốc tế.

Một lý do nữa theo các nhà quan sát, Ấn Độ cũng quan tâm đến cách tiếp cận của Tổng thống Putin đối với vấn đề Pakistan - quốc gia láng giềng và hiện hai bên cũng đang tồn tại nhiều mâu thuẫn. Trong chuyến thăm lần đầu tiên của một Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới Pakistan (kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh) trong tháng 11 vừa qua, hai bên đã ký kết một thỏa thuận hợp tác quân sự nhấn mạnh việc hợp tác chống khủng bố và ổn định tình hình Afghanistan, thỏa thuận về việc Nga bán máy bay chiến đấu hiện đại cho Afghanistan… Điều này chắc chắn khiến cho Ấn Độ phải tính toán khi nhận thấy sự thay đổi linh hoạt trong chiến lược của Nga.

Ở một khía cạnh khác, dễ dàng nhận ra rằng Ấn Độ đang thực hiện chính sách đối ngoại theo hướng độc lập và tự chủ hơn với mục tiêu là thực hiện chiến lược cân bằng với các nước lớn. Vì vậy, bên cạnh việc “kết thân” với Mỹ hay Nhật Bản, Ấn Độ cũng không muốn làm “mất lòng” Nga. Đó là những lý do mà Ấn Độ nhận thấy cần có sự hợp tác cũng như thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ với Nga. Việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mời Tổng thống Nga Putin thăm Ấn Độ giữa lúc quan hệ giữa Nga và phương Tây căng thẳng, là bằng chứng cho thấy Nga vẫn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước này.

Chắc chắn quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt Nga - Ấn sẽ tạo nên những đòn bẩy cho Nga trong khu vực và toàn cầu. Mối quan hệ này cũng sẽ giúp Ấn Độ cân bằng trong chính sách đối ngoại với các nước lớn. Xem ra, trong môi trường toàn cầu hiện nay, Nga cần Ấn Độ và Ấn Độ cũng cần Nga.

Thanh Huyền