Vang mãi lời Người

15/02/2015 14:18

(Baonghean) - Riêng với “Quê hương nghĩa trọng tình cao”, trước lúc ra đi, Người đã gửi Bức thư cuối cùng cho Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An (ngày 21/7/1969). Suốt gần nửa thế kỷ qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An coi đó là Di chúc thiêng liêng, là “kim chỉ nam” để Nghệ An phấn đấu trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc.

Trước lúc đi xa, bác hồ để lại một bản Di chúc mà toàn Đảng, toàn dân từ đó đến nay vẫn gọi là “Bản Di chúc thiêng liêng”. Bởi lẽ, bản Di chúc đó nói đến vận mệnh của Đảng, của đất nước có giá trị to lớn xuyên suốt không chỉ thời điểm đó mà cả lâu dài về sau. Suốt 45 năm Người rời xa chúng ta là bấy nhiêu thời gian thôi thúc toàn Đảng, toàn dân nỗ lực thực hiện tốt những lời căn dặn của Bác.

Bác Hồ về thăm quê hương Nam Đàn (năm 1957). Ảnh tư liệu
Bác Hồ về thăm quê hương Nam Đàn (năm 1957). Ảnh tư liệu

Nghề báo đã cho tôi đi khắp các miền quê của vùng đất Nghệ An và cảm nhận được sự thay đổi lớn lao của mảnh đất được mệnh danh là “rát bỏng gió Lào”. Nghệ An vốn là một tỉnh thiếu đói triền miên, hàng năm phải nhận hỗ trợ gạo của Trung ương cấp. Những người có chế độ tem phiếu thường phải ăn gạo độn khoai, độn ngô, mì hạt. Thậm chí cả tháng trời chỉ ngô, bột mì chế biến thành nhiều dạng thực phẩm để ăn. Bây giờ, những câu chuyện của thời khó khăn đã thành “cổ tích”. Sau 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, Nghệ An đã phấn đấu để lương thực đạt trên 1,2 triệu tấn/năm, không chỉ đảm bảo nhu cầu đời sống của hơn 3 triệu dân mà còn phục vụ phát triển chăn nuôi và công nghiệp chế biến.

Đi về các miền quê, đâu đâu cũng cảm nhận được sự trù phú, những cánh đồng thẳng cánh cò bay nối liền một dải, bởi kết quả của cuộc cách mạng “Dồn điền, đổi thửa”. Vừa quyết tâm duy trì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp Nghệ An đang trên đà phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao, gắn với liên doanh, liên kết “4 nhà” để tạo ra giá trị sản xuất cao hơn. Trên diện tích trồng lúa đã có sự chuyển đổi tích cực về cơ cấu, theo hướng tập trung sản xuất lúa chất lượng cao với trên 60.000 héc-ta ở các địa phương: Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn... Đã xuất hiện một số thương hiệu gạo xứ Nghệ thơm ngon được người tiêu dùng biết đến, như AC5, DT68, VTNA2, lúa thảo dược....

Diện tích đất màu trồng ngô, khoai, sắn, đậu, lạc trước đây, được chuyển đổi thành những vùng sản xuất rau màu hàng hóa tập trung ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn... Trên các tuyến đường giao thông dọc những huyện miền núi cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương... không còn những chuyến xe chở nặng các loại rau xanh từ miền xuôi lên, bà con đã tự sản xuất phục vụ nhu cầu tại chỗ. Con số 380 trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, nhất là trang trại chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp của các Công ty CP Sữa TH, Vinamilk là minh chứng sống động về ứng dụng KH&CN cao vào sản xuất nông nghiệp. Những vùng cây công nghiệp tập trung gắn với chế biến, như mía, sắn, chè, cao su, cam, dứa... báo hiệu nàng tiên núi rừng miền Tây Nghệ An đã bừng tỉnh. Những đổi thay diệu kỳ, cho thấy đang dần hiện hữu một Nghệ An phát triển đồng đều giữa miền núi và đồng bằng, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng đang được rút ngắn như sinh thời Bác Hồ mong muốn.

Công nghiệp với các dự án, lĩnh vực mà Nghệ An có lợi thế tiếp tục phát triển như sữa tươi, đồ uống - bia, may mặc, xi măng, gạch quy chuẩn... Những dự án lớn phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại... đã, đang và sẽ khởi động hứa hẹn tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư. Những công trình cầu, đường hiện đại được xây dựng và đưa vào sử dụng tạo nên một diện mạo mới về hạ tầng cơ sở. Những tuyến giao thông thủy, bộ, hàng không chính là sự kết nối hữu hiệu giữa các địa phương, vùng, miền trong tỉnh; giữa Nghệ An với các tỉnh và quốc tế. Điều đó đã tạo thành động lực, là điều kiện để Nghệ An tăng tốc nhanh hơn...

Bên cạnh “nội lực” của tỉnh là nguồn “ngoại lực” rất lớn, tạo sức mạnh tổng hợp để Nghệ An thực hiện Di chúc của Bác Hồ dành cho quê hương. Kết luận 20/KL-TW, ngày 2/6/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Nghị quyết số 26/NQ-TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và các quyết định về quy hoạch, phát triển đô thị, phát triển kinh tế, xã hội các vùng, miền... của Chính phủ, có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra đường hướng, cơ chế, chính sách để Nghệ An phát triển toàn diện, bền vững.

Để làm nên sự thay đổi mạnh mẽ của tỉnh nghèo Nghệ An, đó còn là việc phát huy dân chủ mà đã luôn được các cấp, các ngành đề cao, là nền tảng tạo ra sức mạnh và sự đồng thuận để phấn đấu vì mục tiêu chung, xây dựng Nghệ An phát triển. Các định hướng, chương trình phát triển lớn của tỉnh hay mỗi địa phương đều được lấy ý kiến góp ý, phản biện trong cán bộ, đảng viên, cán bộ lão thành, các nhà khoa học, các tổ chức chính trị, xã hội... Các nghị quyết, đề án của cấp ủy đảng các cấp được xây dựng từ chi bộ, với sự tham gia trực tiếp của cán bộ, đảng viên và người dân. Trước mỗi kỳ họp HĐND các cấp, thông qua đại biểu HĐND, các chương trình, nội dung được thảo luận, quyết nghị tại kỳ họp đều được thông báo rộng rãi và xin ý kiến cử tri.

Đặc biệt, các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước đều được chuyển tải tới nhân dân. Nhờ thực hiện tốt công tác dân chủ với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi” mà nhiều chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh xây dựng cơ sở hạ tầng... đã triển khai hiệu quả. Như chương trình xây dựng NTM, thời gian đầu mới triển khai có những tiêu chí tưởng như khó có thể đạt được, nhưng kết quả, đến hết năm 2014 có 33 xã về đích NTM. Nhiều xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí, đây là cơ sở để Nghệ An hoàn thành mục tiêu Chính phủ đặt ra, đến năm 2015 có 20% số xã đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn Nghệ An theo đó có nhiều khởi sắc. Những kết quả trên đang tạo ra thế và lực mới để Nghệ An phát triển nhanh trong thời gian tới.

Điểm lại những thành tựu, cũng như là để báo cáo với Bác Hồ kính yêu, suốt 45 năm Người rời xa, là bấy nhiêu thời gian toàn Đảng, toàn dân nỗ thực thực hiện lời Bác dạy. Đến nay, Nghệ An đã “khôi phục và phát triển kinh tế”; đời sống của nhân dân đã “hết sức được chăm lo”; việc “dân chủ với nhân dân” được “tích cực thực hiện”. Có được những kết quả đó là do hội tụ được sức mạnh tổng hợp của chặng đường 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ và cũng là sự nhắc nhớ về lời Bác dặn dò, động viên, cổ vũ những thành công mà Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đạt được trong chiến đấu, trong lao động sản xuất ngay từ đầu bức thư: “Cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu, mệnh lệnh, cố gắng đi sát nhân dân để tổ chức vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu ghi dấu mốc chặng đường 45 năm, nhưng soi vào Di chúc, vẫn còn nhiều việc Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà phải làm, đó là chưa thực hiện được mong muốn của Người: “Xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Trăn trở trước những hạn chế, những chương trình, kế hoạch, mục tiêu còn chưa tới đích, đặc biệt là câu hỏi “Sắp tới phải làm gì?” trong bức thư của Bác Hồ gửi quê hương 45 năm trước. Đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Để tiếp tục thực hiện và hoàn thành di nguyện của Người, mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020 của tỉnh Nghệ An là phải quyết tâm thực hiện bằng được Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về Nghệ An, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của miền Bắc.

Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ đặt ra là phải tập trung vào 4 trụ cột kinh tế chính: Thứ nhất là tạo ra chuỗi giá trị nông - lâm - ngư, thay đổi chất lượng nông nghiệp gắn với công nghiệp, tạo ra hàng hóa để xuất khẩu, nhất là khai thác hiệu quả hơn tiềm năng miền Tây, gắn với chế biến chè, chanh leo, cao su, cam. Thứ 2 là lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch, thương mại, bao gồm dịch vụ y tế, du lịch, giáo dục - đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nhân lực lao động. Thứ 3 là phát triển công nghiệp công nghệ cao đảm bảo đúng xu hướng phát triển vừa tạo đột phá, vừa bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp chế biến khai khoáng, công nghiệp nặng như xi măng, thủy - nhiệt điện, công nghiệp chế tạo máy... Thứ 4 là tiếp tục tạo bước đột phá về hạ tầng trọng yếu, gồm cảng hàng không, cảng biển, hạ tầng giao thông...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ, những việc cần phải làm ngay của Nghệ An hiện nay là: Cải cách hành chính, tạo môi trường, động lực để phát triển. Nâng cao nhận thức về tư tưởng, đổi mới tư duy, phát huy dân chủ, đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp. Xây dựng cơ chế, chính sách, quan tâm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Gắn thực hiện Di chúc của Bác với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình học tập và làm theo Bác, gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo, từ đó tạo ra nhiều điểm sáng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành phong trào thực chất, hành động tự giác trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đặc biệt mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu từ trong cách ứng xử, trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chính quyền các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp, từ đó biến khó khăn thành thuận lợi, biến thách thức thành tiềm năng để đi tới tương lai. Đó cũng chính là niềm tự hào, sự tin tưởng mà Bác Hồ kính yêu đã gửi về quê hương cách đây 45 năm: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Thời gian càng lùi xa, càng thấy được sự vĩ đại của Bác trong những lời dặn dò cuối cùng mà Người dành cho quê hương, với câu hỏi đau đáu: “Sắp tới chúng ta phải làm gì?”. Và 4 việc lớn Người căn dặn: “Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa; Khôi phục và phát triển kinh tế; Hết sức chăm lo đời sống nhân dân; Đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu” vẫn tiếp tục là những việc mà toàn Đảng, toàn dân Nghệ An phải kiên quyết làm tốt.

Mai Hoa