Xây dựng văn minh nông nghiệp

07/02/2015 10:19

(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Đưa khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp: Động lực từ một mối trăn trở và sự khích lệ” của các tác giả Thục Anh và Thành Duy đăng trang 1 nhật báo ngày 21/1 nhận được nhiều phản hồi của người đọc. Báo Nghệ An chân thành cảm ơn sự tương tác của quý bạn đọc, sau đây chúng tôi xin trích đăng một trong những phản hồi đó.

Theo Tổ chức Nông - Lương Liên Hợp quốc (FAO), sản xuất lương thực trên thế giới, từ nay đến năm 2050 cần tăng 60% để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ cho nhân loại. Đặc biệt, tình trạng thiếu hụt lương thực sẽ là gánh nặng cho những quốc gia chậm phát triển - nơi có tỷ lệ dân số tăng cao. Theo FAO, tại những quốc gia nghèo, sản lượng nông nghiệp phải tăng 77% mới có thể đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực cho người dân và nếu mục tiêu này không đạt được, thì chỉ riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ có hơn 500 triệu người bị suy dinh dưỡng. FAO cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng sẽ dẫn tới nguy cơ xảy ra bạo loạn xã hội, khủng hoảng chính trị, nội chiến và khủng bố.

Những cảnh báo từ FAO là rất nghiêm trọng, còn với nước ta, tỉnh ta? Trong sự phát triển đi lên của đất nước, quá trình đô thị hóa không ngừng đã làm diện tích đất nông nghiệp giảm đi rõ rệt, thay vào đó là các khu đô thị, các khu công nghiệp mọc lên. Chẳng ai có thể phủ nhận được các khu công nghiệp, khu kinh tế là "bộ mặt" phát triển của địa phương mình. Bởi có khu công nghiệp, khu kinh tế thì sẽ giải quyết được vấn đề việc làm, thu nhập cho người dân. Và đương nhiên khi đã có việc làm và có thu nhập ổn định, người ta sẽ không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp nữa. Tại sao vậy? Tại vì nền nông nghiệp ở nước ta, tỉnh ta trên thực tế vẫn còn rất hạn chế trong việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà chỉ sản xuất theo phương thức truyền thống. Vì vậy dẫn đến năng suất, sản lượng, chất lượng cây trồng, vật nuôi không cao.

Theo như lời đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh được các tác giả trích: “Nông nghiệp đã, đang và sẽ vẫn là một trong những mặt trận chủ lực trong công cuộc phát triển kinh tế. Nhưng làm thế nào để tạo bước đột phá trong nông nghiệp, đưa ngành kinh tế truyền thống này bắt kịp với đường đua của thời kỳ hội nhập, đó là câu hỏi đặt ra cho người nông dân. Câu trả lời đã rõ, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, biến ngành truyền thống thủ công này thành một loại “công nghiệp” mới. Mới mà cũ, có nghĩa là, vẫn những người nông dân đó, vẫn những sản phẩm cây, con đó nhưng với tư duy mới, cách làm mới. Làm được như vậy, chính là đã tạo ra giá trị mới, vị thế mới cho nghề nông trên thị trường và trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Như vậy, định hướng của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là quá rõ ràng, vấn đề đặt ra là các nhà còn lại (nhà khoa học - nhà nông) cần phải có sự kết hợp nghiên cứu, khảo nghiệp và sản xuất đại trà để làm sao tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và giá trị khi nông sản trở thành hàng hóa. Có như vậy người nông dân mới chú tâm đến việc sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề đặt ra nữa cũng rất đáng lưu ý, đó là nước ta, tỉnh ta đang trong thời kỳ "dân số vàng", điều này ý nghĩa rất lớn, bởi khi ở thời kỳ này, lực lượng lao động và lượng chất xám là vô cùng dồi dào, cần phải tận dụng nó để phát triển cả về công nghiệp lẫn nông nghiệp. Để đến khi bước qua cơ hội lớn này, chúng ta đã trở thành một nền kinh tế vững mạnh cả về công nghiệp lẫn nông nghiệp. Và theo dự đoán của giới chuyên gia, trong trung hạn và dài hạn, an ninh lương thực sẽ là lĩnh vực quan trọng nhất cho ổn định kinh tế và chính trị. Vậy tại sao với có mọi điều kiện thuận lợi (khí hậu, dân số và diện tích đất nông nghiệp lớn), chúng ta không nghĩ đến việc tạo ra cho mình một niền "văn minh nông nghiệp"?

Người xây dựng

TIN LIÊN QUAN