2015, một năm đổi sắc

16/02/2015 21:01

(Baonghean) - BRICS là diễn đàn chính trị, kinh tế bao gồm 5 nền kinh tế mới nổi là: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đang trong thời kỳ cải cách mạnh mẽ và có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, BRICS được nhận định là sẽ vượt mặt các nền kinh tế G6 trong nửa cuối thế kỷ XXI. Nhưng trước mắt, hãy cùng đánh giá và dự đoán tình hình phát triển của một số quốc gia BRICS đáng chú ý trong năm 2015 tới đây.

“Chú gấu” Nga sẽ tỉnh giấc?

Có lẽ mùa đông chưa bao giờ dài đến thế với “chú gấu” Nga, kể từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1998. Năm 2014 là một năm mà Nga “sa lầy” ở đấu trường chính trị châu Âu, với phát súng khai hoả đầu tiên ở miền Đông Ukraina và đỉnh điểm là sự kiện bán đảo Crimea chính thức ly khai khỏi Ukraina, sát nhập vào Nga. Đây chỉ là giọt nước tràn ly trong mối quan hệ đối đầu ngấm ngầm cố hữu giữa Nga và khối thế lực Bắc Đại Tây Dương - châu Âu và Mỹ. Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu bùng nổ từ nửa cuối năm 2014, tiếp sau cuộc khủng hoảng chính trị, tuy nhiên, có hay không mối quan hệ nhân - quả trực tiếp giữa hai sự kiện này?

Trên thực tế, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga có 3 nguyên nhân, trong đó có 1 nguyên nhân trực tiếp mang tính tức thì và 2 nguyên nhân tác động lâu dài. Quyết định không giảm sản lượng dầu của OPEC trong bối cảnh nhu cầu năng lượng không tăng lên tương xứng với sản lượng dầu trên toàn thế giới đã kéo giá dầu tụt dốc. Đây là thiệt hại nghiêm trọng đối với một quốc gia dầu mỏ như Nga, nhất là khi dầu mỏ đang là ngành mũi nhọn và điểm tựa chính của nền kinh tế Nga. Chủ trương phát triển kinh tế Nga bắt đầu bộc lộ rõ những yếu điểm chí mạng, đó là sự chênh lệch quá lớn trong cơ cấu kinh tế, dẫn đến tình trạng phụ thuộc và dễ bị tác động tiêu cực một khi ngành kinh tế chủ chốt gặp biến động mạnh. Cuối cùng, trong bối cảnh đó, các lệnh trừng phạt kinh tế của châu Âu và Mỹ như “liều thuốc độc” có tác dụng làm suy yếu từ từ một nước Nga “ngã ngựa”. Như vậy, trái với những gì người ta quan sát được, cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nga - phương Tây không phải là nguyên nhân chính yếu và cũng không phải là đòn chí mạng dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế Nga năm 2014.

Tuy nhiên, quan hệ Nga - phương Tây có lẽ lại chính là nút thắt đầu tiên cần phải gỡ và cũng là lối thoát có hiệu quả tức thì nhất đối với nền kinh tế Nga. Xét một cách khách quan, chính quyết định cấm vận xuất - nhập khẩu của phương Tây là cái cớ, tạo đà để Nga “xốc” lại các ngành kinh tế khác, nâng cao tính tự chủ trong các lĩnh vực nông - công nghiệp và thiết lập một trạng thái cân bằng hơn trong cơ cấu kinh tế. Hiện tại, điều mà cả thế giới đang quan tâm theo dõi là tình hình tài chính tiền tệ Nga: đồng rúp mất giá, đi cùng với nguy cơ lạm phát nghiêm trọng cũng như sụt giảm lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng trung ương Nga. Mặc dù đã từng bước thoát khỏi điểm đáy - 80 rúp đổi 1 đô la Mỹ - nhờ các biện pháp tăng lãi suất mạnh tay của Ngân hàng trung ương Nga nhưng vẫn không thể thay đổi một sự thật: đồng rúp là đồng tiền mất giá mạnh nhất năm 2014. Rất tự tin vào tiềm lực dự trữ của mình, nhưng nếu nói Nga không quan ngại trước khủng hoảng tài chính là vô lý.

Năm 2015, những dự đoán của các chuyên gia kinh tế với giả thiết giá dầu không giảm hơn và duy trì ở mức 60 đô la Mỹ/thùng cho rằng GDP của Nga sẽ co lại 4,5 - 4,7%. Tuy nhiên, đến thứ 4 ngày 14/1, giá dầu tiếp tục sụt giảm, xuống còn 45,55 đô la Mỹ/thùng đối với dầu WTI và 46,66 đô la Mỹ/thùng đối với dầu Brent của biển Bắc, có nghĩa là con số dự đoán trên đây sẽ phải xuống thấp hơn nữa. Đồng thời, tính toán dựa trên lượng dự trữ thanh khoản quốc tế 202 tỷ đô la Mỹ của Nga cùng với tổng nợ nước ngoài, lượng vốn ròng chảy ra khỏi nền kinh tế cũng như những khoản bội chi do chi phí nhập khẩu tăng lên - hệ luỵ của đồng rúp mất giá, dự báo lượng dự trữ của Nga sẽ cạn kiệt trước năm 2018. Tuy nhiên, đó là nếu như tình hình chính trị Nga - phương Tây không chuyển biến tốt lên và Nga bất động trong quan hệ đối ngoại quốc tế ngoài châu Âu. Rõ ràng khả năng này sẽ không diễn ra vì quan sát cho thấy mối quan hệ Nga - phương Tây đã đến đáy và sẽ từng bước cải thiện, tuy chậm chạp.

Một điều chắc chắn là sẽ không có cuộc thế chiến thứ 3 nào nổ ra, hay ít ra Nga và phương Tây sẽ không ở hai bờ chiến tuyến. Bởi, chính phương Tây cũng đã chạm đến giới hạn chịu đựng của mình. Năm 2014 không tốt đẹp cho cả Nga lẫn khu vực kinh tế Eurozone, khi mà châu Âu có những ràng buộc với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và quân sự. Việc Nga tuyên bố chấm dứt “Dòng chảy phương Nam” không phải là một tin tốt lành cho các nhà lãnh đạo châu Âu, đồng thời có lẽ châu Âu cũng sẽ không dám mạnh tay cấm vận Nga hơn nữa. Những quốc gia top đầu khối EU như Đức, Pháp đều có kinh ngạch xuất khẩu sang Nga tương đối lớn. Đơn cử, việc đóng băng hợp đồng mua bán tàu chiến Mistral đã đẩy Pháp vào thế bí, khi mà chính nền kinh tế nước này cũng đang có nhiều biến động.

Về chính trị, có lẽ năm 2015 mối quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Tuy nhiên, những tác động lên nền kinh tế bao giờ cũng chậm hơn vài nhịp, nên khả năng trong năm 2015 này, vẫn chưa thể thấy được nền kinh tế Nga phục hồi một cách rõ nét. Ngân hàng thế giới dự đoán kinh tế Nga sẽ suy thoái 2,9%, còn chính phủ Nga thì dự đoán mức lạm phát của năm nay sẽ là 17%. Nhưng nếu kinh tế Nga cầm cự được khỏi cơn khủng hoảng chính trị thì có lẽ, “chú gấu” Nga sẽ lại tỉnh giấc vào một ngày không xa.

"Con rồng châu Á” rục rịch chuyển hướng?

Tâm điểm gây chú ý ở Trung Quốc năm 2014 vừa qua không phải là kinh tế mà là vấn đề an ninh chính trị. Về đối nội, năm 2014 vẫn tiếp tục là một năm mà nhóm tự trị ở Tân Cương khiến Bắc Kinh phải đau đầu, thêm vào đó là sự kiện “cách mạng dù” ở Hồng Kông diễn ra trong nửa cuối năm. Như vậy là ở hai cực Đông và Tây của đất nước tỷ dân, quyền lực của chính quyền trung ương đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Cải cách và thanh lọc hàng ngũ quan chức một cách mạnh tay là giải pháp mà Chủ tịch Tập Cận Bình lựa chọn để củng cố lại quyền lực của Bắc Kinh trên diện sâu và rộng.

Về đối ngoại, mối quan hệ với các nước trong khu vực tiếp tục căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông với các nước Đông Nam Á và tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Sensaku với Nhật Bản. Ở phạm vi rộng hơn, quan hệ với Mỹ cơ bản không có xung đột lớn nhưng cũng ở tư thế đối đầu, đặc biệt là khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ ra nghị quyết phản đối Trung Quốc vi phạm Luật Biển quốc tế. Trái lại, quan hệ với Nga có dấu hiệu tốt lên, như hệ quả đảo nghịch của mối quan hệ Nga - Mỹ xấu đi trông thấy trong năm 2014.

Trên phông nền chính trị - an ninh này, nền kinh tế Trung Quốc năm 2014 đã phát triển như thế nào? Có lẽ đáng chú ý nhất là việc IMF - Tổ chức đo lường quy mô nền kinh tế các nước dựa trên tỷ giá hối đoái và cân bằng sức mua công bố: Trung Quốc đang đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng toàn cầu. Cụ thể, GDP của Trung Quốc hiện ước tính đạt 17,6 nghìn tỷ đô la Mỹ, vượt mặt con số 17,4 nghìn tỷ của Mỹ. Như vậy, trên một góc độ nào đó, có thể nói Trung Quốc đã “soán ngôi” số 1 kinh tế của Mỹ. Tuy nhiên, nếu xét đến các yếu tố như thu nhập trung bình trên đầu người, giá cả hàng hoá, quy đổi tiền tệ, giá trị của nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ đạt 10,3 nghìn tỷ đô la Mỹ, tức chỉ xấp xỉ 60% giá trị nền kinh tế Mỹ. Dẫu vậy, đó đã là một thành tích đáng nể khi Trung Quốc gần như đã bắt kịp Mỹ chỉ sau hơn 140 năm. Không ai có thể phủ nhận tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của quốc gia này khi mà từ 13 năm trước, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, vươn lên trở thành thực thể kinh tế lớn thứ hai thế giới và từ 4 năm trở lại đây, trở thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới - vị trí vốn thuộc về Đức trước đó.

Tuy nhiên, năm 2014 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại và hiện tượng này được dự đoán sẽ tiếp tục trong năm 2015. Mức tăng trưởng của năm 2014 theo ước tính của IMF là 7,4% và dự đoán năm 2015 sẽ là 7,1%. Trung tâm thông tin Nhà nước Trung Quốc thì lần lượt đưa ra các con số là 7,3% và 7%. Như vậy, mức tăng trưởng của năm 2015 sẽ là mức thấp kỷ lục kể từ năm 2004 trở lại đây. Đồng thời, các chỉ số khác như giá tiêu dùng, lạm phát,… đều giảm so với năm 2014. Những con số này cho thấy Trung Quốc đã bước qua thời kỳ phát triển hoàng kim - với mức tăng trưởng hai chữ số trong vòng suốt ba thập niên. Giải thích sự chững lại của nền kinh tế tỷ dân, có hai nguyên nhân: thứ nhất, đây là hệ quả tất yếu của một nền kinh tế phát triển ồ ạt, chạy đua về tốc độ nhưng chưa thực sự đề cao hàm lượng và tính bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy yếu, kinh tế Trung Quốc thiếu nền móng cơ bản không thể tránh khỏi bị tác động tiêu cực. Mặt khác, chính Trung Quốc cũng đang xem xét lại đường lối phát triển của mình nhằm hướng tới một nền kinh tế khoẻ mạnh và kiên cố hơn, nên cũng có thể nói tốc độ tăng trưởng chững lại phần nào xuất phát từ chủ đích của họ.

Năm 2015 có thể sẽ không phải là một năm huy hoàng của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng hãy xem chừng “con rồng châu Á” này, bởi nó có thể không bay lên cao mà đang lăm le mở rộng vùng trời của mình trước đã. Hãy nhớ rằng, năm 2014, ông chủ người Trung Quốc đã bỏ tiền ra mua lại một tập đoàn khách sạn lớn nhất nhì của Pháp, hay việc Trung Quốc nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của mình tại châu Phi, hay chính sách hỗ trợ giảng dạy tiếng Trung Quốc ở nước ngoài,…Gần đây nhất, Trung Quốc đề nghị Việt Nam sử dụng đồng nhân dân tệ cho các giao dịch Việt - Trung, một biểu hiện rõ ràng cho tham vọng tăng giá trị chuyển đổi đồng tiền Trung Quốc, mở rộng quỹ đạo vệ tinh. Nền kinh tế Trung Quốc có thể suy yếu ít nhiều trong năm 2015, nhưng tham vọng quyền lực kinh tế thì chỉ có tăng lên chứ không giảm xuống, vậy nên hãy dè chừng sự chuyển hướng của “con rồng châu Á”!

Tham vọng quyền lực kinh tế của Trung Quốc chỉ có tăng lên chứ không giảm xuống
Tham vọng quyền lực kinh tế của Trung Quốc chỉ có tăng lên chứ không giảm xuống

Ấn Độ bước vào thời kỳ hoàng kim

Trong số các quốc gia BRICS, có lẽ Ấn Độ là nước thành công nhất trong năm 2014, khi mà nước này đã nổi lên như một điểm sáng kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhờ các biện pháp cải cách táo bạo của Chính phủ do ông Narendra Modi đứng đầu. Sau hai năm ảm đạm 2012 và 2013, những ngờ vực về chính sách phát triển kinh tế của Ấn Độ đã từng bước bị xoá bỏ khi chiến dịch bầu cử bắt đầu. Bên cạnh một số biện pháp như loại bỏ trợ cấp dầu diesel; tự do hoá đầu tư lĩnh vực bảo hiểm; ngăn chặn chi tiêu công tuỳ tiện;…Thủ tướng Narenda Modi nhận định thu hút đầu tư nước ngoài là mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát biểu tại Hội nghị cấp cao về xúc tiến đầu tư toàn cầu lần thứ bảy, khai mạc ngày 11/1/2015, ông cam kết Ấn Độ sẽ là “xứ sở của cơ hội” đầu tư với một môi trường đáng tin cậy, minh bạch và công bằng.

Tất nhiên, cam kết suông sẽ không có nghĩa lý gì với các nhà đầu tư, nhưng những gì chính phủ của ông Modi làm được mới là sự bảo đảm chắc chắn nhất. Trong vòng bốn tháng sau khi lên nắm quyền, đã triển khai mở 100 triệu tài khoản ngân hàng cho người nghèo; cho phép 100% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực đường sắt; nâng trần FDI trong lĩnh vực quốc phòng và bảo hiểm lên 49% (mức cũ là 26%, tức tăng gần gấp đôi). Về mặt chiến lược lâu dài, chính phủ nước này chủ trương đi theo hình thức hợp tác theo chủ nghĩa liên bang, đồng thời khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các bang.

Năm 2014, GDP của Ấn Độ đạt 5,6%, khá khiêm tốn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, Ấn Độ có đầy đủ tiềm năng và đang có khuynh hướng vượt mặt Trung Quốc, có thể là từ sau năm 2017. Hai quốc gia này có nhiều điểm tương đồng về diện tích và dân số đông, xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt, trong khi Ấn Độ có điều kiện thuận lợi hơn về vị trí địa kinh tế khi nằm trên con đường hàng hải xuyên Âu - Á và có đường bờ biển dài gấp đôi Trung Quốc. Mở cửa nền kinh tế chậm hơn Trung Quốc 1 thập niên và chọn mô hình phát triển đòn bẩy - tập trung vào công nghiệp nhẹ và công nghệ thông tin, không khó hiểu khi tốc độ phát triển của Ấn Độ chậm hơn hẳn. Tuy nhiên, điều chắc chắn là hàm lượng kinh tế và khoa học công nghệ của Ấn Độ cao hơn Trung Quốc, là nền tảng bền vững chuẩn bị cho chặng đường nước rút sắp tới trên đường đua kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc đang “hụt hơi”, đó là điều mà ai cũng nhận thấy. Dự báo GDP Trung Quốc tiếp tục giảm và sẽ đạt mức 6,9% vào năm 2017, trong khi biểu đồ kinh tế của Ấn Độ lại đi lên, đạt 6,4% vào năm 2015; 7% vào năm 2016. Có nghĩa là trong một tương lai rất gần, Trung Quốc sẽ tụt hậu lại sau Ấn Độ. Tất nhiên về quy mô nền kinh tế, Ấn Độ vẫn chưa thể đuổi kịp Trung Quốc, nhưng nền kinh tế nước này sẽ phát triển lành mạnh hơn, đồng bộ hơn, thân thiện với môi trường và bền vững hơn. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế còn dự đoán có thể Ấn Độ sẽ vượt Mỹ trước năm 2030, tức là chưa đầy 30 năm nữa. Trung Quốc cũng đã có một thời kỳ hoàng kim kéo dài 30 năm để đạt đến vị trí thứ hai, sau Mỹ. Còn Ấn Độ, với nền kinh tế vừa chớm bước vào thời kỳ bùng nổ, liệu có dài hơi đủ để chinh phục cái đích mà Trung Quốc thèm muốn bấy lâu?

Thục Anh

TIN LIÊN QUAN