Bánh chưng xanh ở đảo

07/02/2015 13:17

(Baonghean) - Vượt qua muôn trùng sóng gió, những bó lá dong xanh từ đất liền đã đến được các đảo tiền tiêu, mang theo hương vị Tết quê nhà cho những người lính đảo. Những chiếc bánh chưng xanh gói bằng lá bàng vuông và lá dong được các chiến sỹ nâng niu, trân trọng như gửi gắm vào đó tất cả nỗi nhớ thương quê nhà và lòng quyết tâm giữ chắc tay súng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc!

Gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết trên đảo.
Gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết trên đảo.

Bước chân xuống cầu tàu quân cảng Cam Ranh một ngày cuối Đông để đến với Trường Sa trong chuyến thay, thu quân đầu năm 2015, trong tim mỗi người đều xốn xang khó tả. Đó là cuộc hành quân mà hành trang của người lính không chỉ có quân tư trang cá nhân, trên tay mỗi người là những bịch và túi đựng hoa sen, hoa mai làm bằng lụa, những album ảnh, những bộ đèn nháy, những gói nhỏ có vải và giấy đa sắc để trang trí bày biện... Đặc biệt, không thể thiếu những kiện lá dong xanh, những bó ống giang và đàn lợn lên đến hàng trăm con, chia đều cho 4 tàu hải quân đưa đến hải đảo xa xôi.

Những cảnh tượng rất đỗi bình thường nhưng gợi nhiều xúc động, bởi tại một góc của một cảng quân sự lớn, bỗng dưng rộn lên những âm thanh và hình ảnh như đang ở đâu đó trong một làng quê Việt Nam thanh bình đang chộn rộn háo hức chuyển mình vào Tết. Những khoảnh khắc đó đã đem đến cho mỗi người cảm giác đảo xa thật gần và hơi ấm đất liền sẽ được mang theo và tỏa ấm tại các điểm đảo xa xôi.

Tàu 571 (tàu Trường Sa) mà chúng tôi có mặt, ngay trong ngày hành quân thứ 3 trên biển đã đến đảo Trường Sa Đông. Khi chuyển quà Tết Ất Mùi, hàng hóa và nhu yếu phẩm xuống điểm đảo đầu tiên, chúng tôi chạnh lòng khi nhìn thấy những bó lá dong bắt đầu có dấu hiệu khô và cháy quăn ở mép lá. Đại tá Phan Ngọc Quang - Trưởng đoàn công tác không giấu được vẻ sốt ruột khi trước mắt là hải trình còn phải qua 11 điểm đảo nữa và mất ít nhất 2 tuần mới đến điểm đảo cuối là đảo Tiên Nữ.

Thời tiết ở Trường Sa về mùa Đông nhưng vẫn nắng nóng, cộng với hơi nóng của hầm hàng hóa, là những thách thức trong việc đảm bảo cho lá dong không bị hỏng. Sau phút hội ý chớp nhoáng, “quân lệnh” đưa ra là cắt cử chiến sỹ thường xuyên xếp trở các bó lá dong, đồng thời tưới nước ngọt và che chắn không để nước mặn và gió biển xâm nhập.

Đến các điểm đảo của các đảo Đá Đông, Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, khi vận chuyển hàng hóa từ tàu xuống xuồng vào đảo, gió to sóng lớn cũng không làm cán bộ, chiến sỹ nản lòng, mà chỉ lo ngại... lá dong bị hỏng. Khoảng cách các điểm đảo trong quần đảo khá gần nhau, trong hành trình của chúng tôi thì khoảng cách xa nhất là từ đảo Trường Sa Đông đến Đá Đông (khoảng 60 hải lý), còn lại các đảo cách nhau trung bình khoảng từ 15-25 hải lý.

Tuy vậy, để vào được mỗi điểm đảo thường mất từ 1 đến 2 ngày. Các đảo đều nằm trên các rạn san hô lớn, rộng hàng trăm, hàng nghìn ha. Để đi xuồng từ tàu vào đảo, về cuối năm chỉ đi được trong buổi chiều, vì đó là khi thủy triều lên cao, mực nước đủ cho xuồng vượt qua các rạn san hô, với chặng đường khoảng từ 3 đến 7 hải lý. Thật may mắn, sau ngày thứ 12 của hành trình, tàu 571 đã đưa chúng tôi đến điểm đảo cuối cùng của hành trình - đảo Tiên Nữ, lá dong được chuyển đến các đảo vẫn đảm bảo chất lượng để gói bánh chưng.

Tại đảo Tiên Nữ, hòn đảo chìm ở cực Đông của quần đảo Trường Sa, cách đất liền 375 hải lý, Trung úy Võ Văn Thưởng (quê ở làng Hào Kiệt, xã Vĩnh Thành, Yên Thành) cho biết: Trong các thứ hàng hóa từ đất liền mang ra dịp Tết thì lá dong là một trong những thứ cán bộ, chiến sỹ đảo Tiên Nữ chờ đợi nhất. Vì đảo Tiên Nữ là điểm đảo xa nhất trong hành trình, nên có nhiều năm tàu ra đến đảo Tiên Nữ thì lá dong đã bị hỏng, khô giòn, không thể gói bánh. Năm đó coi như vị Tết bị giảm đi rất nhiều, vì ở đảo chìm không thể tìm ra lá gì để thay thế lá dong để gói bánh. Năm nay nhận được những bó lá dong hãy còn tươi, anh em mừng khôn tả. Anh em đảo Tiên Nữ sẽ tiếp tục những công đoạn bảo quản thường xuyên để giữ cho đến ngày 28, 29 tháng Chạp gói bánh. Để giữ cho lá dong tươi đến ngày gói bánh đón Tết, anh em đã tính đến việc đưa lá dong vào hầm lạnh. Mới hiểu, khát vọng kiếm tìm hương vị Tết quê nhà của những người lính biển rất lớn lao. Từ đó càng thêm trân trọng những người đã biết lựa chọn công việc không nhẹ nhàng, nhận về mình những thiệt thòi, hy sinh, vì nhiệm vụ thiêng liêng cao cả.

Sau khi thực hiện xong lượt bàn giao quân số mới tại các điểm đảo, tàu 571 tiếp tục trở lại hành trình thu nhận quân số đã hoàn thành nhiệm vụ trở về và tổ chức vui Xuân, đón Tết cùng cán bộ, chiến sỹ ở đảo Phan Vinh. Đại úy Trịnh Trọng Lương - Chính trị viên Phó đảo cho biết: Trước đây cán bộ, chiến sỹ đảo Phan Vinh gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Những năm gần đây do thường xuyên đưa lá dong kịp thời ra đảo đúng dịp Tết nên gói bằng lá dong. Tuy nhiên, lá dong đưa ra đến Trường Sa thường bị khô và bay hết màu xanh. Do đó, khi gói bánh chưng thì phần ruột phía trong vẫn được gói bằng lá bàng vuông để bánh chưng có màu xanh, phía ngoài được gói bằng lá dong. Trong điều kiện khó khăn, để đảm bảo phải có được “bánh chưng xanh” trong mâm cỗ Tết, cán bộ, chiến sỹ đã sáng tạo ra thứ bánh chưng Trường Sa độc đáo.

Vẫn là cái bánh chưng theo truyền thuyết hoàng tử Lang Liêu con vua Hùng Vương thứ 6, bánh chưng tượng hình cho đất, bánh dày tượng hình cho trời. Lá bọc ngoài, nhân trong ruột bánh tượng hình cho cha mẹ sinh thành. Bánh chưng ở Trường Sa được gói bằng lá bàng vuông cùng với lá dong, như một ý niệm về cơ thể đất nước Việt Nam là một khối thống nhất và Trường Sa là một phần đất thiêng nằm trong lòng dân tộc Việt, được bao bọc bởi đất liền và Trường Sa là một phần cơ thể không thể thiếu của đất nước Việt Nam. Ở hải đảo xa xôi, bộ đội hải quân và nhân dân Trường Sa vẫn làm bánh chưng để mâm cỗ dâng lên cúng tổ tiên, trời đất thời khắc giao thừa và trong ba ngày Tết. Dù hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, thì sức sống của văn hóa Việt vẫn bền bỉ, mãnh liệt và có dấu ấn sâu đậm trong mỗi tấc đất có chủ quyền của dân tộc.

Ngô Kiên