Nho Lâm, làng khoa bảng…

10/02/2015 09:58

(Baonghean) - Từ mỗi gia đình, từ mỗi dòng họ, từ mọi miền quê, sự học bao đời nay vẫn được người dân xứ Nghệ gìn giữ, kế truyền. Các thế hệ nối tiếp nhau viết nên câu chuyện của một vùng quê nghèo nhưng hiếu học, vùng đất khoa bảng, vùng đất của những trạng nguyên, vùng đất của những anh tài…

Chúng tôi tìm về làng Nho Lâm (Diễn Thọ, Diễn Châu) bởi sự thôi thúc về một làng quê cổ, làng quê “khoa bảng” nổi tiếng được sánh ngang với nhiều vùng đất học của cả nước như Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu), Văn Lâm (Ninh Bình), Kim Bảng (Nam Sách, Hải Dương). Minh chứng rõ ràng nhất là tấm bia đá cổ được dựng từ hơn 300 năm trước gọi là Bia văn hội sỹ hội Nho Lâm và nay vẫn đang được đặt trang trọng ở sân chính UBND xã. Trên tấm bia khắc rõ tên của hơn 300 người con trong làng đỗ đạt dưới triều Nguyền và triều Lê, văn bia có đoạn: “Văn hiến xã ta có từ xưa. Đời Lê Vĩnh Hựu (1735 - 1740) đã chọn đất và làm đền ở đây. Các bậc tiền bối đã bỏ tiền ra mua và làm. Từ đó đến nay liên tiếp ghi tên những người đậu đạt, mở ra sự mong mỏi cho dân trong châu ta… khắc tên vào đá truyền lại về sau không bao giờ mất…”. Sổ “Văn hội xã Nho Lâm” thống kê, làng Nho Lâm có 1 vị đỗ đại khoa Hoàng giáp (tiến sỹ), có 315 vị đỗ trung khoa, trong đó có 6 vị đậu phó bảng, 19 người đậu hương cống, cử nhân và 290 vị đậu hiệu sinh, sinh đồ, tú tài. Đó là còn chưa kể hàng trăm người khác có học vấn uyên thâm, giỏi văn chương, làm thầy thuốc, thầy đồ dạy học không tham gia thi cử hoặc chưa đỗ đạt.

Tặng quà cho học sinh đạt HCV Olympic Toán quốc gia.
Tặng quà cho học sinh đạt HCV Olympic Toán quốc gia.

Nho Lâm là tên gọi của làng từ thời nhà Nguyễn. Theo cách hiểu riêng của người trong làng, Nho Lâm có nghĩa là rừng Nho (rừng chữ Nho), ngụ ý là nhiều người học hành và đỗ đạt. Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Quang Liễn, một người con của làng Nho Lâm giải thích rằng: Sở dĩ làng Nho Lâm có nhiều người đậu đạt cao bởi người dân ở đây sớm được tiếp cận hai nền văn hóa, đó là văn hóa dân gian; văn hóa bác học và sớm có ý thức về việc học hành.

Con em Nho Lâm ngày nhỏ vừa chăn trâu, vừa đi học. Lớn lên vừa làm ruộng, vừa đi học. Ngày ba tháng tám, đói kém, chạy ăn từng bữa, cơm cháo qua ngày vẫn tạo điều kiện cho con em đến trường. Sự học ở đây còn được người dân quan tâm bởi từ xa xưa làng đã có loại học điền (ruộng học) mục đích để khuyến khích việc học tập của con em trong làng xã. Nhà nào có con em đỗ đạt nhiều sẽ được ưu tiên các mẫu ruộng tốt như mẫu đại khoa, trung khoa. Làng còn dành 9 mẫu công điền loại tốt nhất để lấy lợi thức tế thánh Khổng Tử (người thầy của muôn đời) gọi là ruộng tế thánh…

Theo chân nhà giáo Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học xã Diễn Thọ, chúng tôi đến thăm các nhà thờ họ trong vùng. Đây cũng là một nét đặc biệt của Nho Lâm, bởi theo như vị giáo già kể thì tuy Diễn Thọ diện tích không rộng nhưng cả xã có đến hơn 100 nhà thờ họ lớn nhỏ, trong đó có 3 nhà thờ được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Ngôi nhà thờ đầu tiên được công nhận di tích là Nhà thờ họ Cao, dòng họ ngày trước đông người đỗ đạt nhất xã, với 127 người được xướng tên trên bảng vàng.

Ông tự hào: Gần đây nhất người làm nên tự hào cho dòng họ Cao, cho quê hương Diễn Thọ chính là em Cao Ngọc Thái, “cậu bé vàng” Olympic Vật lý quốc tế năm 2014. Còn ở Nhà thờ họ Nguyễn, sự học cũng được con cháu quan tâm, khi trong nhà thờ dành vị trí trang trọng đặt tủ sách khuyến học với gần 1.000 cuốn, là món quà mà những người đi trước đỗ đạt gửi lại các lớp con cháu sau sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, học tập. Anh Cao Ngọc Hà, bố của em Cao Ngọc Thái chia sẻ: Dù chuyển từ Diễn Thọ về Diễn Cát sinh sống đã lâu, nhưng năm nào ngày giỗ họ gia đình cũng về Nhà thờ họ Cao ở làng Nho Lâm để thắp hương lên tiên tổ. Chính truyền thống dòng họ, truyền thống quê hương đã vun đắp thêm cho tài năng của Thái, để em dù ở đâu, dù trong hoàn cảnh nào cũng cố gắng hết sức mình…

Nói đến Nghệ An là nói đến vùng đất học, nói đến Nghệ An là nói đến vùng đất của khoa bảng, vùng đất của những trạng nguyên, của những thủ khoa, á khoa, của những anh tài. Và truyền thống đó vẫn đang được các thế hệ con cháu tiếp nối, gìn giữ và vun dày: “Hoan Châu văn khí ngàn năm vững/ Học đạo chính tâm muôn thuở còn”…

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN