Nặng lòng câu hát ví

29/11/2014 12:56

(Baonghean) - Họ là những nghệ nhân dân gian, là ca sỹ chuyên nghiệp; hay chỉ giản dị là những nông dân chân lấm tay bùn… Nhưng điểm chung ở họ là sự nặng lòng với câu hát ví dặm, luôn trăn trở tìm cách bảo tồn và phát huy di sản dân ca. Hàng ngày, họ âm thầm, cần mẫn tìm cách trao truyền lại cho thế hệ trẻ tình yêu Dân ca ví, dặm xứ Nghệ; tìm cách tạo sự lan tỏa dân ca trong đời sống cộng đồng…

TIN LIÊN QUAN

Nghệ nhân dân gian Lê Thị Bích Thủy: “Từ câu ví ngoại hát…”

Nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy, giáo viên âm nhạc của Trường Tiểu học Kim Liên (Nam Đàn) nói với chúng tôi rằng, niềm mê đắm dân ca của chị khởi nguồn từ câu ví mà bà ngoại chị vẫn thường hát. Chỉ cần ngoại cất lời, là cô bé Thủy, dẫu đang khóc cũng im bặt. Tiếng hát khiến cô bé Thủy sớm biết buồn, nhưng cũng biết răn mình phải sống cho có nghĩa, có tình.

Nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy.
Nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy.

Sinh năm 1970, trên mảnh đất Hùng Tiến, Kim Liên, huyện Nam Đàn, sau này lấy chồng về xóm Sen 4 - Kim Liên, Lê Thị Bích Thủy là một trong những người trẻ tuổi nhất được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Một trong những lần chị vừa hát vừa rơi nước mắt, ấy là lần bà ngoại chị ốm nặng. Bích Thủy đứng bên giường bà, nắm chặt tay bà run rẩy: “Bà ơi, ngày xưa bà hát cho con nghe, bây giờ con hát cho bà nghe đây, bà có nghe rõ con hát không…”. Rồi chị cất tiếng nghẹn ngào: “Ai biết nước Sông Lam răng là trong là đục/ Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa là tình ai ơi...”.

Lê Thị Bích Thủy kể lại, vào tháng 5 năm đó, chị chưa đầy 10 tuổi, vào dịp Kỷ niệm Sinh nhật Bác Hồ, chị đã đứng trên sân khấu hát bài “Trông cây lại nhớ đến Người” (nhạc sỹ Đỗ Nhuận cải biên) đã có hàng trăm khán giả lặng nghe mà rơi nước mắt. Chị biết, những câu dân ca sâu lắng ấy đã trở thành một phần cuộc sống không thể tách rời của mình. Sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, chị trúng tuyển vào Trường Trung học Văn hóa - Thông tin Nghệ Tĩnh, lớp sư phạm âm nhạc. Ở đó chị có điều kiện nâng cao trình độ và phát huy tố chất của mình. Khi trở thành giáo viên âm nhạc, chị luôn tìm hiểu về các làn điệu Dân ca xứ Nghệ và không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chị còn tiếp tục tham gia học lớp Cao đẳng Nhạc họa Trung ương. Ngoài công việc chính là giáo viên dạy nhạc, chị còn tham gia nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ địa phương, là thành viên Câu lạc bộ Dân ca phường vải Kim Liên - Nam Đàn và là nghệ nhân hát chính cho câu lạc bộ. Bên cạnh đó, chị còn dàn dựng chương trình, dạy dân ca cho thế hệ trẻ.

Về Kim Liên, nhắc đến Bích Thủy từ người già đến trẻ nhỏ ai ai cũng biết. Chị là gương mặt nổi bật trong các kỳ thi Liên hoan dân ca của tỉnh nhà. Bích Thủy thông thạo nhiều làn điệu dân ca ví dặm như ví đò đưa sông Lam, ví đò đưa sông La, ví phường vải, ví phường chè, ví đi cấy, ví đồng ruộng, ví trèo non; dặm cửa quyền, dặm Đức Sơn, dặm vè, dặm kể, dặm nối; hò trên sông, hò bơi thuyền, hò đầm đất đắp đê, hò Nghệ, hò khoan đi đường,... Chị đã đạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi văn nghệ, các cuộc liên hoan dân ca trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh. Đó là các giải A, giải B trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen cấp huyện và cấp tỉnh, Huy chương Vàng trong Liên hoan "Biển hát" tại Đà Nẵng, Huy chương Bạc trong Liên hoan tiếng hát giáo viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, giải Nhì Liên hoan tiếng hát hay trên sóng Phát thanh - Truyền hình Nghệ An. Và đặc biệt hơn nữa, chị thường xuyên soạn lời mới cho các làn điệu dân ca phù hợp với mỗi chương trình trong các liên hoan về Dân ca xứ Nghệ.

Một niềm vui lớn đối với chị là cậu con trai - cháu Nguyễn Quốc Bảo hát dân ca rất hay. Quốc Bảo đã đoạt giải Đặc biệt trong cuộc thi hát dân ca trong trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức năm 2010, năm đó Quốc Bảo mới 6 tuổi. Năm 2012, Nguyễn Quốc Bảo lại trở thành nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất trong Liên hoan Dân ca xứ Nghệ do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Được tin dân ca ví, dặm được vinh danh là Di sản văn hóa nhân loại, nghệ nhân Nguyễn Bích Thủy mừng khôn xiết. Chị nói: “Lại một lần nữa trong đời, dân ca làm tôi rơi nước mắt. Lần này là vì niềm vui mừng quá lớn lao”

Vinh - Hương

Nghệ nhân dân gian Vũ Thị Bích Quế: Người “truyền lửa”

Nhắc đến Dân ca, ví dặm ở Quỳnh Lưu, không thể không nhắc đến chị Vũ Thị Bích Quế (SN 1961) - Chủ nhiệm CLB đàn hát, dân ca xã Quỳnh Thắng. Chị là nhân tố quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy loại hình văn hóa đặc sắc ở địa phương bằng việc đưa Dân ca, ví dặm đến với mọi người, mọi nhà.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, trong gia đình có 5 anh em. Năm 1976, chị rời ghế nhà trường cùng gia đình lên xã miền núi Quỳnh Thắng khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới.

Buổi tập hát dân ca của CLB xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu).
Buổi tập hát dân ca của CLB xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu).

Năm 1977, chị tham gia hoạt động công tác Đoàn tại địa phương. Nhờ có năng khiếu ca hát, chị được Ban Văn hóa xã động viên vào đội văn nghệ bán chuyên trách của xã. Từ đó, chị cùng với đội văn nghệ luôn có mặt ở khắp xóm, bản, các đơn vị, cơ quan, trường học để biểu diễn. Không chỉ lưu diễn ở trong xã, chị còn nhiều lần tham gia đội tuyên truyền lưu động; tham gia đội văn nghệ quần chúng ở huyện; tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen do tỉnh tổ chức. Năm 2000, chị được lãnh đạo đơn vị Lữ đoàn 215 mời tham gia Liên hoan hát ru và dân ca phụ nữ toàn quân và đạt giải Huy chương Vàng với bài hát “Thập ân phụ mẫu”.

Thực hiện chủ trương của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ, Câu lạc bộ “Đàn hát dân ca” xã Quỳnh Thắng được thành lập, chị Quế được giao trách nhiệm là chủ nhiệm câu lạc bộ. Với lòng đam mê nhiệt tình, sự năng động sáng tạo, trong một thời gian ngắn chị đã xây dựng kế hoạch hoạt động, động viên thu hút 26 hạt nhân vào câu lạc bộ. Chị Quế không ngừng tìm tòi, sáng tạo mới các làn điệu dân ca để cùng các thành viên tập luyện. Đến nay, Câu lạc bộ “Đàn hát, dân ca” xã Quỳnh Thắng thu hút 34 hội viên tham gia sinh hoạt, trong đó hội viên cao tuổi nhất 77 tuổi; hội viên nhỏ tuổi nhất 10 tuổi. Mỗi tuần, CLB sinh hoạt 2 lần vào tối thứ Bảy và Chủ nhật, đây là dịp để mọi người trong CLB ngồi lại bên nhau cùng trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu và sưu tầm những tiết mục hay để đưa vào chương trình. Do đó, mỗi chương trình văn nghệ của CLB biểu diễn luôn có sự mới mẻ, sáng tạo và đã truyền tải được nội dung đầy ý nghĩa tới người xem qua từng câu hò, điệu ví mộc mạc.

Trong Liên hoan Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức tại cụm Yên Thành năm 2014, bản thân chị đã sưu tầm và sáng tác vở diễn “Chung tay dệt bức tranh quê” nói về chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng nông thôn mới và đạt giải A. Các tiết mục khác đạt giải B; CLB đạt giải Nhì toàn đoàn. Ngoài ra, CLB đã giành được nhiều giải thưởng cao khác trong các cuộc thi Liên hoan Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh.

Riêng bản thân chị được Bộ Văn hóa tặng Huy chương “Vì sự nghiệp văn hóa thông tin” và rất nhiều giải thưởng khác.

Việt Hùng (Đài Quỳnh Lưu)

Ca sỹ Song Thao: “Chỉ là mình khi hát dân ca”

Sớm định hình phong cách nhạc dân gian bởi đã “trót” nặng lòng với Dân ca ví, dặm qua những lời ru của mẹ thuở ấu thơ, ca sỹ Song Thao - Giải Nhất dòng dân gian cuộc thi Sao Mai 2013 khu vực miền Nam đã tạo được cho mình chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng yêu nhạc ở TP. Hồ Chí Minh.

Ca sỹ Song Thao.
Ca sỹ Song Thao.

Sinh ra và lớn lên ở Phúc Sơn (Anh Sơn), cô bé Nguyễn Thị Thao - tên thật của ca sỹ Song Thao có “dáng người gầy nhỏ, da ngăm đen” như chính lời tự bạch về bản thân, trải qua tuổi thơ đầy gian khó khi sớm chịu cảnh mồ côi cha. Nhà có 2 anh em, Thao là em út, nhưng sự nhạy cảm, tinh tế bản năng đã gieo vào lòng cô bé nhiều nỗi niềm, khi hàng ngày, chứng kiến cảnh mẹ tần tảo ruộng đồng và gia cảnh khốn khó khi mất đi trụ cột gia đình. Trong ký ức chưa xa ấy, ca sỹ Song Thao vẫn không thể quên những trưa đứng bóng, khi công việc đã vơi, mấy mẹ con ngồi bên hiên nhà hóng mát, và những làn điệu Dân ca ví, dặm qua giọng hát tha thiết của mẹ thổn thức mãi trong lòng cô. Vốn sẵn có năng khiếu về ca hát, lại “thấm” lời ca, tiếng hát của mẹ từ bé, nên Thao luôn là “cây văn nghệ” nổi tiếng khắp xã, huyện. Trưởng thành từ nôi âm nhạc làng quê êm đềm ấy, Thao nhanh chóng ghi nhiều dấu ấn trên con đường nghệ thuật. Vẫn còn đó vẹn nguyên niềm bồi hồi khi nhớ về giải thưởng ca sỹ nhỏ tuổi nhất và diễn viên xuất sắc nhất tại Hội diễn Dân ca ví, dặm huyện Anh Sơn năm 2004; xúc động khi được vinh danh Giải Vàng song ca tại Liên hoan nghệ thuật các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ; và mới đây nhất, là Giải Nhất dòng dân gian cuộc thi Sao Mai 2013 khu vực miền Nam và lọt vào top 10 đêm Chung kết Giải Sao Mai toàn quốc và khu vực châu Âu năm 2013…

Những hào quang trên ánh đèn sân khấu, đến nay, sau gần 10 năm bước đi trên con đường nghệ thuật, ca sỹ Song Thao bảo, luôn thầm cảm ơn Dân ca ví, dặm đã chắp cánh cho tiếng hát của cô bay xa, và cô chỉ có thể là chính mình khi thể hiện các khúc hát đằm địa của quê hương. Hiện tại, cô đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Chốn đô hội này, vẫn có không gian riêng dành cho Dân ca ví, dặm tỏa sáng, đối tượng tìm đến thưởng thức ngày càng nhiều. “Điều đó chứng tỏ, sức sống của ví, dặm đã lan xa. Tôi chưa bao giờ nguôi niềm tin về Dân ca ví, dặm trong bối cảnh hội nhập và phát triển này” - ca sỹ Song Thao chia sẻ.

Phước Anh