Giao thừa đáng nhớ

26/02/2015 22:17

(Baonghean) - Chiều 30 Tết, thai phụ Nguyễn Thị Kim Dung, 31 tuổi, phường Cửa Nam, Thành phố Vinh chuyển dạ và nhập Khoa Sản, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để sinh con. Đây là lần mang thai thứ 3 của chị Dung, các chỉ số trước khi sinh đều tốt nên các bác sỹ quyết định để chị Dung đẻ thường.

(Baonghean) - Chiều 30 Tết, thai phụ Nguyễn Thị Kim Dung, 31 tuổi, phường Cửa Nam, Thành phố Vinh chuyển dạ và nhập Khoa Sản, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để sinh con. Đây là lần mang thai thứ 3 của chị Dung, các chỉ số trước khi sinh đều tốt nên các bác sỹ quyết định để chị Dung đẻ thường.

Tối Giao thừa, khi cháu bé nặng 3,5 kg, bụ bẫm chào đời thì bất ngờ chị Dung diễn biến phức tạp, có biểu hiện băng huyết sau sinh, tử cung bị đờ. Ngay lập tức, kíp bác sỹ báo cáo sự việc với Ban Giám đốc Bệnh viện và mời các bác sỹ hồi sức, gây mê, sản nhi đang trực Tết đến hội chẩn khẩn cấp. Bệnh nhân được khẳng định là băng huyết do đờ tử cung sau đẻ, tỷ lệ tử vong rất cao. Lúc này, bệnh nhân đã tím tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Ngay lập tức, kíp bác sỹ sản mổ cấp cứu cắt tử cung, bác sỹ gây mê cùng bác sỹ hồi sức hỗ trợ hồi sức để bác sỹ sản thực hiện phẫu thuật.

Các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân rất căng thẳng, chỉ số hồng cầu còn 1 triệu, trong khi người bình thường là 3 triệu – 3,5 triệu. Bệnh nhân thiếu máu trầm trọng, cần phải truyền máu khẩn cấp. Sản phụ mang nhóm máu A, không phải là nhóm hiếm, nhưng đang là dịp Tết, nguồn máu trong kho cũng cạn kiệt, không đủ cơ số để cấp cứu cho bệnh nhân. Lúc này, Trung tâm Huyết học và Truyền máu Nghệ An đã lập tức cung ứng 20 đơn vị máu. Ban Giám đốc Bệnh viện cũng lập tức kêu gọi các nhân viên y tế cùng nhóm máu hiến máu để cứu người. Sau khi xét nghiệm, có 4 bác sỹ, điều dưỡng đang trực Tết đáp ứng được yêu cầu và hiến máu khẩn cấp.

Sau hơn 2 giờ vừa truyền máu, vừa phẫu thuật cắt bỏ toàn phần tử cung, vừa thực hiện các kỹ thuật cầm máu cho bệnh nhân, cuối cùng, ca phẫu thuật cũng thành công, nhưng bệnh nhân vẫn phải theo dõi đặc biệt. 3 kíp bác sỹ sản nhi, hồi sức và gây mê cùng 6 điều dưỡng viên túc trực quanh bệnh nhân, dõi theo từng chỉ số sinh tồn của sản phụ. “Lúc đó, tình hình rất căng thẳng, ai cũng căng mắt theo dõi tình trạng bệnh nhân, không để ý gì đến thời gian, quên cả thời khắc Giao thừa. Khoảng 2h sáng, khi tình trạng bệnh nhân bắt đầu ổn định hơn thì cả kíp trực mới có thể thở phào và nói với nhau lời chúc mừng năm mới”, bác sỹ Tạ Quỳnh Anh nhớ lại thời khắc đặc biệt.

Đến 7h sáng mùng 1 Tết, bệnh nhân bắt đầu tỉnh táo và cai được máy thở. Lúc này, các y, bác sỹ cũng hết ca trực, thực hiện giao ca và bắt đầu nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng cứu người. Hiện nay, bệnh nhân đang chờ để ra viện, cháu bé cũng bụ bẫm và rất ngoan.

Bác sỹ nội trú trẻ tuổi Tạ Thị Quỳnh Anh chia sẻ. “Khi thấy những đồng nghiệp của mình cầm bong bóng, nằm trên ghế để hiến máu đúng vào thời khắc Giao thừa, tôi cảm thấy rất tự hào. Sự hy sinh, chia sẻ cùng bệnh nhân trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh chính là một trong những nét đẹp của nghề y chúng tôi. Chắc chắn, đêm Giao thừa Tết Ất Mùi 2015 sẽ là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời bác sỹ của tôi”.

Cùng chung tâm trạng phấn khởi, tự hào vì đã cứu sống được bệnh nhân, bác sỹ gây mê Nguyễn Cảnh Hào, năm nay 27 tuổi cho biết, trong ca cấp cứu hôm đó, anh và 1 kỹ thuật viên, 2 dụng cụ viên gây mê cũng như các bác sỹ, điều dưỡng khác không nghĩ gì đến thời khắc Giao thừa. Đến khi nhìn lên màn hình monitor thấy các chỉ số sinh tồn dần ổn định, đồng hồ điện tử báo 0 giờ sáng mới biết là mình đã thêm 1 tuổi. “Không có gì vui hơn trong thời khắc thiêng liêng của mà mình lại góp phần cứu sống được 1 bệnh nhân”, bác sỹ Hào chia sẻ. Trong khi đó, bác sỹ Ngô Thị Hà, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, một trong những người trực tiếp hiến máu để cứu sống sản phụ bị băng huyết khẳng định rằng, việc chị và các đồng nghiệp làm được là điều hết sức bình thường, bởi đây là việc làm thường xuyên của người thầy thuốc.

Nguyên Khoa