Khát ở Cánh Tráp

06/11/2014 21:43

(Baonghean) - Từ đầu năm 2012, để nhường đất cho công trình Thủy điện Khe Bố, 16 hộ dân bản Cánh Tráp (Tam Thái - Tương Dương) phải chuyển nhà lên một ngọn đồi trong bản. Từ khi dời đến điểm tái định cư (TĐC), đời sống của những hộ dân này thêm phần khó khăn. Quanh năm suốt tháng, gần 100 con người luôn sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt...

TIN LIÊN QUAN

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn giữa bản Cánh Tráp, Trưởng bản Lô Văn Lợi cho biết: Số hộ phải di dời trong bản là 27, trong đó có 16 hộ đi theo cộng đồng lên điểm TĐC trên quả đồi sau bản, số còn lại tự tìm đất ở. Có người về bản cũ trước khi di dời, vào khoảng năm 1976 theo chủ trương định canh, định cư của Nhà nước. 6,2 ha ruộng nước của bản cũng đã ngập trong nước. Lương thực của dân bản chủ yếu phụ thuộc vào lúa rẫy, năng suất bấp bênh tùy vào nước trời.

Mỗi ngày ông Lương Văn Giáp phải đi xa chở nước sinh hoạt.
Mỗi ngày ông Lương Văn Giáp phải đi xa chở nước sinh hoạt.

Khó khăn nhất vẫn là những hộ tại điểm TĐC Thủy điện Khe Bố trong bản. Hầu hết các hộ đều thiếu nước sinh hoạt nên rất khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi để nâng cao đời sống. Hàng ngày, những hộ dân này phải tụt dốc gần 1km gùi nước về sử dụng. Trừ những nhà có xe máy để chuyển chở, còn một số gia đình già cả thì phải dùng gùi.

Đã non trưa, ông Lô Văn Lợi dẫn chúng tôi thăm điểm TĐC. Bản khá vắng người, dân bản phần lớn đã đi lên rẫy thu hoạch ngô, lúa. Đường vào điểm TĐC được đổ bê tông có vẻ kiên cố. Ông Lợi cho biết: Đất sản xuất đã bạc màu nên bông lúa rẫy không chắc mẩy nữa, bà con chủ yếu trồng ngô. Một số khác thì tranh thủ xuống dưới thấp chở nước về dùng. Ông Lương Văn Giáp bộc bạch: Mỗi ngày ông phải chở 4 can loại 20 lít mới đủ nước nấu nướng trong gia đình. Còn việc tắm giặt chủ yếu phải xuống bể nước công cộng gần điểm trường mầm non trong bản. Người thì đông, chỗ tắm giặt lại hạn chế nên nhiều người phải chờ tận khuya mới được tắm, nhất là những hôm nóng nực, vừa trên rẫy về lại phải chờ đến lượt tắm giặt thì thật khó chịu. Có người không chờ được phải chạy xuống sông tắm, dù biết là nước rất bẩn. Trong bản chỉ có một vài chiếc bể có nước, còn lại đã khô.

Nhà bà Vi Thị Thiêm ở ngay đầu nhóm dân cư, cũng là hộ neo người nhất. Con cái đều đã lập gia đình, người thì làm ăn xa nên việc gùi nước đều do bà phải tự lo lấy. Những năm gần đây sức khỏe kém hẳn, đi khám thì biết bị suy tim độ 3, người chồng cũng bệnh tật, vì vậy đối với bà, việc gùi nước đủ để sinh hoạt trong gia đình là một điều quá khó khăn.

Tại điểm TĐC có một con suối nhỏ, từ vài năm nay nước chỉ còn rỉ từng giọt lại ô nhiễm, không thể dùng cho sinh hoạt. Anh Lô Văn Xây chuyển đến đây trước cả những nhà TĐC, cũng đã thử đào một cái giếng nhưng nước hôi thối, không thể sử dụng cho việc nấu nướng. Ông Lô Văn Lợi cho biết địa bàn này cao, muốn đào giếng nhưng chỉ vài mét là chạm tầng đá vôi, không thể khoan sâu hơn nữa để tìm mạch nước.

Cũng có một hệ thống nước tự chảy từ bản Càn, cách bản Cánh Tráp khoảng 4 km, nhưng vì ở cuối nguồn, nhưng hộ dân đầu nguồn sử dụng nước kém ý thức nên lực đẩy của nước không lên đến địa bàn điểm TĐC.

Không chỉ có điểm TĐC Cánh Tráp, mà nhiều hộ dân tại bản Tân Hợp (Tam Thái) cũng vậy. Trước đây, khi chưa có công trình thủy điện, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân nơi đây là nước sông Lam và khe Cánh Tráp. Tuy nhiên, từ ngày ngành Điện lực ngăn đập làm thủy điện, nước sông bị tù đọng, không thể sử dụng được, con suối cũng chìm trong lòng hồ. Công trình nước tự chảy bị hỏng hóc đường ống. Anh Ngô Văn Quân, Phó bản Tân Hợp cho biết: “Từ khi Thủy điện Khe Bố ngăn đập, người dân trong bản chủ yếu dùng nước mưa, nước giếng. Thế nhưng, trong bản có nhiều nhà không có điều kiện xây bể hứng nước và đào giếng”.

Người dân khu TĐC Cánh Tráp và bản Tân Hợp đang mong nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và ngành Điện lực, để nguồn nước sinh hoạt được cải thiện!

Hữu Vi