Anh Sơn: Động lực mới, triển vọng mới

21/02/2015 15:56

(Baonghean) - Huyện Anh Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Mấy năm gần đây, nhờ chú trọng đến 2 khâu đột phá là thu hút đầu tư và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đã tạo nên sự đổi thay quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

Triển vọng thu hút đầu tư

Vào dịp cuối năm, không khí sản xuất tại Nhà máy than củi sạch thuộc Công ty TNHH nhiên liệu sạch xã Khai Sơn (Anh Sơn) khá sôi động. Ông Nguyễn Như Long - Giám đốc dự án than củi sạch, cho biết: Nhờ sự quan tâm của huyện Anh Sơn và xã Khai Sơn, sau 3 tháng xúc tiến đầu tư, nhà máy đã được bàn giao mặt bằng và đi vào sản xuất. Hiện nay, dây chuyền đã hoàn thiện 40% khối lượng công việc với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 60 lao động với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Khi dây chuyền hoàn thiện 100% sẽ tạo việc làm ổn định cho 400 lao động địa phương”. Dự án than củi sạch đang góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm gỗ nguyên liệu của bà con nông dân với các sản phẩm gồm: gỗ phôi, viên nén cung cấp nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện và hộ gia đình, cá nhân các nước châu Âu, Nhật Bản.

Công nhân làm việc tại Nhà máy than củi sạch ở xã Khai Sơn.
Công nhân làm việc tại Nhà máy than củi sạch ở xã Khai Sơn.

Sau một thời gian gặp khó khăn, đến nay Công ty TNHH may thêu Khải Hoàn (Thị trấn Anh Sơn) đã ổn định lại sản xuất, chú trọng nhiều đến chính sách cho người lao động. Trong năm 2014, công ty sản xuất hơn 455 ngàn sản phẩm may mặc, xuất khẩu sang thị trường Đông Âu, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, doanh thu gần 50 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; đang tạo việc làm ổn định cho 450 lao động, trên 80% lao động theo hợp đồng được tham gia đóng BHXH theo quy định. Còn ở Công ty CP gạch ngói Tây Nghệ (Cẩm Sơn) sản xuất trên 10 triệu sản phẩm gạch ngói các loại, doanh thu 13 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho trên 100 lao động địa phương.

Với tiềm năng về nguồn nguyên vật liệu xây dựng, đất đai đa dạng phù hợp với nhiều loại cây trồng, đường giao thông thuận tiện, nguồn lực lao động địa phương khá dồi dào, chịu khó... những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, huyện Anh Sơn chú trọng sản xuất nhiều sản phẩm công nghiệp như vật liệu xây dựng, đường kính, chè búp, gò hàn, cưa xẻ, gạch ngói, sản xuất đá xây dựng. Đáng chú ý, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Anh Sơn có 12/20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng số vốn gần 1.000 tỷ đồng. Nổi bật có Công ty TNHH nhiên liệu sạch đầu tư gần 300 tỷ đồng; Công ty CP thương mại Việt Phát đầu tư dây chuyền 5 tỷ đồng, chế biến chè xanh chất lượng cao xuất khẩu sang Nhật (Tổng đội TNXP 1); Dự án Nhà máy tinh bột sắn (Hoa Sơn) quy mô 15 ha; Công ty CP Thương mại Trường Sơn đầu tư 45 tỷ đồng mở xưởng sản xuất cơ khí (khối 2, thị trấn); Công ty CP Thực phẩm Nghệ An đầu tư nhiều mô hình cây trồng hàng hóa mới với 66 ha gấc (10 xã), 15 ha ớt cay xuất khẩu (Hoa Sơn, Tường Sơn). Hiện nay, huyện đã và đang phối hợp với 11/12 doanh nghiệp đầu tư triển khai công tác giao nhận mặt bằng. Dự kiến năm 2015, sau khi đi vào sản xuất ổn định, các nhà máy sẽ tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Bà Võ Thị Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, cho biết: Huyện chú trọng dành đất để quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp trong bàn giao mặt bằng sạch, môi trường, phòng chống cháy nổ; chỉ đạo mở rộng vùng nguyên liệu lên các huyện Con Cuông, Tương Dương. Về phía doanh nghiệp yêu cầu cam kết đảm bảo quyền lợi, tạo niềm tin cho dân. Những chính sách thu hút đầu tư tích cực đã tạo hiệu ứng tốt cho nền kinh tế. Tính đến tháng 12/2014, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng khá như: Chè xuất khẩu đạt 2.963 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ; gỗ cưa xẻ đạt trên 6.439m3, tăng 3% so với cùng kỳ; mộc đạt trên 2.670m3, tăng 3% so với cùng kỳ; may xuất khẩu đạt 455 ngàn sản phẩm, tăng 6% cùng kỳ.

Nâng cao thu nhập cho người dân

Là huyện miền núi khó khăn, để thực hiện mục tiêu chung trong xây dựng nông thôn mới, huyện chú trọng đến việc nâng cao thu nhập cho người dân bằng nhiều cách làm cụ thể, sát thực.

Thứ nhất, chú trọng xây dựng hạ tầng thiết yếu nông thôn mới. Năm 2014, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM đạt 73 tỷ đồng, trong đó, vốn nhân dân đóng góp 30 tỷ đồng. Toàn huyện đã xây dựng, nâng cấp được 103,8 km đường giao thông nông thôn cấp A và B. Nâng cấp, cấp phối được hàng trăm ki-lô-mét đường giao thông và đường nội đồng. Xây dựng, nâng cấp sửa chữa 4,2 km kênh mương các loại phục vụ tưới tiêu, giá trị hơn 6 tỷ đồng, đưa vào sử dụng 2 chợ nông thôn ở Thành Sơn, Lĩnh Sơn rất có hiệu quả.

Thứ hai, tập trung đẩy nhanh chỉ đạo thực hiện “Đề án vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất”.

Đến nay, các xã đã thực hiện dồn đổi trên 3.862,1 ha/4.567,3 ha, đạt 84,6% KH, trong đó: Đất trồng lúa đạt trên 1.800 ha, đất trồng màu đạt trên 2.000 ha. Bình quân sử dụng đất từ 5-7 thửa/hộ xuống còn 1-2 thửa/hộ. Toàn huyện đã đưa vào ứng dụng 300 máy cày đa chức năng; 700 máy hái chè công nghiệp, 200 máy thu hoạch lúa các loại để thâm canh sản xuất. Năm 2014, huyện triển khai 3 mô hình thu nhập cao từ nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình NTM, đó là 2 mô hình trồng và thâm canh cây bí xanh (Tào Sơn và Cẩm Sơn); 1 mô hình ngô trồng dày (Hùng Sơn) cho thu nhập 3 - 7 triệu đồng/sào, tăng gấp 3 lần so với trước chuyển đổi. Mô hình trồng gấc, mô hình nuôi trâu bò hàng hóa (có 13 mô hình trên 20 con trâu, bò/mô hình), mô hình trồng ớt xuất khẩu gần 10 ha, nâng hiệu quả kinh tế từ 2 - 4 lần.

Nhờ thực hiện các giải pháp có tính đột phá, đến nay bộ mặt NTM huyện nhà có nhiều khởi sắc. Toàn huyện có 2 xã (Cẩm Sơn, Hùng Sơn) đạt 15 tiêu chí, 4 xã đạt 11-14 tiêu chí (Tào Sơn, Lĩnh Sơn, Hội Sơn, Vĩnh Sơn), có 8 xã đạt 10 tiêu chí và 4 xã đạt 6 tiêu chí. Trong năm 2014, toàn huyện tăng 30 tiêu chí, bình quân 1,5 tiêu chí/xã. Giá trị thu nhập tăng thêm của người dân đạt trên 18,3 triệu đồng/người/năm, tăng 1 triệu đồng/người/năm so với năm 2013.

Giải pháp chiến lược

Năm 2015, Anh Sơn tập trung mọi nguồn lực thực hiện các mục tiêu đề ra: Tốc độ tăng trưởng đạt 6 - 7%, tỷ trọng công nghiệp tăng 0,1- 0,2%, tỷ trọng thương mại, dịch vụ tăng 0,6-0,7%, tỷ trọng nông nghiệp giảm 0,5 - 0,6%, phấn đấu giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt trên 19,9 triệu đồng.

Để thực hiện mục tiêu trong năm 2015, bà Võ Thị Hồng Lam - Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương sẽ tập trung chú trọng các nhóm giải pháp chính có tính định hướng. Cụ thể: Tập trung rà soát các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2016. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, mỗi xã tăng 2 - 4 tiêu chí, phấn đấu 2 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí về đích NTM đó là Hùng Sơn và Cẩm Sơn, 5 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Với nội dung này, UBND huyện sẽ làm việc với 5 xã đạt nhiều tiêu chí nhất, rà soát từng tiêu chí, xây dựng lộ trình hoàn thành các tiêu chí còn lại; phấn đấu đến năm 2020 có 20% số xã về đích NTM. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch đất và vùng nguyên liệu mía, sắn, cao su, chè phục vụ công nghiệp chế biến. Chủ động phát triển các mô hình kinh tế thu nhập cao cho người dân. Đặc biệt, làm tốt công tác thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phấn đấu 4 - 5 doanh nghiệp đi vào hoạt động trong năm 2015 tạo nhiều việc làm cho lao động.

Lương Mai