Nhớ một thời sống giữa yêu thương

07/11/2014 09:37

(Baonghean.vn) - Đối với hai vợ chồng chúng tôi, đất nước Liên Xô - nước Nga hiện nay là cái tên, địa chỉ không bao giờ quên. Không những thế chúng tôi còn xem như là quê hương thứ hai của mình.

TIN LIÊN QUAN

Năm 1971, học xong trung học phổ thông thi đậu đại học, chúng tôi được Đảng và nhà nước cử sang học tại Liên Xô. Vợ tôi đi sau vào năm1972, đây là thời kỳ mà cuộc chiến tranh chống Mỹ đánh phá miền Bắc đi vào giai đoạn ác liệt nhất, máy bay B52 ném bom bừa bãi rải thảm không hạn chế thảm sát dân thường, phá hoại cơ sở hạ tầng hết sức nặng nề nhằm đưa Việt nam trở về thời kỳ đồ đá. Hồi mới sang Liên xô tôi học dự bị tại thành phố Ba Cu - thủ đô của nước Cộng hoà Azécbaizan bây giờ, còn vợ tôi học ở Varonnhet một thành phố ở phía nam của nước Cộng hoà liên bang Nga, tức nước Nga bây giờ.

Nói là học dự bị nhưng thực chất là chúng tôi học ngoại ngữ tiếng Nga để sau một năm đủ điều kiện vào học tại các trường đại học của Liên Xô. Năm đầu tiên vô cùng vất vả, yêu cầu học tập thì cao trong khi đó khả năng của lưu học sinh Việt Nam do khác nhau xa về văn hoá và ngôn ngữ nên bị hạn chế, ai nấy cũng đều phải gồng mình lên để học, có nhiều bạn quá lo lắng đến phát ốm ra, thậm chí không học được phải về nước sớm. Xong năm học dự bị chúng tôi may mắn được chuyển về cùng học tại một thành phố là Leningrat, tức Saint- Peterburg bây giờ, tôi thì học tại Học viện kỹ thuật lâm nghiệp, trường có bề dày lịch sử gần 200 năm thành lập (1803), còn vợ tôi học tại trường Đại học sư phạm, chúng tôi ở cách xa nhau khoảng chừng 30 phút đi bằng tàu điện ngầm Metro.

Lêningrát từng là thành phố cố đô của nước Nga giống như thành phố Huế của Việt Nam, đẹp thơ mộng nổi tiếng về du lịch của châu Âu và thế giới. Thành phố có sông tự nhiên Neva thơ mộng chảy qua với hàng chục chiếc cầu bắc qua mang đủ các kiểu dáng mà nhìn vào thấy vừa hiện đại lại vừa đẹp rộng đủ cho 8 đến 10 làn xe ô tô chạy được, thế nhưng cứ vào độ 2 đến 5 giờ sáng là cầu được điều khiển mở về hai phía cho tàu bè có trọng tải lớn qua lại. Điểm nhấn đặc biệt của thành phố Leningrat là có rất nhiều bảo tàng cung điện như Cung điện mùa Đông, Cung điện mùa hè, Nhà thờ thánh Isac, Chiến hạm Rạng đông...

Công bằng mà nói tôi cũng đã có dịp được đi nhiều nước trên thế giới nhưng nước Nga trong đó có thành phố Lêningrat với rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng, là địa chỉ, điểm đến hấp dẫn để lại trong lòng du khách đến thăm nhiều ấn tượng, đã đi một lần rồi lại muốn đi nữa. Chúng tôi sống ở Leningrat đến năm 1977 thì tốt nghiệp về nước, trong suốt cả thời gian học ở nước ngoài tôi không có điều kiện về phép nên đây là lần về sau 6 năm xa cách gia đình và người thân. Hồi đó lưu học sinh sang Liên Xô và các nước Đông âu đi hoàn toàn bằng phương tiện tàu hoả cả khi đi và về gọi là tàu Liên vận quốc tế Moscova - Bắc Kinh chạy thường phải mất 9 ngày đêm liên tục trên tàu qua Trung Quốc, Mông Cổ.

Năm 1977 cũng là năm mà chúng tôi được chứng kiến những đoàn tàu liên vận cuối cùng tồn tại, sau đó việc chuyên chở lưu học sinh đi Liên Xô và các nước Đông âu chỉ bằng một loại phương tiện duy nhất là đường hàng không của hãng Aeroflot Liên Xô bay quá cảnh qua thành phố Carashi thủ đô Pakistan, không phải như bây giờ ngoài hãng Aeroflot còn có hãng Vietnam Airline mở đường bay thẳng Hà Nội – Moscova bằng máy bay cỡ lớn Boing 777, bay liên tục mất 9 tiếng đồng hồ. Ngoài ra từ thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang cũng có các chuyến bay thẳng như vậy với tần suất mỗi tuần 2 chuyến rất thuận tiện.

Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi được Bộ đại học và trung học chuyên nghiệp phân công về Nghệ An công tác làm việc cho đến lúc nghỉ hưu. Nói chung, những người về làm việc ở địa phương như chúng tôi thường rất ít cơ hội được quay trở lại đất nước Nga không như ở các cơ quan ban ngành trung ương. Đối với tôi cũng thật may mắn là năm 2007 nghĩa là đúng 30 năm sau khi ra trường lần đầu tiên tôi được quay trở lại đất nước Nga, đi dịp này là theo lời mời tham gia Diễn đàn của những học sinh tốt nghiệp đại học tại Liên Xô cũ, tổ chức theo sáng kiến của Tổng thống Putin tại trường đại học tổng hợp Lômônôxốp thành phố Moscova. Đây là Diễn đàn lần thứ hai còn lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2003 và cho đến nay đã tổ chức được 3 lần do Bộ ngoại giao và Bộ giáo dục Nga chủ trì.

Tại diễn đàn năm 2007 mà tôi được dự có sự tham gia của đại biểu đến từ hơn 60 nước đầy đủ mọi thành phần lứa tuổi, trong đó có cả những người hiện nay là lãnh đạo nguyên thủ quốc gia của một số nước từng là lưu học sinh học tập ở Liên Xô trước đây. Điều đặc biệt và thật là ấn tượng ở một diễn đàn quốc tế rộng và đông như vậy nhưng không hề có phiên dịch tất cả đều dùng một ngôn ngữ tiếng Nga để giao dịch, tuy đã lâu hàng chục năm không nói tiếng Nga nhưng cũng đủ hiểu nhiều khi mới đầu là phải nói bằng tay. Và cũng thật là kỳ lạ là khi có điều kiện được tiếp xúc trở lại, khả năng tiếng nga được phục hồi rất đáng ngạc nhiên thấy được từng ngày, nói chung sang ngày thứ hai là cơ bản giao tiếp được.

Sau này tôi có một số cơ hội nữa được sang Nga vào các năm 2011 và 2013, trong đó năm 2011 chúng tôi đi theo kiểu du lịch tự do không theo tour nào cả kết hợp về thăm trường cũ nhận kỷ niệm chương nhân 200 năm thành lập mà năm 2003 có giấy mời nhưng tôi không sang được vì lý do bận công tác. Được về trường cũ sau gần bốn mươi năm xa cách thật biết bao là cảm động bồi hồi khó tả. Chúng tôi đã được nhà trường bố trí cho ở ký túc xá sinh viên như ngày nào với giá chỉ bằng ¼ ở ngoài nhưng đầy đủ các tiện nghi theo kiểu căn hộ như ở ta có các phòng riêng biệt, phòng bếp, nhà tắm và công trình phụ khép kín, tóm lại là rất thoải mái và tiện ích.

Các lưu học sinh trong ngày hội ngộ
Các lưu học sinh trong ngày hội ngộ

Chúng tôi ra đi học đại học khi đất nước còn chiến tranh nhưng khi trở về thì đã hoà bình thống nhất; khi còn là lưu học sinh được học tập trong các trường đại học của Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết cường quốc hùng mạnh thành trì của hoà bình thế giơí nhưng đến khi được trở lại thì Liên Xô không còn nữa, tất cả đã đi vào dĩ vãng, ký ức. Lần đầu tiên quay trở lại đất nước Nga chúng tôi đã được chứng kiến có rất nhiều thay đổi nhưng khái quát nhất mà trong đoàn đi ai cũng có chung một nhận xét là con người Nga vẫn như xưa, đôn hậu chất phác giàu lòng mến khách, nhưng về xã hội nga thì hoàn toàn khác, có thể nói là khác xưa một trời một vực, cảm thấy được cảm giác thiếu an toàn, an ninh kém, phân hoá giàu nghèo, người nghèo đi xin ăn ở đường hay dưới sân ga tàu điện ngầm metro là không hiếm.

Nhớ lại thời còn là lưu học sinh chúng tôi đã được sống trong sự cưu mang đùm bọc của nhà nước và nhân dân Nga, thấy xã hội Nga như là thiên đường, rồi cứ thầm mơ ước đến một ngày nào đó xã hội Việt Nam phát triển rồi cũng được như vậy. Cuộc sống của các tầng lớp nhân dân thật dễ chịu, giá cả các loại hàng hoá, thực phẩm tiêu dùng so với mặt bằng lương của cán bộ công chức rất rẻ và không thiếu; giao thông công cộng phục vụ đi lại của người dân như tàu điện ngầm, ôtôbuýt, ôtô điện hay tàu điện rất rẻ, có thể nói là gần như miễn phí; rồi y tế và giáo dục đều được đặc biệt quan tâm phát triển theo yêu cầu cho tất cả mọi người không phân biệt đối tượng.

Đối với sinh viên lưu học sinh Việt Nam được nhà nước Liên Xô hồi đó cấp chế độ học bổng hàng tháng có thể nói là đủ sống, thậm chí sống đàng hoàng không cần phải lo nghĩ để toàn tâm toàn ý cho việc học. Lần nào quay trở lại Nga chúng tôi cũng đều cố gắng tranh thủ tìm hiểu, gặp gỡ hỏi chuyện người dân Nga về tình hình thời cuộc, rồi cuộc sống mưu sinh hiện tại thì thấy rằng trong đại đa số những người mà chúng tôi được gặp trừ một số rất ít thanh niên, những người trẻ tuổi mới được sinh ra sau này, còn lại đều tỏ ra luyến tiếc với những gì của cuộc sống trước đây, ước mơ bao giờ cho đến ngày xưa là khá rõ trong những suy nghĩ của họ. Một số người từng là trí thức có trình độ hiểu biết nhất định khi gặp chúng tôi, biết chúng tôi từng là lưu học sinh ở đây đều hỏi thăm tình hình Việt Nam, chúc mừng, cảm kích trước một Việt Nam đổi mới và phát triển, họ còn nói với chúng tôi là mong cho xã hội Nga cũng được như vậy, cũng giống như trước đây chúng tôi đã từng ước mơ sau này xã hội Việt Nam cũng được như Liên Xô vậy.

Năm 2013 tôi lại có dịp được quay lại nước Nga theo lời mời dự kỷ niệm 50 năm thành lập Hội hữu nghị Nga - Việt. Đoàn đi của chúng tôi được phía bạn đón tiếp rất trọng thị, có nhiều ấn tượng sâu sắc, được gặp rất nhiều người từng là chính khách, nhân vật nổi tiếng trong mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga như các tướng lĩnh chỉ huy đã từng sang phục vụ chiến đấu ở Việt Nam trong chiến tranh, vợ của anh hùng phi công vũ trụ German Titop (German Titop đã sang Việt Nam và được Bác Hồ tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, ở tỉnh Quản Ninh có một hòn đảo được đặt tên Titop), phi công vũ trụ Gorbaco trong chuyến bay có phi công vũ trụ Phạm Tuân của Việt Nam...

Gặp nhau như người nhà thân thuộc, các bạn Nga nhắc lại những kỷ niệm một thời công tác, sang thăm việt nam đã để lại cho họ nhiều ấn tượng tốt đẹp. Thật là cảm động khi nghe các bạn Nga trong đó có hai trung tướng mới từ Việt Nam về, đi theo lời mời của Bộ Quốc phòng nước ta nói về những gì mà họ đã được tai nghe mắt thấy, về một Việt Nam đổi mới và phát triển, cảm ơn chính phủ, Bộ Quốc phòng ta đã dành cho họ những điều kiện hết sức thuận lợi trong suốt chuyến hành trình mà đúng như các cựu chiến binh nói là được về thăm lại chiến trường xưa.

Các lưu học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Nga
Các lưu học sinh chụp ảnh lưu niệm tại Nga

Bây giờ sau hơn 40 năm ngồi nghĩ lại có biết bao nhiêu kỷ niệm một thời lưu học sinh mà mình đã được sống, học tập trong sự cưu mang đùm bọc, đào tạo giáo dục trưởng thành như hôm nay. Những kỷ niệm đó đã, đang và sẽ không thể nào quên trong cuộc đời của mỗi chúng tôi.

Tô Hồng Hải

(Cựu lưu học sinh tại Liên Xô cũ, khóa 1971-1977, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nga tỉnh Nghệ An)