'Mục tiêu của U23 Việt Nam là lọt vào trận chung kết SEA Games 28'
Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng trong cuộc trao đổi đầu Xuân Ất Mùi, liên quan đến những mục tiêu quan trọng của Thể thao Việt Nam trong năm 2015.
Xin chào ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nhìn lại toàn cảnh thể thao Việt Nam trong năm 2014, theo ông đâu là những thành công và hạn chế cần khắc phục trong năm mới?
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: Năm 2014 qua đi để lại nhiều cảm xúc khác nhau trong lòng những người làm công tác thể dục thể thao. Trước hết, phải nói về sự phát triển của thể thao quần chúng, thông qua sự thành công về tổ chức Đại hội TDTT các cấp. Đã có 98,5% xã, phường, thị trấn; 99,8% các quận, huyện và 100% tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức thành công đại hội. Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII cũng đã kết thúc tốt đẹp tại Nam Định và nhiều tỉnh, thành trên cả nước, ghi nhận nhiều kỷ lục đại hội, kỷ lục quốc gia mới.
Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đánh giá mục tiêu lọt vào trận chung kết SEA Games 28 của đội tuyển U23 Việt Nam là tương đối nặng nề. Ảnh: Thanh Hà
Qua tổ chức Đại hội TDTT các cấp cũng ghi nhận sự tham gia, hưởng ứng và cổ vũ tích cực của đông đảo nhân nhân đối với các hoạt động thể thao. Với thể thao thành tích cao, năm 2014 là một năm ghi dấu ấn của nhiều gương mặt VĐV trẻ qua thành tích 2 HCV của Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) và lực sỹ Nguyễn Trần Anh Tuấn (cử tạ) tại Olympic trẻ tại Nam Kinh, Trung Quốc.
Tại ASIAD 17, dù đoàn Thể thao Việt Nam chưa hoàn thành chỉ tiêu giành từ 2-3 HCV, nhưng cũng đã đem về nhiều thành tích xuất sắc, cho thấy sự phát triển đặc biệt đối với 5 môn thể thao lần đầu tiên có huy chương tại ASIAD gồm thể dục dụng cụ, xe đạp, quyền Anh, đấu kiếm và bơi. Thể thao người khuyết tật cũng tạo đột phá mạnh mẽ bằng việc lần đầu tiên có mặt trong tốp 10 tại Asian Para Games.
Riêng môn bóng đá là những hiệu ứng tích cực mà đội tuyển U19 tạo nên, thành tích lọt vào tốp 4 tại ASIAD của đội tuyển bóng đá nữ và nhiều tín hiệu tích cực xuất hiện ở đội tuyển U23 quốc gia và đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2014 khép lại với ít nhiều sự trăn trở đối với những người làm công tác thể thao. Đó là hiện tượng tiêu cực xuất hiện ở 2 CLB Ninh Bình và Đồng Nai, vẫn còn tình trạng có đội bóng bỏ giải ở V-League tạo nên sự bất ổn đối với môi trường bóng đá chuyên nghiệp.
Ngoài ra, những hành vi bạo lực trên sân cỏ, những phản ứng thiếu văn hóa trong giới HLV, VĐV, những hiện tượng này dù không nhiều nhưng đem lại tác động rất lớn tới hình ảnh nền thể thao nước nhà.
Trong năm 2015, đâu là những mục tiêu quan trọng của Thể thao Việt Nam thưa ông?
- Về công tác quản lý nhà nước, ngành thể thao sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của Luật Thể dục Thể thao sau 8 năm tiến hành nhằm tham mưu, đề xuất Quốc hội sửa đổi luật cho phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra sẽ sơ kết việc thực hiện nghị quyết số 16 của Chính phủ về việc triển khai thực hiện nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về Thể dục, Thể thao đến năm 2020 và nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ hoạt động TDTT để tham mưu, đề xuất với Chính phủ nhằm thay đổi chính sách, cơ chế về hoạt động TDTT nhằm tạo nên sự thay đổi cơ bản và toàn diện về công tác quản lý, điều hành hoạt động TDTT theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, chyên nghiệp hóa hoạt động TDTT…
Với thể thao thành tích cao, trong năm 2015 trọng tâm là việc chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự SEA Games 28 và các cuộc thi đấu giành suất tham dự Olympic 2016. Hiện tại, với chủ trương đầu tư các môn thể thao có trọng tâm, trọng điểm, có chiều sâu và không dàn trải, diện mạo TTVN sẽ có nhiều thay đổi và chúng ta sẽ ưu tiên hơn cho các môn, các nội dung thế mạnh nằm trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD, đồng thời, thu hẹp bớt một số các môn, các nội dung khác.
Vừa qua, Bộ VH, TT&DL cũng đã chính thức phê duyệt danh sách 48 VĐV được đầu tư trọng điểm (lần thứ nhất) và thể thao Việt Nam sẽ có thêm nhiều hy vọng mới từ chủ trương này. Ngoài ra, sau khi tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII, ngành thể thao cũng sẽ rà soát, đánh giá và có những điều chỉnh về công tác tổ chức Đại hội lần tới nhằm phù hợp hơn với các điều kiện thực tế và làm sao để sân chơi này thực sự là cuộc thi đấu đỉnh cao của thể thao thành tích cao nước nhà.
Lứa cầu thủ trẻ HAGL từng gây tiếng vang lớn dưới màu áo đội tuyển U19 Việt Nam trong năm 2014. Ảnh: HAGL
Trong năm 2014, đội tuyển U19 đã tạo nên một hiện tượng thú vị và nhìn từ hiện tượng này thì quan điểm của Tổng cục TDTT như thế nào trong việc đào tạo và sử dụng VĐV trẻ ở các đội tuyển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng?
- Trên thực tế thì việc đào tạo trẻ của thể thao Việt Nam hiện tại đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và đặc biệt về nguồn kinh phí nên có nhiều địa phương chưa thực hiện tốt và chưa đặt công tác đào tạo trẻ vào đúng vị trí và vai trò của nó trong quá trình phát triển thể thao. Đây cũng là nỗi trăn trở rất lớn của chúng tôi về vấn đề này nhiều năm qua.
Trong năm 2014, ngoài hiện tượng mà các cầu thủ trẻ của đội tuyển U19 trưởng thành từ lò đào tạo của CLB Hoàng Anh Gia Lai tạo nên, cùng với sự xuất hiện của rất nhiều gương mặt VĐV trẻ xuất sắc ở nhiều môn thể thao khác, đó là những tín hiệu tốt nhưng không thể phủ nhận là vẫn còn hạn chế. Về phía Tổng cục TDTT luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể đối với các địa phương, để làm sao công tác đào tạo trẻ ngày càng có hiệu quả nhưng chúng tôi cũng gặp ít nhiều khó khăn và để tháo gỡ khó khăn này thì cần có giải pháp như việc kêu gọi các nguồn xã hội hóa và sửa đổi cơ chế, chính sách, nhằm tạo sức hấp dẫn hơn đối với các VĐV đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp.
Đối với việc sử dụng VĐV trẻ, rõ ràng, các VĐV trẻ đã tạo nên những hiệu ứng tích cực mà điển hình như hiện tượng ở đội tuyển U19 năm vừa qua nhưng việc sử dụng VĐV trẻ cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Không thể đòi hỏi ở các VĐV trẻ ngay lập tức phải có thành tích vượt các VĐV đã trưởng thành rồi. Để đạt được thành tích thể thao là quá trình tích lũy lâu dài về thể lực, chuyên môn, kinh nghiệm và tâm lý, ý chí. Vì thế, đối với việc sử dụng VĐV trẻ ở các môn, các đội tuyển phải vừa là yêu cầu, vừa là nhiệm vụ để các em có được sự trưởng thành và nên có sự kết hợp, kèm cặp, hỗ trợ từ các VĐV đã trưởng thành để làm sao các đội tuyển luôn hoàn thành được nhiệm vụ và mục tiêu đề ra.
Với riêng đội tuyển U23 quốc gia, Tổng cục TDTT đặt chỉ tiêu như thế nào với đội tuyển tại SEA Games 28 tới đây?
- Tại Hội nghị BCH Ủy ban Olympic Việt Nam diễn ra hồi đầu năm 2015, chúng tôi cũng đã xây dựng chỉ tiêu về thành tích đối với đoàn Thể thao Việt Nam khi tham dự SEA Games 28. Với riêng đội tuyển U23 quốc gia môn bóng đá nam, Tổng cục TDTT đề ra chỉ tiêu phấn đấu lọt vào trận chung kết. Cũng phải nói rõ rằng, dù là chỉ tiêu phấn đấu xong cũng hết sức nặng nề trong bối cảnh nền bóng đá các quốc gia trong khu vực đang ngày một phát triển và đòi hỏi LĐBĐVN, BHL và bản thân các tuyển thủ sẽ phải nỗ lực, cố gắng ở mức cao nhất trong tập luyện, thi đấu để đáp lại sự kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ nước nhà.
Nhân dịp xuân mới Ất Mùi, thay mặt những người làm công tác thể thao và Tổng cục TDTT, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân thành và lời chúc dồi dào sức khỏe, hạnh phúc với toàn thể người hâm mộ thể thao nước nhà. Chúng tôi cũng mong rằng, người hâm mộ trong cả nước sẽ tiếp tục đồng hành, cổ vũ, hỗ trợ, giúp đỡ và đóng góp ý kiến để thể thao Việt Nam ngày càng phát triển.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi và xin được chúc thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công trong năm Ất Mùi.
Theo TTVH