Phát huy lợi thế, bứt phá đi lên

20/02/2015 10:42

(Baonghean) - Là huyện lúa, nhưng với tiềm năng và lợi thế sẵn có cùng với những chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư, huyện Yên Thành đang vươn lên, bứt phá mạnh mẽ. Trước thềm năm mới 2015, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Tiến Lợi - Tỉnh ủy viên, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành.

P.V: Thưa đồng chí, năm 2014 với tinh thần nâng cao năng lực lãnh đạo, phát huy dân chủ, đoàn kết, giữ vững kỷ cương, ổn định an ninh trật tự, Yên Thành vươn lên phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững. Xin đồng chí cho biết những kết quả cụ thể đã đạt được?

Đồng chí  Nguyễn Tiến Lợi
Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi
Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi: Năm 2014, với sự quan tâm của cấp trên, sự nỗ lực của các cấp, ngành, các doanh nghiệp và nhân dân toàn huyện, kinh tế - xã hội của Yên Thành đạt được kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 13%, đạt 100% KH; giá trị sản xuất đạt 8.542 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 45,32%, giảm 1,83%; công nghiệp - xây dựng chiếm 19,63%, tăng 0,01%; dịch vụ chiếm 35,04%, tăng 1,81%; thu nhập bình quân đầu người đạt 22,2 triệu đồng/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2013. Riêng ngành nông, lâm, thủy sản giá trị sản xuất đạt 3.328 tỷ đồng.

Để khai thác lợi thế là vựa lúa của tỉnh, Yên Thành từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, đẩy mạnh công tác khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất lúa gắn với ứng dụng các phương pháp canh tác tiên tiến; xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, vì vậy năng suất lúa đạt cao, với bình quân cả năm đạt 60,72 tạ/ha, tăng 5,04 tạ/ha so cùng kỳ, tổng sản lượng lương thực đạt 165.952 tấn. Mô hình cây trồng mới được khẳng định hiệu quả và tạo được thương hiệu như: cam Đồng Thành được công nhận tiêu chuẩn VietGAP, lúa tím thảo dược có giá trị hàng hóa cao, sản xuất nấm ước đạt 390 tấn. Về chăn nuôi: giá trị sản xuất ước đạt 1.357 tỷ đồng. Về lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ Yên Thành đã thực hiện tốt bảo vệ 5.100 ha rừng, chăm sóc 900 ha, phun phòng 300 ha rừng thông, trồng trên 400 ha rừng của Dự án W3 và Dự án 147.

Các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được đầu tư xây dựng, hoạt động hiệu quả. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 3.617 tỷ đồng, lĩnh vực chế biến đá xây dựng hoạt động khá hiệu quả như Công ty TNHH Thành Nam tại cụm tiểu thủ công nghiệp Đồng Thành có vốn đầu tư trên 25 tỷ đồng mua sắm hệ thống thiết bị máy móc, gồm 3 dàn xay, 5 máy xúc lật, 10 xe ô tô vận tải khai thác chế biến hàng năm đạt trên 60.000m3 đá các loại, tạo việc làm cho trên 70 lao động. Công ty TNHH Đông Thành đầu tư vốn trên 20 tỷ đồng mua 2 dàn xay đá, 2 trạm điện, 7 xe ô tô vận tải, 4 máy đào và máy xúc lật, tạo việc làm cho 84 lao động; khai thác chế biến đá đạt 43.000m3 các loại…

Hoạt động làng nghề, làng có nghề tiếp tục duy trì, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động nhàn rỗi, tổng giá trị sản phẩm đạt hơn 15 tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội hơn 4.250 tỷ đồng. Ngành dịch vụ giá trị sản xuất ước đạt 1.597 tỷ đồng. Điển hình Công ty xây dựng Việt Phát đã đầu tư dây chuyền sản xuất 10.000 tấn phân bón/năm với 10 loại sản phẩm phân bón, cung ứng cho các thị trường ở Yên Thành, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Con Cuông...

l Nhà máy may công nghiệp của Công ty TNHH MLB TENERGY tại Yên Thành.  Ảnh: Thu Huyền
Nhà máy may công nghiệp của Công ty TNHH MLB TENERGY tại Yên Thành. Ảnh: Thu Huyền

Mở rộng quy mô Nhà máy may Nhật Bản, Nhà máy gạch tuynel Đồng Thành đã đi vào sản xuất công suất 40 triệu viên/năm. Huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công Đền thờ liệt sỹ Yên Thành, với tổng trị giá đầu tư trên 45 tỷ đồng (do Công ty CPXD Nhân Thắng thi công); đến thời điểm này vẫn duy trì trên 50 lao động và các phương tiện cơ giới, đã hoàn thành hạng mục san lấp, xây dựng được trên 70% phần thô đền thờ, dự định tháng 5/2015 Đền thờ liệt sỹ Yên Thành sẽ hoàn thành để đáp ứng nguyện vọng và tâm huyết của nhân dân Yên Thành về công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với các liệt sỹ đã có công trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Chuẩn bị khởi công xây dựng tượng Phật tại Rú Gám và trùng tu khu di tích gốc đền Chùa Gám. Tiến hành GPMB cụm công nghiệp Thị trấn Yên Thành để bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư. Công tác thu trên địa bàn đạt 199,2 tỷ đồng, chi đạt hơn 876 tỷ đồng.

Đến nay, toàn huyện có 38/38 xã hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, làm mới 129 km đường bê tông xi măng. Về xây dựng NTM , có 12 xã hoàn thành từ 15 đến 19 tiêu chí, có 6 xã: Phúc, Nam, Đô, Nhân, Long và Hợp Thành đủ điều kiện đạt chuẩn. 12 xã đạt 10 – 14 tiêu chí, 14 xã đạt từ 5 – 9 tiêu chí. Công tác giáo dục đạt kết quả tích cực, có 12 giáo viên mầm non đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi tỉnh, 359 học sinh giỏi tỉnh. Công tác khám, chữa bệnh tốt, Bệnh viện Đa khoa Yên Thành thực hiện tốt y đức, cải cách hành chính, khám chữa bệnh vượt chỉ tiêu, khám bệnh 107%, cấp cứu 167%, phẫu thuật 101%... 29/29 xã đạt chuẩn thiết chế văn hoá- thông tin thể thao, tỷ lệ làng văn hóa đạt 56,7%.

Nông dân xã Nam Thành làm hệ thống kênh mương thủy lợi. Ảnh: V.T
Nông dân xã Nam Thành làm hệ thống kênh mương thủy lợi. Ảnh: V.T

Công tác chính sách xã hội, giải quyết việc làm đạt kết quả khá. Xây dựng mới 50 nhà tình nghĩa, ủng hộ Quỹ vì người nghèo đạt 1,3 tỷ đồng, toàn dân hưởng ứng ủng hộ đóng góp xây dựng đền thờ liệt sỹ huyện hơn 4 tỷ đồng; nhận từ nguồn tài trợ của con em Yên Thành ở xa quê hương và các nhà hảo tâm số tiền gần 7 tỷ đồng để xây dựng nhà truyền thống kiêm thư viện huyện và bổ sung vào quỹ khuyến học. Có 1.150 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài, 2.750 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước; đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,8% xuống còn 6,32%, đạt 100% KH. Quốc phòng an ninh được giữ vững.

P.V: Xin đồng chí cho biết hướng phát triển KT-XH năm 2015?

Đồng chí Nguyễn Tiến Lợi: Năm 2015, huyện phấn đấu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh và phúc lợi xã hội. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng ruộng, hình thành các vùng chuyên canh tập trung. Đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng nhanh các tiến bộ KHKT vào sản xuất, phòng trừ tốt dịch bệnh.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Văn Trường (Thực hiện)