Hưng Nguyên triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển

18/02/2015 22:59

(Baonghean) - Năm 2014 khép lại, Hưng Nguyên đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, là tiền đề, động lực tạo sự phát triển mới trong năm 2015. Báo Nghệ An đã phỏng vấn đồng chí Ngô Phú Hàn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện về những định hướng, nhiệm vụ năm 2015 của huyện.

Bà con xã Hưng Long (Hưng Nguyên) đưa cơ giới vào thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Nguyên Sơn
Bà con xã Hưng Long (Hưng Nguyên) đưa cơ giới vào thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Nguyên Sơn

Phóng viên: Thưa đồng chí! Năm 2014, Hưng Nguyên đã phát triển khá toàn diện. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của huyện trong năm qua?

Đồng chí Ngô Phú Hàn: Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 7,03%/kế hoạch cả năm 6 - 7%. Có 21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng hợp lý, trong đó tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản giảm còn 26,71%; công nghiệp và xây dựng tăng lên 38,94%; dịch vụ là 34,35%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 22,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,54%. Huyện tiếp tục mở rộng diện tích lúa hàng hóa và xây dựng 10 cánh đồng mẫu lớn cơ cấu giống lúa chất lượng cao. Tổng sản lượng lương thực đạt 63.454 tấn, tăng 6% so cùng kỳ. Thu ngân sách đạt 108,5 tỷ đồng, bằng 138,2% dự toán tỉnh giao, 117,1% dự toán HĐND huyện giao. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh và được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng tích cực. Đến nay Hưng Nguyên có 2 xã về đích nông thôn mới; 10 xã đạt 10 - 15 tiêu chí; 9 xã đạt 5 - 9 tiêu chí; 1 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Năm 2014, các xã đã đầu tư, nâng cấp được 45 km đường giao thông, 4,5 km kênh mương và 17 công trình các loại từ việc lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Tổng giá trị đầu tư đạt 45,9 tỷ đồng, tăng 131,5% so năm 2013.

Công tác đầu tư xây dựng được tập trung chỉ đạo, chú trọng một số dự án quan trọng, như: Nhà tả vu – hữu vu Khu lưu niệm Lê Hồng Phong; đường Lê Xuân Đào; đường nối QL46 vào xã Hưng Đạo; khu tái định cư đường nối Quốc lộ 46 với đường tránh Vinh; cầu Đen Hưng Lợi; các công trình giao thông, thủy lợi, trường học... ở các xã, thị trấn theo quy hoạch xây dựng NTM. Huyện đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất giai đoạn đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015. Đã có 11 xã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08-TU, 9 xã đang triển khai trên thực địa. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng; 17/23 xã, thị trấn thực hiện đề án thu gom, xử lý rác thải, và đang tiếp tục triển khai nhân rộng, tỷ lệ xử lý rác thải bình quân đạt 77%.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư được thực hiện nghiêm túc, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự - an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân ổn định và ngày càng được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục được củng cố. Với những kết quả chủ yếu nêu trên, năm 2014, phong trào thi đua yêu nước và chính quyền huyện được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Đảng bộ Hưng Nguyên tiếp tục được công nhận Đảng bộ vững mạnh.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở đối với Hưng Nguyên là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Phú Hàn: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng, song vẫn còn một số chỉ tiêu quan trọng huyện không hoàn thành kế hoạch. Việc chỉ đạo triển khai sản xuất vụ đông trên đồng đất Hưng Nguyên và nhân rộng các mô hình kinh tế còn khó khăn. Tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM chưa đồng đều giữa các xã, huy động nguồn lực đầu tư khó khăn. Công tác quản lý quy hoạch, nhất là quản lý hành lang giao thông vẫn còn hạn chế. Tiến độ thực hiện các đề án trường đạt chuẩn quốc gia, xã có thiết chế VH-TT đạt chuẩn quốc gia, xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế còn chậm. Chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn còn bất cập, số lao động sau đào tạo nghề chưa tìm được việc làm còn nhiều. Tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.

Những tồn tại nêu trên, ngoài các nguyên nhân khách quan, phải kể đến một số nguyên nhân chủ quan, đó là: Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tốt. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của một số ban, ngành cấp huyện, cấp xã trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở chưa sâu sát, chưa quyết liệt. Là huyện thuần nông, Nhà nước hạn chế chuyển đổi đất lúa, nên việc huy động nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khó khăn.

Phóng viên: Theo đồng chí, Hưng Nguyên cần phải làm gì để tạo ra bước đột phá trong năm 2015?

Đồng chí Ngô Phú Hàn: Trên cơ sở nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bước sang năm 2015 - năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015); năm đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Hưng Nguyên đang đặt ra mục tiêu tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế với nâng cao chất lượng tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu chủ yếu của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015, góp phần cùng cả tỉnh thực hiện Nghị quyết 26- NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Để đạt được mục tiêu chung đó, nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra là tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển cây màu, cây vụ đông, gắn với triển khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Tích cực chỉ đạo hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; tăng cường mở rộng phối hợp với các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đưa cơ giới vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hoá, nhằm tăng nhanh giá trị trên đơn vị diện tích. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó, chú trọng thu hút các chương trình, dự án đầu tư phù hợp với tiềm năng lợi thế của huyện, trọng tâm là dự án Becamex Bình Dương theo chủ trương thu hút của tỉnh. Duy trì có hiệu quả các làng nghề phát triển các ngành nghề mới. Quan tâm phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử, văn hóa tâm linh gắn với các khu di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững hơn. Tập trung công tác GPMB và tiến độ xây dựng các công trình, thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn mới; phấn đấu tăng thu ngân sách. Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các chỉ tiêu văn hóa – xã hội khác, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trên, trong chỉ đạo, điều hành cần triển khai đồng bộ các giải pháp về kinh tế, chính trị, xã hội. Đôn đốc triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế trang trại, đề án phát triển kinh tế vùng bãi ven sông Lam, mở rộng mô hình cánh đồng mẫu, phát triển bò lai sind, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển làng nghề… Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, nhất các lĩnh vực còn có chỉ tiêu đạt thấp so với nghị quyết đại hội; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ thực hiện các mô hình, cánh đồng mẫu lớn, bao tiêu sản phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM. Tăng cường công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, dự án trên địa bàn. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ, thực hiện tốt công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ; làm tốt công tác đào tạo nâng cao trình độ tay nghề của người lao động. Tăng cường cải cách hành chính gắn với thực hiện tốt quy chế làm việc, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.

Minh Chi (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN