"Cuộc chiến" chống ma túy ở Tương Dương:Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc
(Baonghean) - Nhiều năm qua, Tương Dương là địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy. Trước tình hình đó, Huyện ủy đã ban hành và triển khai Nghị quyết 03-NQ/HU năm 2011 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng xã, bản, cơ quan, trường học lành mạnh không có ma túy”. qua 3 năm thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Những điểm sáng
Trước đây, xã Yên Hòa (Tương Dương) có 12 bản thì chỉ có 1 bản là không có người nghiện và buôn bán ma túy; 11 bản còn lại đều có người nghiện ma túy, thậm chí có đối tượng vừa tiêm chích vừa bán lẻ ma túy. Theo công an xã Yên Hòa, tính đến tháng 4/2012, toàn xã có 40 người nghiện ma túy, trong đó tập trung ở lứa tuổi thanh, thiếu niên (chiếm 70%). Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy, tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy có xu hướng giảm. Nhằm đưa Nghị quyết của Huyện ủy đi vào cuộc sống, Đảng ủy xã cũng đã xây dựng nghị quyết về vấn đề này. Trong đó, Đảng ủy chú trọng lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Các thành viên trong Ban tuyên truyền thường xuyên về các bản, hay lồng ghép trong các cuộc họp để nói chuyện về tình hình an ninh trật tự, các vụ án, tình hình xử lý tội phạm cho bà con dân bản. Công an viên ở các bản rà soát, nắm bắt tâm tư của các gia đình, nắm chắc đối tượng nghiện. Đảng ủy xã cũng đã phân công một Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy phụ trách 1 bản, cùng với Ban cai nghiện vận động đối tượng đi cai. Đối với công tác quản lý sau cai, Đảng ủy giao cho chi bộ, các đoàn thể, bản động viên các đối tượng sau cai hòa nhập cộng đồng, không bị bạn bè xấu rủ rê. Năm 2013 và 2014, xã đã vận động cai nghiện tại gia được 7 người, và đưa đi cai nghiện ở huyện là 5 người (vượt 2 đối tượng so với huyện giao). Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ trên nên nhận thức của nhân dân về ma túy được nâng cao, số lượng người nghiện trên địa bàn giảm dần. Gia đình ông Lô Hoài Tun, bản Cọc, xã Yên Hòa có hai con bị nghiện. Không cam chịu cảnh các con chết dần, chết mòn vì ma túy, ông bà đã tích cực kết hợp với chính quyền và các đoàn thể vận động con từ bỏ ma túy. Ông Lô Văn Tun thẳng thắn: “Trước đây Lô Văn Viện (con trai đầu) nghiện nặng nhưng giờ bỏ được may túy tu chí làm ăn. Còn đứa thứ 2 là Lô Văn Bông, chính tui phát hiện ra nó bị nghiện nên nhờ công an đưa đi cai”.
Các học viên đang lao động sản xuất tại Trung tâm Lao động xã hội Tương Dương. Ảnh: Châu Lan |
Bên cạnh đó, ở Yên Hòa vai trò của Đoàn thanh niên được phát huy khá tích cực. Đồng chí Đặng Văn Viên - Bí thư Đoàn xã Yên Hòa cho biết: Đoàn xã đã vận động thanh niên đi xuất khẩu lao động và làm công nhân; tổ chức các hoạt động thu hút thanh niên tham gia như: thể dục thể thao, văn nghệ. Qua đó, tuyên truyền, vận động, nhằm nâng cao nhận thức giúp thanh niên tránh xa ma túy. Để giải quyết tận gốc vấn nạn ma túy, Đảng ủy, chính quyền xã Yên Hòa xác định tập trung đấu tranh với các hoạt động buôn bán ma túy trên địa bàn. Đồng chí Trưởng Công an xã Thái Văn Dũng phấn khởi: Tỉnh, huyện mới khen thưởng đột xuất Yên Hòa trong công tác phòng, chống ma túy, vì thành tích đánh tan 2 tụ điểm ở bản Văng Môn và bản Hào bắt gọn 2 đối tượng Lương Văn Nguyên và Lô Văn Ờn, thu giữ nhiều súng, lựu đạn, dao găm và ma túy. Từ năm 2011 đến nay, xã đã bắt gần 30 vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy. Kết quả đáng phấn khởi trên cũng chính là nền tảng để Yên Hòa tự tin hơn trên con đường thực hiện mục tiêu đẩy lùi ma túy ra khỏi địa bàn. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Mộng Văn Sính cho biết: Mục tiêu đặt ra của Yên Hòa là đến năm 2015 có 3 bản Yên Hương, Xốp Kha và Xốp Kịt không có ma túy, giảm cả trọng điểm và trọng án về ma túy. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường vai trò cấp ủy trong công tác phòng, chống ma túy, nắm chắc các đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy, để đề ra các hình thức đấu tranh và cai nghiện phù hợp, phấn đấu 100% người nghiện có hồ sơ quản lý, bình quân mỗi năm cai nghiện tại gia đình và cộng đồng từ 20 - 30 người.
Về Lưu Kiền, vào thăm ngôi nhà sàn 3 gian nằm ngay bên Quốc lộ 7A với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của gia đình anh Vi Văn Thìn, ở bản Khe Kiền, chẳng ai nghĩ trước đây anh Thìn nghiện ma túy. “Nhiều năm tôi chìm trong ma túy, cuộc sống của gia đình khốn đốn tưởng chừng như không vực lên được, tài sản trong nhà đều bán hết” - Vi Văn Thìn tâm sự. Những lúc tỉnh táo, nhìn những đứa con bị đói ăn, đói chữ, cảm giác tội lỗi luôn ám ảnh. Nghĩ đến tương lai của các con, tôi tự nguyện xin đi cai nghiện tập trung. Sau thời gian 18 tháng, tôi về cai nghiện tại nhà cai nghiện cộng đồng của xã”. Đến năm 2008, Vi Văn Thìn cai được ma túy. Được sự giúp đỡ của chính quyền xã Lưu Kiền, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn, Vi Văn Thìn đầu tư mua xe vận chuyển, buôn bán hàng nông sản như bầu bí, ngô, khoai sọ, thóc... Từ năm 2008 đến nay, bình quân thu nhập của gia đình đạt từ 60 - 80 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình từng bước ổn định. Bây giờ đến huyện Tương Dương, mọi người nhắc đến Vi Văn Thìn như một điển hình tự cai nghiện ma túy, làm lại cuộc đời.
Lưu Kiền giáp với Kỳ Sơn, cách trung tâm huyện 18 km, xã có 6 bản, 3 dân tộc cùng sinh sống gồm Thái, Mông và Khơ mú. Những năm trước, trên địa bàn xã, tệ nạn ma túy phức tạp, trong đó tập trung ở 3 bản Khe Kiền, Xoóng Con và bản Pủng. Các đối tượng ban đầu do nghiện nên mua trữ ma túy để hút, nhưng sau thấy lợi nhuận cao đã buôn bán lẻ, thành lập nhiều tụ điểm trong xã, trong khi nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa hiểu hết về tác hại của ma túy, nên tình hình buôn bán, tàng trữ ma túy trên địa bàn ngày càng phức tạp. Thực hiện các chỉ thị và nghị quyết của cấp trên về phòng, chống ma túy, Đảng bộ xã Lưu Kiền ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy. Trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; các chi bộ, và mỗi cán bộ, đảng viên phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh, bài trừ các tệ nạn xã hội. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các đồng chí Ban Chấp hành Đảng ủy được phân công cắm điểm xuống trực tiếp chỉ đạo. Ban quản lý bản tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân nắm được chủ trương, tìm các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chỉ đạo Hội Phụ nữ xã thành lập CLB phòng, chống ma túy, thường xuyên tuyên truyền để người dân nhận thức được tác hại của ma túy, tích cực đấu tranh tố giác tội phạm buôn bán, sử dụng ma túy thông qua nhiều hình thức.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, cách làm ở Lưu Kiền là phát huy tính tự giác trong công tác đấu tranh, tố giác và phòng chống các loại tội phạm của quần chúng nhân dân. Kết hợp công tác nắm bắt và quản lý nguồn tin báo với công tác xử lý nguồn tin, đấu tranh, trấn áp với các loại tội phạm. Các bản trong xã đều tổ chức vận động nhân dân tham gia bỏ phiếu tố giác tội phạm, tố giác người sử dụng, nghiện chất ma túy tại thùng phiếu tố giác tội phạm được đặt tại nhà văn hóa cộng đồng của bản. Trong những tháng đầu năm 2014, tổng số phiếu tố giác tội phạm ma túy trên địa bàn xã là 670 phiếu. Xã kịp thời tổng hợp danh sách theo dõi, quản lý, giúp đỡ họ trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời báo cáo, lập hồ sơ đề xuất lên cấp trên. Nhờ vậy, trong 9 tháng đầu năm 2014, xã đã xóa một số tụ điểm ma túy tại các bản, bắt 7 vụ, 7 đối tượng bán lẻ, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, 6 vụ khởi tố hình sự, 1 vụ huyện giao về xã xử lý hành chính theo thẩm quyền. Lập hồ sơ 13 bộ hồ sơ cai nghiện bắt buộc, phối hợp Công an huyện đưa 5 đối tượng vào trung tâm cai nghiện huyện, tỉnh; lập 15 bộ hồ sơ trong đó cai nghiện tại cộng đồng 7 đối tượng, cai tại gia đình 8 đối tượng. Đồng chí Vi Văn Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương cho biết: “Đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Đảng bộ. Một số tụ điểm phức tạp đã bị xóa, xã tập trung tuyên truyền về tác hại của ma túy, cũng như đẩy mạnh phong trào toàn dân đấu tranh phòng, chống ma túy. Năm 2014, Đảng bộ Lưu Kiền chọn bản Pủng để xây dựng mô hình bản làng không có ma túy và phấn đấu giữ vững được bản Lưu Thông, phấn đấu xã không còn nhức nhối về tệ nạn ma túy”.
Còn nhiều thách thức
Ở Tương Dương, để công tác chống ma tuý đạt được nhiều kết quả, huyện đã gắn việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết 03 của Huyện ủy Chỉ thị 48-CT/TƯ của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTP trong tình hình mới và Nghị quyết 09 của Chính phủ về Chương trình quốc gia PCTP - PCMT, phòng, chống tội phạm mua bán người; Chỉ thị số 13/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về "Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới". Nhờ vậy, đã tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Huyện đã khảo sát, điều tra cơ bản từ các thôn bản, tổ liên gia, xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện để có số liệu, lập danh sách các địa bàn phức tạp về ma túy, các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, số đối tượng phạm tội ma túy và người nghiện ma túy trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo mà nòng cốt là Công an huyện đã chủ động phối hợp với MTTQ các đoàn thể xây dựng kế hoạch xóa tụ điểm phức tạp về ma túy ở Xiêng My, Nga My, Yên Na, Xá Lượng; phối hợp với Hội LHPN xây dựng các câu lạc bộ, như: CLB phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm ở bản Xoóng Con, xã Lưu Kiền; bản Phòng, bản Cây Me xã Thạch Giám,... nhằm góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội và hạn chế tệ nạn ma túy ở các địa phương. Nhân dân cũng đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị, giúp cho lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng tiến hành điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng vi phạm mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, triệt xóa các đường dây, các tụ điểm, các điểm bán lẻ chất ma túy, phát hiện và xóa nhổ 484m2 cây thuốc phiện ở bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp do người Mông (Lào) sang trồng. Vì vậy, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết, trên địa bàn huyện đã phát hiện, bắt giữ 165 vụ, 172 đối tượng phạm tội về ma tuý; thu giữ 596 gam heroin, 3 quả lưu đạn, 14 khẩu súng tự chế, 20 viên đạn, nhiều xe máy, điện thoại. Triệt xoá 3 địa bàn và 13 tụ điểm phức tạp về ma tuý.
Những kết quả nêu trên rất đang ghi nhận. Tuy nhiên, hiện nay số người nghiện toàn huyện (đến cuối 2013) vẫn còn 1.505 người. Số có mặt trên địa bàn đang quản lý tại cộng đồng hiện nay là 891 người, số đang ở trại giam và các trung tâm là 473 người, số đối tượng khác: 141 người. Trên địa bàn huyện Tương Dương, tính đến tháng 11/2013 có 6 địa bàn trọng điểm loại 1 (Lưu Kiền, Lượng Minh, Yên Na, Yên Tĩnh, Nga My, Xiêng My). Vẫn còn 18 tụ điểm phức tạp, 50 điểm bán lẻ chất ma tuý. Điều đó cho thấy, tệ nạn ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, mặc dù lực lượng nòng cốt là Công an, Bộ đội Biên phòng đã rất tích cực kiểm soát, ngăn chặn, đấu tranh.
Bên cạnh những địa phương thực hiện tốt nghị quyết, cấp ủy đảng quan tâm, lực lượng nòng cốt vào cuộc thì vẫn còn những địa phương chưa quan tâm phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết, nhiều chi bộ không có Nghị quyết 03-NQ/HU. Có những nơi, cấp ủy, chính quyền cơ sở thiếu kiểm tra, đôn đốc việc quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết; thiếu các biện pháp, giải pháp tích cực trong đấu tranh phòng, chống ma túy, quản lý và giáo dục giúp đỡ người nghiện sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, cho nên tỷ lệ tái nghiện còn rất cao. Ở cấp ủy, chính quyền, MTTQ các đoàn thể cơ sở vẫn còn tình trạng người đứng đầu, cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu chấp hành việc đăng ký nhận vận động, giúp đỡ người nghiện cai nghiện ma túy và quản lý, giáo dục sau cai nghiện để tái hòa nhập cộng đồng. Theo đồng chí Thái Văn Dũng - Trưởng Công an xã Yên Hòa thì khó nhất hiện nay vẫn là công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của bà con. Bên cạnh đó, quản lý của gia đình đối với con em, thanh niên rất khó. Công tác quản lý sau cai nghiện chưa hiệu quả.
Theo đồng chí Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng, chống ma túy huyện: Việc tuyên truyền về hậu quả, tác hại của ma tuý cần phải làm tích cực hơn, hiệu quả hơn nhằm tạo nên phong trào hành động phòng, chống ma tuý rộng khắp trong toàn huyện, tiến tới xây dựng xã, bản lành mạnh, không có ma túy. Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, trước hết là cán bộ chủ trì cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Huyện sẽ kiên quyết không để ma túy xâm nhập vào những thôn bản không có ma túy hiện nay, phấn đấu xây dựng thôn bản ít ma túy, tiến tới không có ma túy. Triển khai thực hiện tốt mô hình xã, bản không có ma túy ở xã Tam Hợp, Yên Thắng; thực hiện tốt mô hình quản lý sau cai nghiện tại xã Lưu Kiền, nhân rộng tại xã Tam Quang vào năm 2015.
Châu Lan - Thanh Lê