'Mùa xuân Crimea':Đặc nhiệm GRU hạ lính thủy đánh bộ Ukraine

08/03/2015 15:58

Nga vừa tổ chức “trưng cầu dân ý”, vừa tiến hành phong tỏa và giải giáp hơn 20.000 quân chiến đấu Ukraine trên bán đảo Crimea mà không tốn một viên đạn.

Vừa trưng cầu dân ý vừa giải giáp quân đội Ukraine

Tính từ khi lực lượng thân Nga nắm được chính quyền vào ngày 27-2 cho đến khi bán đảo sáp nhập vào Nga ngày 18-3 là chưa đầy 20 ngày. Trong khoảng thời gian này, Nga vừa phải tiến hành các bước tổ chức trưng cầu dân ý vừa tiếp tục vây ép và bức rút các cơ sở quân đội Ukraine đầu hàng.

1 năm trước, những người lính mặc quân phục xanh, ít nói, lịch thiệp đã đột ngột hiện diện khắp Crimea, cương quyết ngăn chặn quân đội Ukraine ra khỏi doanh trại, phá những âm mưu khủng bố của những phần tử cực đoan đến từ Kiev, bảo đảm ngày hội trưng cầu dân ý của nhân dân trên bán đảo diễn ra cực kỳ suôn sẻ.

Trong cuộc giao lưu trực tuyến của Tổng thống V. Putin với người dân Nga ngày 17-4-2014, ông Putin đã chính thức thừa nhận sự hiện diện của “những người lịch sự” hay “lính lạ” sau lưng lực lượng tự vệ Cossaks và đặc nhiệm Berkut, trong quá trình giải giáp lực lượng quân sự Ukraine trên bán đảo này.

“...Sau lưng những lực lượng phòng vệ Crimea là các binh sĩ của chúng ta. Họ đã hành động rất đúng mực, kiên quyết và chuyên nghiệp”. Đây là câu trả lời công khai đầu tiên của ông V. Putin về những người bí ẩn che mặt, trang bị hiện đại, cư xử hòa nhã, bảo vệ an toàn cuộc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga cuối tháng 2-2014.

Mặc quân phục chính quy màu xanh, nhưng không mang phiên hiệu đơn vị, cấp bậc, mặt thường che kín, được trang bị vũ khí hiện đại. Truyền thông phương Tây mô tả “những người lính xanh” (gọi theo màu quân phục của họ) có vẻ mặt lạnh lùng, luôn từ chối mọi câu hỏi của báo chí, và ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Tuy nhiên, “những người lính lạ” dù ít nói nhưng cư xử “rất lịch sự”.

Khi đến chiếm giữ và canh phòng các địa điểm trọng yếu nói trên, họ không biểu hiện thái độ đe dọa binh lính Ukraine và có những hành động rất hòa đồng với nhân dân trên bán đảo như xếp hàng mua đồ trong siêu thị, chơi đùa với trẻ con hay chụp ảnh với các “chân dài Crimea”…

Đặc nhiệm Nga còn được giao canh gác những điểm khá lạ như nhà trẻ, trường mẫu giáo... Điều đó có nghĩa là phía Nga còn tính trước khả năng khủng bố bắt cóc con tin. Một thông tin thú vị là đội đặc nhiệm canh gác trước nhà trẻ Alusta còn được yêu cầu khóa nòng súng để đảm bảo an toàn.

Lực lượng đặc nhiệm Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Crimea
Lực lượng đặc nhiệm Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở Crimea

Đó là lý do tại sao câu tìm kiếm trên mạng và cụm từ “những người lịch sự” rất nhanh chóng trở thành phổ biến trong các trang web tiếng Nga trên Internet. Dấu ấn thời kỹ thuật số được thể hiện khi một danh xưng xuất hiện trên mạng xã hội, đi vào đời sống và trở thành một thuật ngữ đặc trưng của một sự kiện.

Tra cụm từ “những người lịch sự” trên Wiki tiếng Nga, người ta đọc thấy: “Đó là những người vũ trang không rõ nguồn gốc, không mang phiên hiệu để nhận dạng, có vẻ giống binh lính Nga”.

Lần đầu tiên cụm từ “những người lịch sự” xuất hiện trên mạng Internet là trên một blog của một cư dân mạng có địa chỉ (colonelcassad.livejournal.com/1440088.html), tường thuật diễn biến sự kiện tối 28-2 ở Crimea: “Khoảng 1 giờ đêm, sân bay Simferopol bị chiếm bởi những người mặc quân phục, mang vũ khí. Họ nhã nhặn đề nghị Đội trưởng Đội cảnh vệ sân bay và người của ông hãy lịch sự ra đi”.

“Những người lịch sự”: Vỏ bọc của đặc nhiệm GRU Spetsnaz

Cho đến nay, Nga chưa có tiết lộ chính thức nào về tên lực lượng đã tham gia chiến dịch này, mặc dù đã thừa nhận đó là đặc nhiệm Nga. Điều này đã làm truyền thông và các chuyên gia quân sự đưa ra rất nhiều phán đoán khác nhau.

Đại đa số các chuyên gia nhận định “những người lịch thiệp” này chắc chắn là đặc nhiệm của quân đội Nga, bao gồm đặc nhiệm của GRU hoặc đặc nhiệm VDV (lực lượng đổ bộ đường không), nhưng xem xét các trang bị của họ, nhiều khả năng đây là đặc nhiệm quân đội Spetsnaz do GRU chỉ huy.

Các chuyên gia chú ý đến quân phục và vũ khí trang bị của các quân nhân này. Họ mặc áo chống đạn 6B43 mới nhất (đặc nhiệm Bộ Nội vụ Nga thường mặc loại 6B23 cũ hơn) vừa mới cấp cho các đơn vị quân đội Nga vào năm 2013, mũ sắt Kevlar đời mới nhất, thiết bị dã chiến SMERSH-BAZA…, cùng với các phương tiện liên lạc hiện đại.

“Những người lịch sự” xếp hàng mua đồ trong siêu thị, canh gác nhà trẻ, chơi đùa với trẻ em, chụp ảnh với thiếu nữ Crimea
“Những người lịch sự” xếp hàng mua đồ trong siêu thị, canh gác nhà trẻ, chơi đùa với trẻ em, chụp ảnh với thiếu nữ Crimea

Họ được trang bị súng tiểu liên Kalashnikov AK-100 kiểu mới nhất được lắp thêm ống phóng lựu, có kính ngắm quang học và quang-điện tử, ống ngắm ban đêm và hệ thống ngắm bắn nhiệt. Họ được trang bị cả súng súng bắn tỉa giảm thanh 12,7mm - loại chuyên dùng cho đặc nhiệm FSB (Cơ quan an ninh Liên Bang Nga) và một số đơn vị đặc nhiệm của Bộ quốc phòng.

Một thông tin khác có thể xác thực khả năng này là vào tháng 3/2013, một nguồn tin của quan chức quốc phòng Nga cho biết là từ Bộ Quốc phòng nước này sẽ thành lập Lực lượng các chiến dịch đặc biệt mới (SSO) với thành phần nòng cốt là các phân đội đặc nhiệm của GRU để hoạt động trên cả lãnh thổ Nga và ở nước ngoài.

Lực lượng đặc nhiệm mới được xây dựng trên cơ sở các đơn vị đặc nhiệm hiện có trong tất cả các lực lượng vũ trang của nước này. SSO sẽ giúp Nga giải quyết những nhiệm vụ đặc biệt trong chiến tranh hay để ngăn chặn chiến tranh, bao gồm cả các nhiệm vụ bên ngoài lãnh thổ nước Nga.

Như vậy, theo các chuyên gia phân tích quân sự Nga, gần như có thể khẳng định “những người lịch thiệp” tại Crimea là lính đặc nhiệm GRU. Bởi vì khi đó, Crimea chưa sáp nhập vào Nga nên nhiệm vụ tác chiến ở đây được coi là ở “lãnh thổ nước ngoài”, thuộc chức trách nhiệm vụ của Spetsnaz.

Spetsnaz là các phân đội đặc nhiệm quân đội được đặt dưới sự chỉ huy của GRU (Tổng cục tình báo quân sự - Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga) - một lực lượng đặc nhiệm bí ẩn nhất trong tất cả các lực lượng đặc nhiệm của các nước trên thế giới.

Spetsnaz là viết tắt của cụm từ “Spetsialnogo Naznacheniya” (phiên âm tiếng Nga), tạm dịch là “lực lượng chiến đấu đặc biệt”. Sự tồn tại và phát triển của Spetsnaz rất bí mật, thời điểm đơn vị này được hình thành vẫn chưa được xác định chính xác mà chỉ áng chừng vào thập niên 50 của thế kỷ trước.

Những người lính đặc nhiệm Nga đã được giao một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn là bao vây, kiềm chế, giải giáp hay chí ít cũng buộc khoảng 20.000 binh sĩ Ukraine không sử dụng vũ khí kháng cự trong thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý và quá trình chuyển đổi chính quyền từ tay Ukraine sang Nga.

Đoàn xe bọc thép Nga di chuyển trên đường phố Sevastopol tháng 3 năm 2014
Đoàn xe bọc thép Nga di chuyển trên đường phố Sevastopol tháng 3 năm 2014

Tuy nhiên, việc không được phép sử dụng vũ khí tấn công cũng đã đặt ra cho họ những bài toán khó khi có nhiều đơn vị không chịu đầu hàng, ngay cả khi Crimea đã chính thức thuộc về Nga, ví dụ như binh lính của căn cứ không quân Belbeck mãi đến ngày 22-3 mới chịu hạ cờ Ukraine, rời khỏi bán đảo.

Đặc nhiệm GRU đấu tay đôi, khuất phục hải quân đánh bộ Ukraine

Điển hình cho cách ứng xử của binh lính Nga và cũng là tình huống thú vị nhất trong chuỗi sự kiện này là việc chiếm giữ trụ sở lữ đoàn hải quân đánh bộ số 1 của hải quân Ukraine đóng quân ở Feodosia, do Trung tá Dmitri Delyatitski chỉ huy, đơn vị của ông là nơi cuối cùng giương cờ Ukraine trên bán đảo.

Trước đó, hơn một nửa hải quân đánh bộ Ukraine ở Crimea đã chuyển sang phía Nga, nhưng những người kiên cường nhất vẫn trụ lại dưới sự chỉ huy của ông. Đến thời điểm đặc nhiệm Nga tiến vào trụ sở này, tại đây vẫn còn khoảng 80-120 quân trung thành với Trung tá Delyatitski.

“Lính lạ” đã dùng xe thiết giáp húc tung cổng chính xông vào căn cứ, phá cửa, ném lựu đạn sáng vào doanh trại và kêu gọi binh lính Ukraine bỏ vũ khí rời khỏi căn cứ, nhưng họ cương quyết không đầu hàng. Một giải pháp tình thế tránh đổ máu được đưa ra, chỉ huy 2 bên quyết định bỏ vũ khí, đánh cận chiến tay không.

Các binh sĩ Ukraine từ doanh trại lần lượt dàn quân thành cả bức tường. Phía đặc nhiệm Nga có 40 binh sĩ bước ra. Thật khó tưởng tượng một cảnh tượng yêng hùng hơn thế, khi hai bên tay không quần thảo nhau như trong “lễ Maslenhitsa”.

Kết quả cuộc đấu là Trung tá Dmitri Delyatitskii và viên Lữ đoàn phó của ông - Thiếu tá Rosticlav Lomtev - những người tham gia cận chiến vòng đầu, đã được gửi tới bệnh viện với vài chiếc xương sườn bị gãy. Lực lượng Ukraine chấp nhận rời bỏ căn cứ, sau khi đã nỗ lực hết mình để giữ doanh trại.

Ba ngày sau, Trung tá Dmitri Delyatitski rời Crimea về Ukraine, các sĩ quan tuyên thệ tận trung với Ukraine được trả về nhà, trong khi các binh lính quyết định tiếp tục phục vụ được đón trở lại doanh trại. Cứ bốn sĩ quan, binh lính thì có ba người về phía Crimea, trong đó có cả Thiếu tá Lomtev.

Video một binh sĩ Ukraine tham gia cận chiến giữa đặc nhiệm Nga và hải quân đánh bộ Ukraine kể lại

Hải quân đánh bộ Ukraine đã làm hết sức mình trên cương vị một người lính nhưng họ cũng biết đâu là giời hạn của nó và không ai có thể chê trách họ được. Còn những người lính Nga đã thể hiện tính kỷ luật và sự kiên trì, nhẫn nại tuyệt vời, sẽ không thể có kết cục tốt đẹp cho cả 2 bên nếu một phát súng nổ ra.

Đến cuối ngày 20-3, ông Putin ký sắc lệnh công nhận 72 đơn vị quân đội, xí nghiệp quốc phòng, bao gồm cả con người và phương tiện, vũ khí Ukraine đồn trú ở Crimea vào hàng ngũ quân đội Nga. Chỉ còn duy nhất một cuộc đột kích cuối cùng vào căn cứ không quân Belbek hôm 22-3.

Trước chiến dịch “Mùa xuân Crimea”, phương Tây thường cạnh khóe quân đội Nga “to đầu nhưng rỗng tuếch; trang bị nghèo nàn, lạc hậu; khả năng chỉ huy tác chiến kém và chỉ cậy vũ khí hạt nhân”. Tuy nhiên, hiện Mỹ và NATO đã phải suy nghĩ lại trước những diện mạo mới đầy bất ngờ của Nga.

Trên thực tế, những gì quân Nga thể hiện trong chiến dịch này đã khiến các chuyên gia quân sự phương Tây giật mình. Vũ khí, trang bị và phương tiện tác chiến điện tử của quân đội Nga nói chung và lực lượng đặc nhiệm Nga nói riêng cũng không kém phần hiện đại so với quân đội Mỹ-NATO.

Trong chiến dịch, quân đội Nga đã kết hợp khéo léo nhiều yếu tố tổng hợp về quân sự như Nghệ thuật tình báo, nghi binh; Khả năng chỉ huy, hiệp đồng; Khả năng cơ động... Đồng thời, các tố chất con người của binh lính như khả năng tác chiến cá nhân; kỹ năng dân vận/địch vận; đức tính kiên trì, nhẫn nại cũng thực sự đáng khâm phục.

Điều này đã giúp Nga giải giáp toàn bộ lực lượng Ukraine, phá tan âm mưu hất cẳng hạm đội biển Đen của cụm tàu sân bay Mỹ, phá vỡ các âm mưu gây chia rẽ, kích động chiến tranh, bảo vệ an toàn cuộc trưng cầu dân ý và quá trình chuyển giao lãnh thổ từ tay Ukraine sang Nga.

Tuy nhiên, Nga vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó vấn đề quan trọng nhất là hòa giải những mâu thuẫn sắc tộc giữa những dân tộc thiểu số trên bán đảo trước trong và sau khi bán đảo sáp nhập vào Nga.

Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ tiếp theo có tiêu đề "Mùa xuân Crimea: Sức mạnh của lá cờ dân tộc Putin".

TIN LIÊN QUAN

Theo Baodatviet