Những kỷ niệm nghề

10/11/2014 09:20

(Baongehan) - Để có được bài báo hay, phản ánh chân thực cuộc sống ở cơ sở, các phóng viên báo Nghệ An tỏa khắp các vùng, miền và dấn thân vào những vấn đề nóng để đem thông tin chân thực đến với độc giả. Với họ, những trải nghiệm ấy trở thành hành trang đầy lưu luyến trong cuộc đời.

1. Ánh sáng miền biên viễn

Đã rất nhiều lần đến với vùng biên viễn của xứ Nghệ, nhưng chuyến đi đầu tháng 7/2013 để lại nhiều kỷ niệm với chúng tôi. Trên 2 chiếc xe máy, chúng tôi đã vượt qua hơn 1.000 km dọc theo đường biên, từ huyện Thanh Chương lên đến Kỳ Sơn, rồi lại vòng về huyện Quế Phong. 15 ngày trải nghiệm đã giúp chúng tôi thấy rõ hơn về cuộc sống đang đổi thay từng ngày của người dân vùng biên; cảm phục hơn những người lính biên phòng đã tạc mình vào dáng núi, hy sinh nhiều hạnh phúc riêng tư để gìn giữ mỗi tấc đất quê hương.

Phỏng vấn người dân tại xã Môn Sơn (Con Cuông).
Phỏng vấn người dân tại xã Môn Sơn (Con Cuông).

Dọc theo biên giới, mới hay rằng: Cuộc sống mới đang tràn về đây với nhiều niềm vui. Đó là một cuộc sống mới tươi đẹp đang về với bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn khi tỉnh, huyện cho làm đường nhựa, kéo điện vào, xây trường, trạm, nhà văn hóa, kèm theo là việc chia đất rừng, đất ruộng cho bà con; Đó là một khoảng rừng Pù Mát ở huyện Con Cuông, nơi tộc người Đan Lai được giúp đỡ thoát khỏi những nguy cơ tụt hậu; Những giai điệu mới đang rộn rã vang lên ở những bản, làng của người Thái, Khơ Mú, Mông của các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Cuộc sống ở những địa phương trước đây ở vùng biên vốn được định danh hai chữ “khó khăn”, thì nay đã thay đổi nhiều, cái đói không còn đe dọa, nhiều hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng được mở ra.

Trong chuyến hành trình, chúng tôi gặp được rất nhiều những con người bình dị mà cao cả, mang ánh sáng, hơi ấm suốt dọc đường biên. Đó là “đại thụ” Vừ Chông Pao, người từng có công rất lớn trong việc kêu gọi đồng bào Mông và nhân dân các dân tộc Kỳ Sơn chống phỉ, giữ đất. Đó là Thiếu tá Biên phòng Đàm Thiên Thương được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ (Quế Phong); là Trung tá Hà Đình Tín, cán bộ của đồn kiêm Bí thư Đảng uỷ xã Bắc Lý (Kỳ Sơn), luôn tìm tòi các phương thức sản xuất, mô hình kinh tế có hiệu quả cho dân bản…

Thanh Sơn

2. Hành trình trên Quốc lộ 1A

Khi chớm nghề tôi cũng chỉ viết những chuyện nhì nhằng về thị trường, gương người tốt, việc tốt, gương nghệ sỹ, sắc màu cuộc sống còn những chuyện gai góc sự vụ tôi nghĩ mình chẳng đủ “trình”. Nhưng từ những trăn trở về những khó khăn trong thực hiện “Dự án nâng cấp Quốc lộ 1A”, tôi đã mạnh dạn đề xuất Ban Biên tập cho thử sức. Tôi cùng đồng nghiệp K.L nhập cuộc. Và hành trình đó kéo dài 3 tháng.

Nữ phóng viên tác nghiệp trong giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A.
Nữ phóng viên tác nghiệp trong giải phóng mặt bằng Quốc lộ 1A.

Phải mất nhiều ngày, dự nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền với người dân, chúng tôi mới có thể phân tích và lý giải được nguyên nhân chính của những chậm trễ trong bàn giao mặt bằng để nâng cấp, mở rộng tuyến đường huyết mạch Bắc - Nam.

Hàng ngày, chúng tôi phải tìm hiểu ở nhiều địa bàn, gặp gỡ rất nhiều người; Lúc thì đi xe buýt, khi lại phóng xe máy đi. Có những hôm loay hoay tìm hiểu, chụp ảnh đến tối mới nép vào quán cóc bên đường, đưa máy tính gõ bài kịp gửi về Ban Biên tập để kịp xuất bản vào sáng mai. Quá trình đó, chúng tôi được sự quan tâm sát sao của Ban Biên tập, có những hôm khi đã 0h đêm, đang tính chuyện ngủ lại huyện để tiếp tục công việc thì chúng tôi được lãnh đạo cơ quan cho xe ra đón, anh lái xe còn “động viên” cho chị em gói hoa quả đỡ đói...

Chuyện về giải phóng mặt bằng QL1A còn dài, thế nhưng có lẽ kỷ niệm sẽ theo suốt cuộc đời chúng tôi là quá trình tác nghiệp, bị tai nạn ngay trên tuyến đường này. Vụ tai nạn khiến tôi bị gãy tay, phải mổ, còn đồng nghiệp K.L bị chấn động xương chậu phải nằm 2 tuần. Ngay khi sự việc xảy ra, chúng tôi được sự quan tâm, động viên rất lớn từ Huyện ủy Nghi Lộc, của Ban Biên tập và các đồng nghiệp. Điều đáng nhớ là người gây tai nạn cho chúng tôi nhận thấy thiếu sót và thường xuyên giữ mối liên hệ, cảm kích hơn, họ còn nhận tôi và K.L làm em kết nghĩa…

T. N

2. Vào vùng “rốn” thiên tai

Còn nhớ, trong đợt mưa kéo dài vào tháng 9/2013 gây ngập lũ, khi đang tác nghiệp ở vùng ngập lũ ngoài đê của huyện Hưng Nguyên, tôi nhận được thông tin khu vực huyện Nghĩa Đàn đang bị chia cắt. Tối hôm đó, có thêm thông tin nước lũ đã cuốn trôi một chiếc xe du lịch ở đập tràn Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn. Tôi tức tốc lên đường trong đêm. Mưa như trút. Đường ngập ở nhiều nơi, việc di chuyển vào Khe Ang vô cùng khó khăn, nhưng đối với cánh phóng viên, điều đáng lo ngại nhất là mưa gió có thể ảnh hưởng đến phương tiện tác nghiệp. Trong đêm tối, tôi nghe rõ tiếng khóc của gia đình các nạn nhân và tiếng máy nổ, tiếng xuồng cứu hộ lao đi trong đêm. Suốt đêm hôm đó, lực lượng cứu hộ, các phóng viên và người dân hai bên tràn Khe Ang thức trắng, nhưng bất lực nhìn dòng nước lũ cuồn cuộn chảy. Chiếc xe du lịch và 5 người xấu số đã bị dòng nước nhấn chìm, chưa thể xác định được vị trí.

Tác nghiệp tại vùng lũ.
Tác nghiệp tại vùng lũ.

Sáng hôm sau, trời vẫn tiếp tục mưa. Nước từ thượng nguồn đổ về, dâng cao, ngập băng toàn bộ vùng đập tràn. Người dân địa phương kéo đến ngày càng nhiều. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Nghĩa Đàn cũng đội mưa chỉ đạo việc cứu hộ, cứu nạn. Điều kiện tác nghiệp hết sức khó khăn. Tối đến, chúng tôi xin nghỉ tạm ở nhà dân, ăn mì tôm và hầu như phải thức để ghi nhận những diễn biến mới của việc tìm kiếm chiếc xe bị nạn… Sang ngày tìm kiếm thứ 3, trời nắng chang chang, nước khe Ang rút xuống. Chiếc xe được phát hiện ở cách tràn Khe Ang khoảng 500 mét. Các phóng viên tiếp tục đội nắng, ngồi giữa rừng cao su để tác nghiệp, chuyển thông tin, hình ảnh về tòa soạn trong điều kiện sóng điện thoại, internet chập chờn. Với những phóng viên trực tiếp tác nghiệp ở vùng lũ, hơn ai hết, chúng tôi cảm nhận được tinh thần trách nhiệm của cơ quan chức năng trong cứu hộ, cứu nạn và sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân nơi đây.

Nguyên Khoa

4. Những người “gác cổng”

Với mỗi thành viên của Phòng Thư ký toà soạn, mỗi ngày làm việc đều bắt đầu với tâm trạng hồi hộp. Có lẽ đã trở thành “phản xạ có điều kiện”, cứ nhìn nét mặt của lãnh đạo phòng sau giao ban đầu ngày của cơ quan là mỗi người biết số báo xuất bản hôm đó như thế nào. Niềm vui là số báo không bị “dính lỗi”, còn vui hơn là được Ban Biên tập, lãnh đạo cốt cán của cơ quan đánh giá báo hay, mi đẹp…

Trình bày báo tại phòng Thư ký tòa soạn.Ảnh: Trần Hải
Trình bày báo tại phòng Thư ký tòa soạn. Ảnh: Trần Hải

Làm việc ở Phòng Thư ký tòa soạn là một áp lực rất lớn. Không chỉ đọc hiểu, biên tập các tin, bài của phóng viên, cộng tác viên mà các anh, chị em luôn trăn trở xếp chữ cho đẹp, trình bày hấp dẫn… Ở Phòng Thư ký toà soạn có các tổ đọc mo – rát, chọn, xử lý ảnh, tổ kỹ thuật. Tất cả làm nên một dây chuyền nhịp nhàng. Tôi vẫn còn nhớ cách đây không lâu, lúc đó là 0h, khi tổ mo – rát hoàn thành đọc bản PDF (bản cuối trước khi hoàn thành gửi nhà in) và kết thúc một ngày làm việc về với gia đình. Nhưng, chỉ sau 10 phút lại thấy anh Thái Bình, nhân viên mo – rát quay lại toà soạn. Hỏi ra mới hay, trên đường đi về nhà, đầu óc anh lấn cấn có chỗ nào đó còn chưa đọc kỹ, còn thiếu sót nên phải quay lại. “Như vậy, về muộn thêm một chút cũng không can chi, nhưng cứ thế tặc lưỡi về nhà lại ngủ không ngon giấc”, anh Bình chia sẻ.

Hay như ở tổ ảnh, để chọn được một bức ảnh đẹp, phù hợp nội dung đăng lên mặt báo thực sự là một quá trình trăn trở. Chưa kể, tất cả những bức ảnh đăng lên báo đều phải qua xử lý bằng phần mềm chuyên dụng. Từ cắt nét, giảm sáng, giảm màu hay ngược lại… Tóm lại là tất cả các thao tác để đảm bảo tiêu chuẩn “kỹ thuật” cho bức ảnh khi in lên báo. Với các anh, chị ở tổ kỹ thuật, không đơn thuần là những cú nhấp chuột, kéo thả bài, ảnh mà mỗi thành viên của tổ luôn phải trăn trở trong cách trình bày trang báo hài hòa. Anh Hồng Toại - một thành viên tổ kỹ thuật tâm sự: “Có hôm đi làm về đã gặp người ta đi thể dục, hàng quán cũng đã mở bán đồ ăn sáng”. Công việc gần như chiếm trọn thời gian cả ngày, đêm nhưng mỗi thành viên của Phòng Thư ký tòa soạn vui nhất là mỗi số báo ra vào sáng ngày hôm sau luôn được độc giả đón đợi, đánh giá cao.

Nhật Lệ