Xe siêu sang Bentley chính thức vào Việt Nam

06/11/2014 14:14

Chiều 5/11, thương hiệu xe hơi siêu sang Bentley đã chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam thông qua sự kiện khai trương đại lý Hà Nội. Việt Nam là thị trường thứ 15 tại khu vực châu Á có nhà phân phối Bentley chính hãng.

Mẫu xe Continental GTC W12 có mặt tại showroom Bently Hà Nội.
Mẫu xe Continental GTC W12 có mặt tại showroom Bently Hà Nội.

Đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối Bentley chính hãng là Công ty TNHH CT-Wearnes Việt Nam, thành viên của tập đoàn phân phối Wearnes có trụ sở đặt tại Singapore. Wearnes cũng chính là nhà phân phối Bentley đầu tiên trên thế giới ngoài nước Anh.

Ngay tại thời điểm ra mắt thương hiệu, Bentley đã giới thiệu ra thị trường 2 mẫu xe cùng trang bị động cơ W12 là Flying Spur và Continental GTC. Dù chưa được công bố song nhiều khả năng mức giá bán của hai mẫu xe này sẽ vào khoảng trên dưới 13 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, mẫu xe Mulsanne cũng sẽ được nhập khẩu và phân phối tại thị trường Việt Nam.

Với vai trò phân phối chính hãng, CT-Wearnes Việt Nam cho biết ngoài các khách hàng mới, công ty sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ hậu mãi cho những khách hàng đang sử dụng xe Bentley tại Việt Nam dù được mua từ nguồn nào.

Theo ông Phạm Xuân Đông, Tổng giám đốc CT-Wearnes Việt Nam, số lượng xe Bentley đang lưu hành tại Việt Nam được tính toán vào khoảng 230 chiếc, trong đó nhiều xe được các cá nhân nhập khẩu theo dạng đã qua sử dụng.

“Hiện chúng tôi đang nỗ lực tìm hiểu và liên lạc với từng chủ xe để có thể cung cấp đầy đủ những dịch vụ hậu mãi tiêu chuẩn của Bentley”, ông Đông nói.

Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Bentley tại thị trường Việt Nam là Rolls-Royce, một thương hiệu siêu sang khác cũng đến từ nước Anh.

Được biết, CT-Wearnes cũng chính là đơn vị nắm giữ vai trò nhập khẩu và phân phối chính hãng thương hiệu siêu xe thể thao Lamborghini tại thị trường Việt Nam. Dự kiến cuối năm nay Lamborghini sẽ chính thức ra mắt thị trường với showroom đầu tiên nằm ngay bên cạnh showroom Bentley Hà Nội.

Theo.VnEconomy