SOS... rượu ngoại giả!

27/12/2014 09:21

(Baonghean) - Gần đến Tết Nguyên đán là thời điểm sôi động của thị trường rượu. Nắm bắt được tâm lý của một số “thượng đế” sính dùng rượu ngoại, một số đối tượng đã ráo riết buôn lậu, “sản xuất” rượu ngoại giả để bán kiếm lời với thủ đoạn tinh vi.

Mặc dù các vụ rượu lậu, rượu giả được cơ quan chức năng tỉnh ta phát hiện ít hơn so với cùng kỳ các năm trước, nhưng trên thực tế vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Trong đó, TP. Vinh là địa bàn “béo bở” mà các đối tượng nhắm tới, vì có nhiều nhà hàng, ki-ốt bán rượu ngoại, số lượng rượu tiêu thụ lớn. Qua công tác nắm bắt tình hình, Công an TP. Vinh đã xác định được nhóm đối tượng có biểu hiện sản xuất rượu ngoại giả ở khối Vĩnh Mỹ, phường Vinh Tân. Để làm rõ hành vi của nhóm đối tượng này, lãnh đạo Công an TP. Vinh giao cho Đội Cảnh sát kinh tế xác lập Chuyên án mang bí số 124R để đấu tranh.

TIN LIÊN QUAN

Rượu ngoại giả là tang vật được cơ quan Công an TP. Vinh thu giữ trong Chuyên án 124R vào ngày 21/12/2014.
Rượu ngoại giả là tang vật được cơ quan Công an TP. Vinh thu giữ trong Chuyên án 124R vào ngày 21/12/2014.

Sau những lần trinh sát và kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhận thấy các đối tượng sản xuất rượu ngoại giả hoạt động rất tinh vi, Ban Chuyên án quyết định sẽ “cất lưới” khi các đối tượng dùng xe máy chuyển hàng đi nhập cho các ki-ốt. Đúng 11 giờ 40 phút ngày 21/12/2014, phát hiện đối tượng rời khỏi nhà đưa hàng đi bán tại phường Bến Thủy, TP. Vinh, các trinh sát đã xuất quân và bắt quả tang Nghiêm Văn Độ đang vận chuyển 13 chai rượu Chivas 12 và 18 giả đi tiêu thụ. Qua đấu tranh, Độ khai đã cùng với Nguyễn Văn Thành (sinh năm 1992, em ruột vợ Độ) trú tại khối Vĩnh Mỹ, phường Vinh Tân, TP. Vinh thực hiện hành vi sản xuất giả rượu ngoại tại nhà Độ. Đến 13 giờ 40 phút ngày 21/12/2014, cơ quan CSĐT Công an TP. Vinh đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Thành và khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nghiêm Văn Độ ở khối Vĩnh Mỹ, phường Vinh Tân.

Quá trình khám xét, phát hiện, tạm giữ thêm nhiều vật chứng liên quan gồm: 5 chai Chivas 18, 1 chai Chivas 12, 19 chai rượu John Black label, 31 chai rượu nhãn hiệu Whisky; 48 vỏ chai rượu Chivas 12, 18, 21, Ballantines, Godlabel Resene, John Black label; 105 hộp rượu Chivas 12, 18, 2, Ballantines, Godlabel Resene, John Black label và một số vật dụng khác như nút chai, phễu... dùng để “sản xuất” rượu ngoại giả.

Là thành viên trực tiếp tham gia phá án, Đại úy Võ Thế Quyết - Đội phó Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Vinh, cho biết: “Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này rất kín đáo, ngụy trang khéo léo. Ban ngày, các đối tượng đi làm các việc bình thường, tối về mới bắt tay vào “sản xuất” rượu giả ngay trong nhà, nên rất khó xâm nhập, bắt quả tang. Các đối tượng lại là người trong cùng gia đình, nên người dân ở xung quanh không nhận biết được hành vi của chúng. Tuy sản xuất theo kiểu thủ công, nhưng bằng mắt thường rất khó biết đó là rượu giả”.

Với vỏ bọc hoàn hảo đó, Nghiêm Văn Độ và Nguyễn Văn Thành đã ung dung “sản xuất” các loại rượu ngoại giả bán kiếm lời trong một thời gian dài. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt và sự mưu trí, các chiến sỹ Ban Chuyên án 124R đã bắt quả tang ngay tại chỗ và buộc các đối tượng phải cúi đầu nhận tội. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Độ và Nguyễn Văn Thành khai, để “sản xuất” ra những chai rượu ngoại giả như Ballantines, Chivas 12, 18, 21, Godlabel Resene, Jonh Black label được dán mác và tem niêm phong bằng mắt thường rất khó phân biệt thật - giả và đem đi nhập ở các ki-ốt bán lẻ trên địa bàn TP. Vinh và TP. Hà Tĩnh, các đối tượng đã mua các nhãn mác, chai, vỏ hộp từ TP. Hồ Chí Minh về. Còn “nguyên liệu” là những chai rượu giá rẻ Black Lao được mua từ Hương Sơn (Hà Tĩnh). Sau khi pha chế, đóng chai bằng phương pháp thủ công, các đối tượng đưa ra thị trường tiêu thụ. Chi phí mà Nghiêm Văn Độ và Nguyễn Văn Thành sản xuất 1 chai John Black label giả hết 100.000 đồng, đem bán với giá 300.000 đồng, sản xuất một chai Chivas 12 giả hết 100.000 đồng, bán với giá 300.000 đồng, sản xuất 1 chai Chivas 18 giả hết 200.000 đồng bán với giá 800.000 đồng, sản xuất một chai Chivas 21 giả hết 400.000 đồng bán ra với giá 1.400.000 đồng. Hiện Ban Chuyên án đang mở rộng điều tra để thu hồi các chai rượu giả mà các đối tượng đã đưa ra thị trường tiêu thụ và xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về tình hình buôn bán rượu lậu, rượu giả trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Địa bàn Nghệ An có nhiều tuyến đường bộ tiếp giáp với nước bạn Lào, các đối tượng lợi dụng xe tải và xe khách nhằm cất giấu rượu nhập lậu, rượu kém chất lượng vào các loại hàng hóa thông thường khác để vận chuyển, khiến cho việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2014, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 9 vụ buôn lậu hàng hóa có kèm vận chuyển rượu nhập lậu qua địa bàn tỉnh, tịch thu 550 chai rượu nhập lậu. Trong đó, có một số vụ hàng vô chủ, không xử phạt hành chính. Theo Thông tư 36 thì khi Quản lý thị trường phát hiện rượu ngoại không rõ nguồn gốc, nhãn mác, thì phải từ 100 chai trở lên mới đem đi giám định xem là rượu giả hay rượu thật, còn dưới 100 chai thì đưa đi tiêu hủy. Nhãn mác rượu giả trên thị trường hiện nay được làm rất tinh vi, ngay cả với các cơ quan chức năng, muốn phân biệt được đâu là thật - giả còn phải thông qua giám định, nên đối với người tiêu dùng, việc phát hiện phát hiện cực kỳ khó.

Với sự tinh vi của các đối tượng buôn bán và sản xuất rượu giả, hiện nay số lượng rượu giả tồn tại trên thực tế như thế nào là khó có thể xác định được. Nhưng qua những vụ việc mà các cơ quan chức năng phát hiện được cho thấy, tình trạng rượu giả vẫn luôn diễn biến phức tạp, nhất là vào dịp gần Tết Nguyên đán. Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển rượu lậu, rượu giả, bên cạnh việc vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng, thì rất cần có sự phối hợp thông tin của các doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Thắng khuyến cáo: Nếu phát hiện những biểu hiện nghi ngờ về buôn bán, sản xuất rượu giả, người tiêu dùng nên báo cho các lực lượng chức năng như quản lý thị trường hoặc công an nơi gần nhất để họ vào cuộc.

Bài, ảnh: Đức Dũng

Cách phân biệt rượu ngoại thật và giả

Mức rượu trong chai: Thông thường, các loại rượu mạnh như Brandy, Cognac, Whisky... của các hãng trên thế giới được đóng chai tự động, do đó, về mặt nguyên tắc, mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Các đối tượng làm hàng giả thường chỉ đóng bằng tay, vì vậy mức rượu bên trong chai thường không đều nhau. Khi quan sát một dãy rượu cùng nhãn hiệu trong cửa hàng, nếu thấy chai nào có mức rượu khác với chai còn lại, thì nhiều khả năng đó là chai rượu giả, và tiếp tục kiểm tra những yếu tố tiếp theo.

Màu sắc trong chai: Khi quan sát một dãy chai rượu cùng một nhãn hiệu trong cửa hàng ở cùng một góc ánh sáng chiếu vào, nếu thấy chai nào có màu sắc khác biệt so với những chai còn lại, thì ta có thể nghi ngờ đó là hàng giả. Màu sắc có thể là nhạt hơn, sẫm hơn, hay có vẩn, váng đục... Tuy vậy, màu sắc khác biệt chưa hoàn toàn đủ yếu tố để khẳng định đó là rượu giả.

Kiểm tra nhãn rượu: Hầu hết những chai rượu giả trên thị trường đều sử dụng lại chai thật, nhãn thật, nhưng có thể trong quá trình tẩy rửa chai, nhãn thật bị trầy xước hoặc bị bong ra, do đó các đối tượng làm hàng giả đã in nhãn giả thay thế. Sự khác biệt lớn giữa nhãn thật và nhãn giả là nhãn giả không thể bắt chước được việc thực hiện in chữ nổi, màu ánh kim... đúng như hãng chính gốc.

Kiểm tra nắp nút: Thông thường, các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật...

Kiểm tra đáy chai: Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó, khi mua bạn nên quan sát thật kỹ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua. Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy, ví dụ: chính giữa vòng tròn của những chữ “A,O,B,... hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kỹ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. Các bạn cần quan sát thật kỹ để tìm những lỗ như vậy.

P.v