Ứng phó với thời tiết ấm nóng trong sản xuất vụ xuân

02/03/2015 10:36

(Baonghean) - Thời tiết vụ xuân năm 2015 khá thuận lợi cho cây mạ phát triển, không có rét đậm, rét hại kéo dài như những năm trước. Diện tích lúa gieo cấy lên đến 89.700 ha, nhiều hơn các năm trước trên 3.000 ha và là vụ lúa xuân có diện tích lớn nhất từ trước đến nay. Để đảm bảo mùa vụ thắng lợi, các địa phương và bà con nông dân cần chú trọng khắc phục những diễn biến của thời tiết nóng ấm trong sản xuất.

(Baonghean) - Thời tiết vụ xuân năm 2015 khá thuận lợi cho cây mạ phát triển, không có rét đậm, rét hại kéo dài như những năm trước. Diện tích lúa gieo cấy lên đến 89.700 ha, nhiều hơn các năm trước trên 3.000 ha và là vụ lúa xuân có diện tích lớn nhất từ trước đến nay. Để đảm bảo mùa vụ thắng lợi, các địa phương và bà con nông dân cần chú trọng khắc phục những diễn biến của thời tiết nóng ấm trong sản xuất.

Mừng là vụ xuân năm nay diện tích lúa gieo cấy lớn, cơ cấu giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng để gia tăng giá trị thu nhập cho người nông dân. Điều đó được thể hiện qua việc giảm dần diện tích các giống lúa lai chất lượng kém từ 66.000 - 67.000 ha lúa lai trước đây, nay chỉ còn lại trên 50.000 ha và thay vào đó là diện tích các giống lúa thuần chất lượng tốt.

Gieo lạc xuân ở xã Nghi Phú - TP. Vinh.Ảnh: Phan Nguyễn
Gieo lạc xuân ở xã Nghi Phú - TP. Vinh. Ảnh: Phan Nguyễn

Nhưng thật đáng lo cho vụ xuân năm nay, đó là: lo lúa trổ sớm năng suất giảm; lo nắng to, nhiệt độ cao, lạc ra hoa sớm, hạn nặng, năng suất thấp; lo gió Lào về sớm, diện tích ngô gieo tỉa muộn, năng suất giảm nghiêm trọng.

Về xã Vĩnh Thành, (Yên Thành), ông Nguyễn Văn Ất, cán bộ khuyến nông cơ sở dẫn chúng tôi đi thăm đồng, cho biết: Vụ lúa xuân năm nay toàn xã gieo cấy cơ bản các giống lúa lai như: Khải Phong 1, Nhị ưu 896, BT-E1, ZZD 001, ZZD 004… Các giống lúa này đều có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày. Theo lịch thời vụ cả huyện và tỉnh thì thời gian gieo mạ từ ngày 15 - 20 tháng 1, nhưng bà con nông dân gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ do huyện quy định trên dưới 10 ngày và khả năng lúa có thể trổ vào cuối tháng 3 đầu tháng 4. Đây là điều lo nhất hiện nay do thời tiết ngày càng ấm lên.

Đến huyện Diễn Châu, thăm HTX nông nghiệp Diễn Lộc, cơ sở truyền thống thâm canh khá của huyện Diễn Châu. Ông Đậu Ngọc Ân, Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Vụ xuân năm nay HTX gieo cấy hơn 250 ha lúa, 80 ha lạc. Bà con nông dân cũng tiến hành gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ của huyện quy định từ 3 - 4 ngày. Những vụ xuân trước đây có gieo cấy sớm hơn 3 - 4 ngày không đáng sợ lắm. Nhưng vụ xuân năm nay trời ấm, nóng quá, lúa phát triển nhanh. Vì vậy sau ngày mồng 3 Tết, chúng tôi đã phát động toàn dân ra đồng chăm bón lúa sớm hơn, đầu tư thâm canh cao hơn, bón thúc đậm hơn để trẻ hóa cây lúa, hạn chế lúa trổ sớm làm giảm năng suất”. Theo kinh nghiệm của ông Ân với thời tiết như hiện nay thì vụ lúa xuân năm nay nhiều khả năng lúa sẽ trổ sớm.

Còn tại huyện Quỳnh Lưu, toàn huyện có 7.450 ha lúa. Hiện tại lúa đã tốt xanh đồng, nhiều thửa ruộng lúa đã đẻ kín rộ. Ông Đậu Cao Dự, Chủ nhiệm HTX An Hòa, cho biết: “Vụ xuân năm nay HTX gieo cấy 105 ha lúa, chỉ cơ cấu 2 giống lúa lai BT-E1 và Thái Xuyên 111, vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng cơm gạo ngon. Bà con nơi đây đã gieo cấy sớm hơn lịch thời vụ do huyện quy định từ 10 - 12 ngày. Hiện nay bà con nông dân chúng tôi đang lo lúa sẽ trổ sớm, nếu lúa trổ gặp lạnh của tiết thanh minh sẽ ảnh hưởng đến năng suất”.

Để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết gây nên đối với cây lúa, cây ngô và cây lạc trong vụ xuân năm nay. Đề nghị các địa phương cần chủ động có kế hoạch chỉ đạo bà con nông dân thực hiện tốt những nội dung sau đây:

Đối với cây lúa:

Tập trung chăm bón sớm vụ lúa xuân để cây lúa đẻ sớm, đẻ nhiều và đẻ tập trung, bằng cách để nước trong ruộng thật cạn, bón thúc đậm, bón sớm, bón sau khi lúa cấy hay gieo sạ được 10 - 12 ngày. Loại phân và số lượng phân cần bón bình quân cho 1 sào lúa lúc này là 12 - 15 kg NPK loại 15 - 5 - 20. Nếu bón phân đơn, bón từ 5 - 6 kg đạm Urê + 3 - 4kg Kali đối với các giống lúa thuần và 6 - 7 kg đạm Urê + 4 - 5 kg Kali đối với các giống lúa lai. Sau bón phân, tốt nhất nên sục bùn để vùi phân xuống đất, làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Bón thúc đậm và bón sớm sẽ giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển mạnh ngay từ đầu và sẽ kéo dài thêm thời gian sinh trưởng hạn chế lúa trổ sớm dễ gặp rét lạnh, làm giảm năng suất.

Đề phòng và kịp thời phát hiện bệnh đạo ôn trên lá lúa. Cây lúa từ sau khi cấy trở, do thời tiết âm u vào đêm và sương mù nặng vào sáng sớm tạo cơ hội cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển mạnh gây hại trên lá lúa. Đặc biệt cần lưu ý đối với các giống lúa: Xi 23, NX 30, BC 15, AC5, Thiên nguyên ưu 16, Nghi Hương 2308, Khải Phong số 1, Nhị ưu 986, Nhị ưu 838,… Vì vậy phải thường xuyên thăm đồng, kiểm tra trên lá lúa nếu phát hiện có vết bệnh hình bầu dục, màu nâu xám, ở giữa vết bệnh có chấm màu trắng xám thì phòng trừ ngay bằng các loại thuốc như: Beam 75 WP, Katana 20 SC, Bump 650 WP, Filia 525 SE, Kabim 30 WP, Puji-one 40 WP… Liều lượng sử dụng và nồng độ pha theo khuyến cáo có sẵn ở bao bì.

Phát hiện sớm, phòng trừ ngay rầy nâu khi mới xuất hiện. Khả năng cuối tháng 2 đến đầu tháng 3 sẽ xuất hiện rầy nâu phá hoại lúa, nhất là ở những vùng đồng trũng dễ bị rầy nâu xuất hiện sớm hơn.

Nếu phát hiện có rầy đang mật độ ít thì chỉ cần sử dụng dầu hỏa, dầu ma zút trộn với cát, dâng nước trong ruộng lên rồi vãi cát vào quanh những khóm lúa bị nhiễm rầy để tiêu diệt. Nếu rầy phát triển mạnh trên diện rộng thì nên sử dụng thuốc hóa học như: Chess 50 WP, Oshin 20 WP, Elsin 10 EC, Sutin 50 EC, Chator 600 WG, Cyo Super 200 WP v.v… phun trừ theo khuyến cáo có ghi rõ ngoài bao thuốc.

Chủ động phòng chống hạn và xâm nhập mặn

Tổng lượng mưa năm 2014 chỉ đạt được 60 - 65% so với tổng lượng mưa trung bình các năm trước. Vì vậy lượng nước dự trữ ở 625 hồ đập lớn nhỏ trong tỉnh thiếu hụt, dòng chảy ở các sông, suối suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc làm ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước phục vụ cho sản xuất và làm gia tăng khả năng nước mặn xâm nhập lên ở vùng ven sông gần biển.

Để làm tốt công tác phòng chống hạn và ngăn mặn, chúng ta cần:

Quản lý chặt chẽ nguồn nước trong các hồ đập và sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Tuyệt đối không tưới nước tràn lan, tưới nước ngập quá sâu, vừa gây lãng phí, vừa hạn chế lúa đẻ.

Khơi thông hệ thống kênh mương dẫn nước từ hồ đập về đến tận từng cánh đồng và thửa ruộng. Khơi thông và khơi sâu hệ thống kênh mương dẫn nước tạo nguồn cho các trạm bơm điện, bơm dầu hoạt động tốt.

Tập trung lấy nước nhanh, kịp thời vào các hệ thống kênh mương, các ao hồ, đầm, bàu biền, sông cụt… để tích trữ nước khi các hồ đập thủy điện xả nước để tăng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp khi cần thiết. Cần có kế hoạch lắp đặt các trạm bơm dã chiến để đề phòng mức độ hạn hán có thể xẩy ra nghiêm trọng thì vận hành ngay.

Riêng đối với vùng gần các cửa sông ven biển cần đề phòng nước mặn xâm nhập và thẩm thấu vào đồng ruộng sẽ gây chết lúa, hư hỏng đất canh tác.

Đối với cây ngô:

Đến thời điểm này, không nên gieo trồng ngô trên đất màu cao cưỡng sẽ gặp nắng hạn và gió nam Lào thời kỳ ngô trổ cờ năng suất giảm nghiêm trọng. Vì vậy trên loại đất này nếu chưa gieo trồng ngô thì chuyển sang gieo trồng đậu, vừng là tốt nhất.

Với cây ngô lúc này chỉ nên tiếp tục gieo trồng trên bãi phù sa ven sông để hạn chế ảnh hưởng của nắng hạn thời kỳ ngô trổ cờ, phun sâu.

Đối với cây lạc:

Khả năng vụ lạc xuân năm nay rất khó có được năng suất cao. Vì thời gian sinh trưởng rút ngắn lại, lạc ra hoa sớm và với loại gieo trồng muộn thì rất dễ gặp nắng nóng, gió Lào và hạn hạn nặng ở thời kỳ củ non mới hình thành sẽ làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Vì vậy đối với cây lạc loại có che phủ ni lon nên sử dụng chất kích thích sinh trưởng phun cho lạc theo chỉ dẫn của nhà sản xuất và phải phun càng sớm càng tốt.

Loại lạc không che phủ ni lon tranh thủ làm cỏ, vun gốc. Nếu lạc phát triển kém thì nên sử dụng chất kích thích sinh trưởng hoặc phun đa vi lượng cho lạc theo hướng dẫn ghi ở bao bì, nhãn mác. Đồng thời sau khi lạc ra hoa được 13 - 15 ngày bón cho mỗi sào lạc từ 7 -8 kg vôi bột nếu tưới nước cho lạc sau khi ra hoa và vun gốc sẽ có năng suất cao.

Vụ đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, đóng góp trên 60% tổng sản lượng lương thực cả năm. Vì vậy trong điều kiện thời tiết bất lợi rất cần bổ cứu các biện pháp kỹ thuật, tăng cường theo dõi, chăm sóc để dành được năng suất cao, sản lượng lớn.

Doãn Trí Tuệ