Mỹ viện trợ Cảnh sát biển Việt Nam 11 tàu tuần tiễu

07/03/2015 16:45

Theo tin mới nhất, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tiễu, nâng tổng số tàu viện trợ cho Việt Nam lên con số 11.

Mỹ cung cấp thêm cho cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tiễu

Trong dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, với chủ đề kỷ niệm của tháng 3 là tháng “quốc phòng và an ninh”, Thiếu tá Lý.V.Thắng, Trưởng Văn phòng Hợp tác Quốc phòng Đại sứ quán Hoa Kỳ, đã thông báo việc Hoa Kỳ sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra cho Việt Nam trong thời gian tới.

Thiếu tá Thắng cho biết, Mỹ không chỉ trao đơn thuần 6 con tàu mà sẽ hỗ trợ toàn diện và dài hạn cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Hiện nay, đang có những chuyên gia Hoa Kỳ tại đây để đảm bảo cam kết của Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ dài hạn cho Việt Nam.

Hiện có một số sĩ quan Việt Nam đang học tập tại Hoa Kỳ về cách thức sử dụng các tàu này, để một thời gian nữa trở về nước có thể vận hành chúng một cách hiệu quả. Đồng thời, phía Mỹ cũng trao cho Việt Nam các thiết bị và phụ tùng thay thế, hoặc hỗ trợ xây dựng các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng lớn.

Tàu tuần tiễu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ
Tàu tuần tiễu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ

Thiếu tá Thắng bày tỏ, trên lĩnh vực an ninh biển, phía Hoa Kỳ sẽ làm việc chặt chẽ với cảnh sát biển và Hải quân Nhân dân Việt Nam, góp phần tăng cường năng lực thực thi pháp luật và tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.

Trong lĩnh vực liên quan đến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, Hoa Kỳ sẽ phối hợp tăng cường năng lực ứng phó với thảm họa cho Việt Nam. Đặc biệt là trong năm nay Hoa Kỳ sẽ dành 5 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Được biết, vào đầu tháng 2 vừa qua, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề quân sự và chính trị, ông Puneet Talwar cũng xác nhận là phía Mỹ đã bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam 5 tàu tuần tra cao tốc, theo đúng cam kết viện trợ của Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến công du Việt Nam vào cuối năm 2013.

Đồng thời, cũng trong đầu tháng 2 vừa qua Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã tiếp nhận một tàu tuần tra đã qua sử dụng do Nhật Bản tặng mang tên Syokaku (đặt lại tên là CSB 6001), là chiếc tàu đầu tiên trong số ba tàu đã qua sử dụng mà nước này đã hứa tặng cho Việt Nam để nâng cao năng lực cho lực lượng Cảnh sát biển.

Vào tháng 10/2014, Mỹ tuyên bố dỡ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, được áp đặt từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, bước đi đầu tiên được quyết định là 2 bên sẽ hướng đến mục đích an ninh hàng hải.

Báo thế giới nói Việt Nam sẽ mua những gì từ Mỹ?

Từ sau khi Mỹ dỡ một phần lệnh cấm buôn bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, đã có rất nhiều thông tin phỏng đoán về việc Việt Nam sẽ mua những vũ khí, trang bị nào hay việc Việt Nam sẽ được Mỹ cung cấp những gì?

Theo tin của ABC News và Defence News, trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện lập trường cứng rắn về tranh chấp lãnh thổ trên biển và có những hành động ngày càng hung hăng, lấn át các nước đông nam Á trên biển Đông, rất có thể Mỹ sẽ đẩy mạnh “đầu tư an ninh trên biển” cho Việt Nam.

Truyền thông Mỹ cho rằng Việt Nam sẽ mua cả A-29 Super Tucano
Truyền thông Mỹ cho rằng Việt Nam sẽ mua cả A-29 Super Tucano

Trang Defence News tháng 10-2014 còn đưa một thông tin khá lạ là, trong gói hợp tác an ninh trên biển cho Việt Nam còn có cả loại máy bay chiến đấu cánh quạt A-29 Super Tucano - sản phẩm hợp tác của Công ty chế tạo hàng không Embraer của Brazil và công ty Sierra Nevada Corporation/SNC.

Super Tucano là loại máy bay chiến đấu cánh quạt, tốc độ chậm (trên 500km), trần bay thấp (dưới 10km), thích hợp với các cuộc chiến cường độ thấp, phù hợp với các hoạt động chiến tranh du kích ở các vùng rừng núi hay tuần tra các khu vực biên giới và huấn luyện phi công.

Ngoài ra, còn có thông tin là Việt Nam có thể đặt mua cả máy bay tuần tiễu hàng hải P-3C Orion không trang bị vũ khí, chức năng chủ yếu là săn ngầm. Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể sẽ mua máy bay trực thăng tuần tra trên biển Sea Hawk, do Công ty máy bay Sikorsky Mỹ nghiên cứu chế tạo.

Tàu tuần tiễu ven biển lớp Cyclone của Bollinger Shipyards
Tàu tuần tiễu ven biển lớp Cyclone của Bollinger Shipyards

Về phương tiện tuần tra trên biển, đối tác mà Việt Nam có khả năng lựa chọn là bao gồm Công ty hàng hải Huntington Ingalls cùng với Công ty Lockheed Martin - doanh nghiệp nghiên cứu chế tạo tàu tuần duyên Hải quân Mỹ và nhà máy đóng tàu Austal.

Tuy nhiên, các trang mạng Mỹ thiên về khả năng Việt Nam sẽ hợp tác với nhà máy đóng tàu Bollinger (Bollinger Shipyards), bởi doanh nghiệp này là nhà chế tạo tàu tuần tiễu ven biển lớp Cyclone (Cyclone-class coastal patrol ship), có lượng giãn nước vừa phải, phù hợp với yêu cầu của Việt Nam.

Các tàu này có lượng giãn nước 336 tấn, chiều dài 55m, rộng 7,6m, cao 2,5m. Tàu có tốc độ tối đa khoảng 35 hải lý/h (tương đương 65km/h)m, phạm vi hành trình tối đa 2500 hải lý (tương đương 4600km/h). Tàu có biên chế thủy thủ đoàn 28 người (trong đó có 4 sĩ quan).

Tuy nhiên, trên đây chỉ là những thông tin do báo chí nước ngoài đăng tải, chưa có sự xác nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo baodatviet.vn

TIN LIÊN QUAN