Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Không nên chỉ vào cuộc khi họ đã về hưu
Những cán bộ như cựu Chủ tịch TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên sau 8 năm vẫn chưa chịu trả lại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, trong khi để cho con trai ở, mình thì sống chỗ khác, như vậy là không nên và rất đáng phê phán. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV) cho rằng, những trường hợp như thế này cần phải có thái độ dứt khoát, không được nể nang nữa.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tôi cho rằng, những trường hợp như vậy cần phải được kiểm điểm, giáo dục, răn đe để họ biết làm như vậy sẽ gây mất uy tín của Đảng, mất niềm tin của nhân dân. Tôi nghĩ trong câu chuyện này, tổ chức Đảng, chính quyền cần có thái độ dứt khoát, không được nể nang nữa. Nếu cá nhân đã sai mà tổ chức không kiên quyết lại càng đẩy cá nhân sai hơn.
Vai trò của tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền phải kiên quyết, như vậy mới ngăn chặn được thói hư tật xấu của cán bộ, đảng viên, mới mang lại lòng tin cho nhân dân cũng như cán bộ đảng viên khác. Bởi, trách nhiệm chính là của cá nhân, nhưng tổ chức quản lý cũng có một phần trách nhiệm.
Từ câu chuyện của cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên và nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, chúng ta thấy rằng, cấp ủy Đảng, chính quyền phải chủ động đấu tranh với tiêu cực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên.
Mặt khác, không nên chỉ vào cuộc khi báo chí, dư luận lên tiếng, không chỉ vào cuộc khi người ta đã nghỉ hưu mà phải rất chủ động, làm nghiêm ngay từ khi họ còn đương chức. Cần phải xử lý nghiêm những trường hợp như ông Nghiên, ông Truyền, không thể để một, hai cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín của cả tập thể, uy tín của Đảng.
Quan trọng nhất là phải ngăn ngừa từ khi họ còn đương chức. Nhưng kể cả khi ai đó có dư luận không tốt, người dân dị nghị, thì dù người đó có về hưu rồi cũng không thể để họ “hạ cánh an toàn”.
Theo GTVT