Hàng nghìn người nô nức xem "vua" đi cày

25/02/2015 16:40

Sáng ngày 25/2 (mùng 7 tết Ất Mùi), tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên- tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ hội Tịch Điền năm 2015. Lễ hội năm nay đã thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến tham dự.

Lễ hội Tịch Điền là nét đẹp văn hóa của người dân làng Đọi Sơn nói riêng và của tỉnh Hà Nam nói chung.

Lễ hội Tịch Điền tái hiện lại truyền thống "Dĩ nông vi bản" để khuyến khích nông nghiệp, tổ chức các nghi thức trang trọng của Lễ hội với quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Ngay từ sáng sớm hàng nghìn người dân đã nô nức kéo về nơi tổ chức lễ hội.
Ngay từ sáng sớm hàng nghìn người dân đã nô nức kéo về nơi tổ chức lễ hội.

Đây là năm thứ 7, lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn được khôi phục lại với quy mô ngày càng lớn và rộng rãi, thu hút không chỉ người dân Hà Nam mà cả các tỉnh lân cận tham dự.

Về dự lễ hội Tịch Điền năm 2015 có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, các tỉnh lân cận, các sở, ban, ngành cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay từ sáng sớm mọi công tác chuẩn bị để triển khai lễ hội đã được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Các lực lượng Cảnh sát giao thông, an ninh trật tự cũng đứng từ vòng ngoài phân luồng giao thông, hướng dẫn người đi đường tránh tình trạng ùn tắc. Sân khấu chính được dựng ngay trên bờ ruộng theo kiểu đàn cầu an xưa với lá cờ phướn in các chữ "Thần nông" nổi bật chính giữa lễ đài.

Lễ hội Tịch Điền năm 2015 vẫn giữ nguyên các nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian như: đánh đu, vẽ trâu, đi cầu phao… Cùng với đó là nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của cư dân địa phương nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo của địa phương

Trong nhiều tài liệu lịch sử còn lưu lại, mùa xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam. Từ đó lễ hội Tịch Điền được các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn thực hiện một cách thành kính, trang trọng. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc.

Không chỉ trong ngày khai hội Tịch Điền người dân mới nô nức tham gia, ngay từ trước đó nhưng không khí của lễ hội truyền thống đã tràn ngập xã Đọi Sơn.

Trong ngày khai hội đã diễn ra các nghi thức chính như rước trống, rước linh vị vua Lê Đại Hành từ chùa Long Đọi Sơn xuống chân núi và nhập với đoàn rước Thành Hoàng Làng cùng tổ nghề trống Đọi Tam dưới chân núi Đọi đoàn rước tiến về khu ruộng mà trước đây vua Lê Đại Hành đã đi cày đầu năm khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp vào năm 987. Sau đó là lễ bái yết Thần nông cầu một năm mới mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Sau màn đánh trống khai hội của đội trống nữ Đọi Tam là màn múa rồng. Tiếp đến là một vị cao niên trong làng Đọi Sơn được chọn vào vai vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày. Vị cao niên này sẽ từ cổng bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Sau khi vua xuống ruộng đi cày, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng cùng với các lãnh đạo địa phương và các lão nông xuống cày 9 sá cầu mùa màng bội thu.

 Vua đi cày 3 sá cầu mong mùa màng bội thu.
Rước linh vị vua Lê Đại Hành đến nơi làm lễ.
 Vua đi cày 3 sá cầu mong mùa màng bội thu.
Vua đi cày 3 sá cầu mong mùa màng bội thu.

Theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc.
Theo sau vua là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc.

Theo Dantri